Theo đó, các lọ vaccine đã rã đông chưa mở có thể được bảo quản trong tủ lạnh ở 2 đến 8 độ C trong tối đa một tháng, tăng so với giới hạn tối đa trước đó là năm ngày.
Ông Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Đánh giá sinh học và nghiên cứu của FDA cho biết: “Sự thay đổi này sẽ cho phép phổ biến rộng rãi loại vaccine hơn cho công chúng ở Mỹ, nhờ tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà cung cấp vaccine tiếp nhận, lưu trữ và quản lý vaccine”.
Sự thay đổi này cũng đặc biệt quan trọng đối với các cơ sở toàn cầu và vùng sâu vùng xa của Mỹ, nơi có cơ sở hạ tầng vận chuyển và lưu trữ kém. Vào tháng 2, FDA đã phê duyệt việc bảo quản và vận chuyển vaccine của Pfizer - BioNTech ở nhiệt độ tủ đông tiêu chuẩn trong tối đa hai tuần thay vì điều kiện cực lạnh.
Trước đó, Bộ Y tế Canada cho biết đã chấp thuận việc bảo quản vaccine ở nhiệt độ lạnh tiêu chuẩn trong tối đa một tháng, để cho phép linh hoạt hơn trong kế hoạch phân phối. Vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer - BioNTech đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp vào tháng 12/2020 với yêu cầu được bảo quản ở nhiệt độ từ -80ºC đến -60ºC, có nghĩa là nó phải được vận chuyển trong các thùng chứa thiết kế đặc biệt.
Đây sẽ là thông tin tích cực đối với Việt Nam, bởi theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành liên quan đã thống nhất đề xuất mua 31 triệu liều vaccine của Pfizer trong quý 2 năm nay.
Vaccine của Pfizer - BioNTech có nhiều tên gọi như Comirnaty, Tozinameran hay BNT162b2; gồm 2 liều tiêm, mỗi mũi cách nhau 3 tuần. Nó được điều chế bằng phương pháp di truyền, đưa một hoặc nhiều đoạn gene của SARS-CoV-2 vào cơ thể để kích thích phản ứng miễn dịch. Chế phẩm sinh học này cần phải bảo quản ở tủ đông trong nhiệt độ từ -25 độ C đến -15 độ C.
Công trình nghiên cứu vaccine bắt đầu vào tháng 1/2020, khi các chuyên gia của BioNTech bắt đầu tạo ra phân tử di truyền hay mRNA (RNA thông tin) và xây dựng protein đột biến của nCoV. Khi được tiêm vào tế bào, vaccine khiến chúng tạo ra các protein đột biến, giải phóng vào cơ thể và kích thích phản ứng từ hệ thống miễn dịch.
Thử nghiệm giai đoạn 2, 3 gồm 30.000 tình nguyện viên. Ngày 8/12/2020, FDA công bố phân tích độc lập cho thấy vaccine của Pfizer đạt hiệu quả tới 95%. Báo cáo cũng lưu ý vaccine không gây tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng nó thường khiến người tiêm mệt mỏi trong thời gian ngắn, sốt, đau cơ.
Ngày 2/12/2020, Chính phủ Anh cấp phép khẩn cấp cho vaccine này, sau đó, nhiều quốc gia khác cũng mở cửa đón chào sản phẩm của Pfizer. Ngày 31/12/2020, Tổ chức Y tế Thế giới thêm vaccine Pfizer vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đây là vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới đạt được điều này.
Theo Chất lượng Việt Nam Online