Từ 0h ngày 16/2, Hải Dương thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị số 16 trong 15 ngày, hạn chế phương tiện trên các quốc lộ, đoạn đi qua địa bàn.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái có văn bản gửi Bộ Công Thương, UBND TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và các địa phương có cửa khẩu.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị các địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho phép phương tiện, tài xế và người giao nhận hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương được ra, vào các địa phương nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa, kịp thời tiêu thụ cũng như thông quan hàng hóa theo đúng kế hoạch.
|
Tỉnh Hải Dương mong muốn được lưu thông xe chở hàng hóa ra tỉnh khác |
Hiện trên địa bàn tỉnh còn tồn động số lượng lớn hàng hóa đặc biệt là nông sản. Cụ thể, hơn 4.000 ha rau vụ đông đến kỳ thu hoạch với sản lượng ước tính gần 91.000 tấn, trong đó sản lượng hành chiếm hơn 61%. Hải Dương ước tính khoảng 90% số cà rốt và 30% số rau bắp cải, su hào, su lơ, rau ăn lá của tỉnh được xuất khẩu. Số còn lại được tiêu thụ nội địa.
Hà Nội yêu cầu đóng cửa quán ăn vỉa hè
Chiều 16/2, Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa ban hành kết luận của Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19.
Hà Nội yêu cầu, các hàng ăn phải đảm bảo giãn cách tối thiểu 2m giữa người với người hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 1m và có tấm chắn giữa.
Từ 0h ngày 16/2, tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo; tạm dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè, và quán cà phê đến khu có chỉ đạo mới của UBND thành phố.
|
Phố phường Hà Nội vắng vẻ sau lệnh đóng cửa quán ăn |
Đối với tất cả các trường hợp trở về Hà Nội từ tỉnh Hải Dương, cần phải khai báo y tế theo mẫu in trên giấy, hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết, thường xuyên theo dõi sức khỏe và được các tổ dân phố và tổ giám sát COVID-19 cộng đồng theo dõi.
Thủ tướng nhất trí TP.HCM, Hà Nội có thể giãn cách một số khu vực có khả năng lây nhiễm cao; cần chuẩn bị sẵn sàng cách ly lớn khi tình huống xấu xảy ra.
TP.HCM cách ly người từ 11 tỉnh thành có dịch
Tính đến hết ngày 16/2, TP.HCM còn 12 điểm phong tỏa (gỡ bỏ 9 điểm) liên quan đến các ca bệnh COVID-19. Nhờ xét nghiệm thần tốc nên chỉ trong vòng 16 ngày, ngành Y tế đã kiểm soát chuỗi lây nhiễm liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Chiều mùng 5 Tết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) công bố 4 nhóm đối tượng có chỉ định cách ly và xét nghiệm. Cụ thể:
- Nhóm là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 sẽ cách ly tập trung 14 ngày từ ngày tiếp xúc cuối cùng với bệnh nhân. Xét nghiệm ngay khi vào khu cách ly với 4 lần vào các ngày 1, 5, 10 và 14.
- Nhóm 2 là người từng đi, đến, về từ địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 phải cách ly 14 ngày từ ngày rời khỏi địa phương đang giãn cách xã hội. Xét nghiệm ngay khi vào khu cách ly 4 lần vào ngày 1, 5, 10 và 14.
- Nhóm 3 là những người từng đi, đến, về từ các ổ dịch đang hoạt động (nhưng không phải là tiếp xúc gần) hoặc từng đi qua các địa điểm Bộ Y tế thông báo (nhưng không trong vùng phải giãn cách xã hội) sẽ cách ly tại nhà 14 ngày từ ngày rời các địa điểm như thông báo. Xét nghiệm giám sát 1 lần, xét nghiệm nếu xuất hiện triệu chứng nghi ngờ trong thời gian cách ly.
- Nhóm 4 là những người từng đi, đến, về từ các địa phương bị phong tỏa, các ổ dịch hoạt động, các địa điểm Bộ Y tế thông báo nhưng khai báo đã hơn 14 ngày thì tự theo dõi sức khỏe. Xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ hoặc khi có chỉ định địa danh cụ thể (như Cẩm Giàng, Hải Dương).
HCDC cho biết TP sẽ tổ chức xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên đối với người đến thành phố bằng các phương tiện giao thông công cộng.
Theo Doanh nhân Việt Nam