Hà Nội thống nhất chủ trương phê duyệt 6 đồ án quy hoạch 4 quận nội đô
Chiều 3/3, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp bàn và đi đến thống nhất về chủ trương giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, ký ban hành 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử bao phủ 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Theo Tờ trình của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân Thành phố, 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử bao phủ diện tích hơn 2.700ha tại 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, có ký hiệu là: H1-1 (A, B, C), H1-2, H1-3 và H1-4; tỷ lệ 1/2.000. Dự kiến dân số quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 là 672 nghìn người.
Các đồ án đã được Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập; Sở Quy hoạch và Kiến trúc thẩm định tuân thủ trình tự quy định tại Luật Quy hoạch đô thị, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; Các nghị định của Chính phủ; Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành cùng các quy định pháp luật có liên quan và nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt.
Tại hội nghị, Thường trực Thành ủy đã nghe các ý kiến phát biểu của cơ quan thẩm định, trao đổi thảo luận của các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, báo cáo giải trình của lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố… về 6 đồ án quy hoạch trên.
Hội nghị thống nhất giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân Thành phố tiếp thu ý kiến tại hội nghị để hoàn thiện hồ sơ, ký ban hành các đồ án quy hoạch trên theo thẩm quyền, bảo đảm đúng các quy định pháp luật.
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, trước khi đi đến quyết định quan trọng này, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã xem xét kỹ lưỡng, thận trọng; xin ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, các Bộ, ngành liên quan, Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch Thành phố; Đánh giá kết quả tiếp thu hoàn thiện các đồ án quy hoạch trên cơ sở ý kiến của các bên liên quan…
Ca Covid-19 ở Hà Nội tiên lượng rất nặng, tổn thương phổi gần như toàn bộ
Theo bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân 1823 (65 tuổi, ở Mê Linh, Hà Nội) đang có tổn thương phổi rất nặng. Đánh giá về mặt hình ảnh trên phim chụp CT, tổn thương phổi của bệnh nhân có thể lên tới 95%, gần như toàn bộ phổi.
Bệnh nhân hiện vẫn sống phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo), các chỉ số đánh giá về cơ bản vẫn chưa cải thiện.
Bệnh nhân 1823 là F1 của ca bệnh 1725, được Bộ Y tế công bố dương tính SARS-CoV-2 hôm 1/2. Ngay sau đó, người bệnh được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị. Đến giữa tháng 2, bệnh nhân phải can thiệp ECMO do tình trạng nặng .
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm nhận định, tình trạng bệnh nhân 1823 chưa tiến triển nhiều sau thời gian dài điều trị. Bệnh nhân có tiên lượng rất nặng, nếu không duy trì máy thở, ECMO sẽ không giữ được mạng sống.
Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có cơ hội hồi phục. Điều này không nằm ngoài dự đoán so với thế giới hoặc so với những ca Covid-19 trước đây bệnh viện tiếp nhận.
"Trường hợp này có lẽ cần nhiều thời gian hơn. Có những ca tổn thương phổi nặng, ngay cả khi cơ thể chiến thắng virus thì phổi cũng cần rất lâu để hồi phục. Đơn cử, bệnh nhân 91 hay bệnh nhân 19 có tổn thương phổi rất nặng, phải mất tới 6-8 tuần mới có thể dần ổn định", nam bác sĩ nói.
Trong thời gian tới, các bác sĩ tiếp tục hỗ trợ ECMO để duy trì sự sống cho người bệnh. Đồng thời, chăm sóc hô hấp tích cực, chờ đợi tổn thương phổi giảm dần. “Sau khi nồng độ virus giảm, tổn thương phổi của người bệnh có thể dần đỡ hơn”, bác sĩ Khiêm nói.
Cháy quán cà phê giữa đêm, nữ quản lý quán tử vong
Sáng 4/3, lãnh đạo Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết đang điều tra nguyên nhân vụ cháy cà phê Hoa Ban Trắng (phường La Khê) khiến 1 người chết.
Vụ cháy quán cà phê giữa đêm, nữ quản lý quán tử vong xảy ra khoảng 0h40 cùng ngày. Thời điểm trên trời đang có mưa nhưng ngôi nhà bất ngờ bốc cháy. Người dân phát hiện vụ việc liền thông báo cơ quan chức năng. Nhận được tin báo, Công an quận Hà Đông nhanh chóng đến hiện trường, tổ chức khoanh vùng ngọn lửa chống cháy lan và chữa cháy.
Sau gần 15 phút, ngọn lửa được dập tắt. Tuy nhiên, một phụ nữ không qua khỏi do bị ngạt khói. Nạn nhân là chị T.T.H (SN 1983, quê quán Chương Mỹ, Hà Nội, là quản lý của quán). Nạn nhân thuê địa điểm trên để kinh doanh nhưng do dịch bệnh nên lâu nay quán đóng cửa.
Hà Nội sắp có 5 'siêu' khu nhà ở xã hội với quy mô hơn 300ha
Sương mù làm gia tăng ô nhiễm không khí tại Hà Nội
Theo số liệu từ Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, AQI (24 giờ gần nhất) tại các trạm quan trắc trên địa bàn đa phần ở mức kém và trung bình, chỉ số AQI khá cao, dao động từ 80 - 117. Nơi đo được AQI cao nhất là khu vực: Hàng Đậu - 117, Phạm Văn Đồng - 115, Thành Công - 109… Các khu vực còn lại như Hoàn Kiếm, Tân Mai, Mỹ Đình, Cầu Giấy ở mức trung bình.
Những ngày sương mù xuất hiện làm cho sự lưu thông khí quyển bị hạn chế, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm gia tăng ô nhiễm môi trường không khí.
Đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, với chất lượng không khí (CLKK) như hôm nay, những người nhạy cảm sẽ gặp vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít gặp hơn. Vì vậy, khi tham gia giao thông, mọi người cần tuân thủ triệt để luật giao thông để hạn chế ùn tắc. Cơ quan chức năng cần tăng cường điều tiết giao thông tại một số khu vực có mật độ giao thông cao nhất như: Minh Khai, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu… Các khu vực ngoại thành, người dân cần hạn chế đốt rác và phụ phẩm nông nghiệp.
Đồng thời, để có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của mình, người dân nên thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình CLKK tại các trang công bố công khai của cơ quan nhà nước, để biết được mức độ ảnh hưởng và có các biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Theo đó, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất năm 2021 diễn ra trong tháng 3-2021; có các phương án triển khai, tổ chức các hoạt động, sự kiện hưởng ứng bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, năng lượng, sử dụng tài nguyên tái tạo, tái sử dụng, tái chế chất thải, giảm rác thải nhựa...
UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tuyên truyền tới các cơ quan công sở, các tổ dân phố, cụm dân cư, người dân trên địa bàn về ý nghĩa, mục đích của chiến dịch; sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, nước nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các cơ quan, công sở tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện tiết kiệm điện; ban hành quy định tiết kiệm điện, đưa nội dung thực hiện tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hằng năm và thường xuyên rà soát, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định về tiết kiệm điện.
Cùng với đó, UBND các quận, huyện, thị xã tuyên truyền đến các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh dịch vụ sử dụng các loại thiết bị điện có hiệu suất cao, được dán nhãn năng lượng và thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện. Vận động các tổ chức, cơ quan và người dân trên địa bàn thực hiện tắt đèn và các thiết bị không cần thiết vào thời gian diễn ra sự kiện Giờ trái đất từ 20h30 đến 21h30, ngày 27-3-2021.
T.Anh (TH)/SHTT