Phát động Giải Búa liềm vàng lần thứ VI, năm 2021, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo giải đề nghị, đội ngũ các nhà báo phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ, đạo đức nghề nghiệp, bám sát thực tiễn để có những tác phẩm có giá trị, nhất là có các giải pháp hiệu quả giải quyết những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm, phục vụ thiết thực công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Chủ tịch UBND Hà Nội gợi ý Samsung Việt Nam chia sẻ các giải pháp công nghệ sở trường như 5G, dữ liệu lớn, hỗ trợ TP phát triển đô thị thông minh.
Tại buổi tiếp Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho sáng 14/1, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh đã được nghe báo cáo về các dự án của Samsung tại Hà Nội, đề xuất chiến lược phát triển thời gian tới.
Ông Choi Joo Ho cho biết tháng 1/2020, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) của Samsung tại Hà Nội đã được khởi công, tới nay đạt khoảng 23% kế hoạch. Ông mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của thành phố để dự án hoàn thành vào cuối năm 2022.
Sau khi trung tâm được hoàn thiện, số kỹ sư Samsung làm việc tại đây sẽ tăng lên 3.000 người, với nhiệm vụ chính là nghiên cứu phần mềm, thuật toán, hướng tới Cách mạng công nghiệp 4.0, cơ sở dữ liệu lớn, mạng 5G, trí tuệ nhân tạo…
Lãnh đạo Samsung Việt Nam khẳng định khi đi vào hoạt động, trung tâm có thể đóng góp vào sự phát triển của Hà Nội nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
|
Phối cảnh Trung tâm R&D của Samsung Việt Nam tại khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội. Ảnh: Samsung Việt Nam. |
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đánh giá cao những thành tựu và đóng góp của Samsung tại Việt Nam, cũng như TP Hà Nội. Thông qua 8 dự án, Samsung Việt Nam đang có những đóng góp quan trọng về khoa học - công nghệ, góp phần nâng tầm Việt Nam vươn ra thế giới.
Chủ tịch TP kỳ vọng Trung tâm R&D của Samsung giúp nâng tỷ trọng các dự án đầu tư về khoa học - công nghệ trên địa bàn. Hà Nội sẽ tạo điều kiện thúc đẩy tiến độ khẩn trương nhất, đưa trung tâm mới của Samsung vào hoạt động.
Hà Nội: Điều kiện thời tiết khiến chất lượng không khí chạm ngưỡng xấu
Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, những ngày gần đây CLKK Hà Nội thường xuyên ở mức kém và xấu. Đặc biệt, CLKK tại thời điểm 8:00 sáng ngày 14/01/2021 có 21/34 trạm đã chạm ngưỡng xấu (màu đỏ) và 13/34 trạm chạm ngưỡng kém (màu cam), người dân nên hạn chế tối đa các hoạt động ngoài trời do CLKK ở mức ảnh hưởng tới sức khỏe.
Cụ thể, vào lúc 8:00 sáng nay, CLKK có 21/34 trạm chạm ngưỡng xấu (mức cảnh báo 4/6), 13/34 trạm còn lại chạm ngưỡng kém (mức cảnh báo 3/6), AQI dao động trong khoảng 115 - 188. Trong đó, những khu vực có chỉ số CLKK ở ngưỡng xấu như KĐT Pháp Vân (188), Hàng Đậu (187), 36A Phạm Văn Đồng (184), Lý Thái Tổ (184), Chi Cục BVMT (178), Minh Khai (177), Thành Công (177), …
Ngoài ra, theo kết quả quan trắc của các trạm trong khu vực miền Bắc trên Trang công bố thông tin_Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc cũng thể hiện CLKK đang ở mức xấu tại khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tỉnh Bắc Ninh xuất hiện trạm chạm ngưỡng rất xấu.
Nồng độ bụi PM10 trung bình 1 giờ tại 34 trạm dao động 101.2 - 280.1 µg/m3 và bụi PM2.5 dao động trong khoảng 69.5 - 146.3 µg/m3. Nồng độ chỉ tiêu bụi PM10 và PM2.5 cao gấp 1.2 lần so với cùng thời điểm ngày 08:00 ngày 13/01/2021.
Đoàn tàu tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sẽ được trưng bày cho người dân tham quan
Dự kiến giữa tháng 2/2021, đoàn tàu của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được vận chuyển từ Depot (ga tập kết, sửa chữa bảo dưỡng tàu) lên ga trên cao S1 - trước trường Đại học Công nghiệp Hà Nội để trưng bày cho người dân tham quan.
Thông tin từ Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, đến cuối năm 2020, dự án đầu tư xây dựng 12km tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đạt gần 67,5% tiến độ tổng thể.
Từ tháng 10/2020 đến nay, đoàn tàu đầu tiên của dự án và 2 máy đào hầm TBM (Thần tốc và Táo bạo) đã được vận chuyển về dự án. Đoàn tàu thứ 2 đang trên đường vận chuyển từ Pháp về nước và sẽ cập cảng Hải Phòng vào cuối tháng 1/2021. 8 đoàn còn lại đang tiếp tục được sản xuất, thử nghiệm để bắt kịp tiến độ khai thác trước đoạn trên cao vào cuối năm 2021 và toàn tuyến vào cuối năm 2022.
Dự án sẽ sử dụng 10 đoàn tàu vận hành liên tục trên đường sắt khổ tiêu chuẩn (1.435mm), thân xe sử dụng vật liệu hợp kim nhôm có trọng lượng nhẹ, tuổi thọ cao, được chế tạo tại Pháp.
Đoàn tàu là một trong những sản phẩm hiện đại nhất của Alstom, trang bị đầy đủ các tiện nghi như: Điều hòa không khí, thông gió, hệ thống phát thanh hành khách, hệ thống camera, hệ thống phát hiện cháy và khói độc lập, đèn LED tự động điều chỉnh ánh sáng cho phù hợp khi đi vào đoạn ngầm...
Nội thất bên trong tàu với các gam màu sáng cùng hệ thống đèn LED ánh sáng trắng sẽ luôn tạo cảm giác thoáng đãng, mang đến sự thoải mái, dễ chịu cho hành khách khi ở trên tàu.
Hà Nội gia tăng vận hành trạm bơm lấy nước vụ Xuân 2021
Ngày 14/1, mực nước trên sông Đà giảm nhẹ, trong khi mực nước sông Hồng có tăng. Phần lớn các trạm bơm chính trên hệ thống sông của Hà Nội (Đà, Hồng, Đáy, Tích, Nhuệ) đều có thể vận hành lấy nước, trừ trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây), Ấp Bắc (huyện Đông Anh) mới vận hành được hệ thống bơm dã chiến.
Tranh thủ mực nước trên hệ thống các sông, 4 doanh nghiệp thuỷ lợi của Hà Nội đã tăng cường vận hành các trạm bơm phục vụ lấy nước sản xuất vụ Xuân 2021. Ngày 14/1, có tổng cộng 111 trạm bơm, với 315 tổ máy được vận hành. Lưu lượng bơm mỗi giờ đạt 528.200m3. So với ngày 13/1, số trạm bơm được vận hành tăng 11 trạm.
Thống kê đến sáng 14/1, tổng diện tích sản xuất vụ Xuân 2021 của Hà Nội đã có nước đạt gần 3.600ha (bằng khoảng 4,2% kế hoạch gieo cấy). Thực hiện chủ trương của Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội, ngay sau khi có nước, bà con nông dân các địa phương đã tiến hành lấy nước, đổ ải, làm đất nhằm tránh thất thoát nguồn nước. Diện tích đã làm đất của Hà Nội hiện đạt khoảng 1.600ha (bằng 1,9% kế hoạch sản xuất vụ Xuân 2021).
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Hà Nội Đào Quang Khải cho biết, hiện nay mực nước trên hệ thống các sông đang cơ bản thuận lợi cho công tác vận hành trạm bơm. Chính vì vậy, đề nghị các doanh nghiệp thuỷ lợi tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, chỉ đạo vận hành các trạm bơm trong điều kiện nguồn nước cho phép, tập trung lấy nước, trữ nước vào hệ thống công trình, bảo đảm tiến độ lấy nước theo kế hoạch…
T.Mai (TH)/SHTT