Hà Nội, Thứ Hai Ngày 16/09/2024

Nắm rõ quy tắc xuất xứ hàng hoá, doanh nghiệp khai thác bền vững thị trường EU

VIETQ 08:40 01/08/2022

EU là thị trường khó tính với những tiêu chuẩn khắt khe, tuy nhiên cũng chính vì lẽ đó mà doanh nghiệp Việt cần nâng cấp lên để khai thác thị trường EU một cách bền vững.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 17 FTA, gồm 15 Hiệp định đã và đang thực hiện, còn 2 Hiệp định nữa chưa hoàn tất đàm phán. Trong đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những điều khoản văn minh, tiến bộ, hướng tới công bằng và phát triển bền vững. Hiệp định EVFTA (có hiệu lực từ ngày 1/8/2021) là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Với "chất xúc tác" từ EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng trưởng rất tích cực. Ảnh minh họa.

Số liệu thống kê từ Bộ Công thương chỉ ra, 6 tháng năm 2022, xuất siêu của Việt Nam sang EU ước đạt 15,5 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam và EU 6 tháng đạt 31,7 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu 23,6 tỷ USD, nhập khẩu 8,1 tỷ USD. Một số thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam tại châu Âu gồm Hà Lan, Đức, Italy, Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha, Áo…

Có thể nói, với "chất xúc tác" từ EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng trưởng rất tích cực. Tuy nhiên, để tiếp cận và thâm nhập sâu vào thị trường EU doanh nghiệp cần sự hiểu biết về các điều khoản của hiệp định. Trong đó, đặc biệt cần lưu ý các vấn đề liên quan đến quy tắc xuất xứ hàng hóa.

Với 27 nước thành viên và dân số khoảng 516 triệu người, mức thu nhập GDP mỗi người dân trên 35.000/năm, Liên minh châu Âu (EU) có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa, nhất là nông, thủy sản từ khắp các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ đó cho thấy dư địa tại thị trường này là rất lớn và doanh nghiệp Việt cần biết nắm bắt, tận dụng cơ hội để mở rộng thị trường.

Trao đổi với PV báo điện tử VOV, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ cơ chế liên quan đến xuất xứ từ những thị trường cùng tham gia các hiệp định để tận dụng ưu đãi thuế quan.

"Việc tận dụng ưu đãi của thị trường, bên cạnh các vấn đề về thuế suất thì việc đáp ứng các hàm lượng về xuất xứ là yếu tố rất quan trọng. Để đáp ứng điều này một mặt doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu về quy định liên quan đến quy tắc xuất xứ trong các hiệp định, một mặt chúng ta cũng phải cơ cấu nguồn nguyên liệu, giá trị đầu vào để làm sao nâng cao giá trị của sản phẩm Việt Nam, hoặc là sử dụng hợp lý yếu tố đầu vào từ các nước cùng tham gia một hiệp định thương mại tự do, như vậy chúng ta mới có thể đạt được các điều kiện về thuế suất ưu đãi…", ông Hải nhận định.

Bên cạnh đó, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, EU là thị trường khó tính với các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, nhưng điều này hoàn toàn không phải là rào cản.

"Thời gian qua nhiều doanh nghiệp đang nghĩ rằng, vào thị trường EU có quá nhiều rào cản. Tôi không nghĩ rằng đó là rào cản. Tôi nghĩ rằng đó chính là những tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp phải nâng cấp để vào được thị trường EU một cách bền vững. Và thực tế đã chứng minh rằng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi đáp ứng các tiêu chuẩn của EU thì họ vào thị trường EU rất tốt và họ đã có mối quan hệ trao đổi thương mại phát triển bền vững, thì tôi nghĩ đấy là điểm khó khăn mà chúng ta cần phải vượt qua…", ông Khanh nhấn mạnh.

Bạn đang đọc bài viết Nắm rõ quy tắc xuất xứ hàng hoá, doanh nghiệp khai thác bền vững thị trường EU tại chuyên mục Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Xã hội