Đó chính là nghi vấn về sự thiếu minh bạch trong sử dụng vốn đầu tư công thông qua công tác đấu thầu các gói thầu mua sắm do Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng quận Hoàng Mai (TP. Hà Nội) làm chủ đầu tư.
Giá thiết bị quá cao
Gói thầu được nhấn mạnh trong nghi vấn bất minh nêu trên là gói thầu “Mua sắm và lắp đặt thiết bị tự chủ, thang máy, thang tời dự án xây dựng Trường THCS Tân Mai” (Số TBMT: 20201065059; mở thầu lúc 09:00 ngày14/11/2020).
Người ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu này chính là ông Giang Chí Trung, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng quận Hoàng Mai.
Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty cổ phần thiết bị kỹ thuật TC, Công ty TNHH Đức Việt Hà Nội và Công ty Cổ phần Thiết bị Tràng An.
|
Giá trúng thầu (trên) và giá thị trường (dưới) đối với thiết bị thang máy tải khách 6 điểm dừng. |
Công ty cổ phần thiết bị kỹ thuật TC hiện đăng ký địa chỉ tại Phòng 607 Tầng 6 Tòa Nhà Vinahud Đường Trung Yên 9, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội; người đại diện pháp luật theo đăng ký là ông Lê Trọng Bằng.
Công ty TNHH Đức Việt Hà Nội hiện đăng ký địa chỉ tại số 27 Đường Ngọc Hồi, Phường Hoàng Liệt, Quận Hoàng Mai, Hà Nội; người đại diện pháp luật theo đăng ký là ông Phạm Anh Tuấn.
Công ty Cổ phần Thiết bị Tràng An hiện đăng ký địa chỉ tại số 275 Đường Nguyễn Trãi, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, Hà Nội; người đại diện pháp luật theo đăng ký là ông Nguyễn Hương Tiến.
Giá của gói thầu được đưa ra là 17.559.287.100 đồng và giá liên danh này trúng thầu là 17.498.522.400 đồng (chỉ tiết kiệm được hơn 60 triệu đồng, tỷ lệ tiết kiệm khá thấp là 0,3%).
Theo tìm hiểu, chỉ tính riêng trong năm 2020, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng quận Hoàng Mai đã tổ chức đấu thầu và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu khoảng 90 gói thầu mua sắm và xây lắp có giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Quay trở lại với gói thầu Mua sắm và lắp đặt thiết bị tự chủ, thang máy, thang tời dự án xây dựng Trường THCS Tân Mai, kinh phí thực hiện gói thầu này được trích từ vốn đầu tư công ngân sách quận Hoàng Mai; hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi, trong nước, không sơ tuyển và đấu thầu qua mạng.
|
Thang máy 6 điểm dừng Nexiez MR của nhãn hiệu Mitsubishi Electric. |
Cũng phải ghi nhận một điều rằng, đơn vị tổ chức đấu thầu gói thầu này đã tuân thủ khá chặt chẽ quy trình đấu thầu theo đúng quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, sẽ không có gì đáng nói nếu không có việc một số danh mục hàng hóa có giá trúng thầu cao hơn nhiều so với giá thị trường. Theo đó, đơn vị lập dự toán, đơn vị thẩm định giá có thể đã không làm hết trách nhiệm trong việc xác định hợp lý giá gói thầu so với giá thị trường.
Việc nâng giá tài sản mua sắm trong gói thầu này có thể sẽ làm thất thoát hàng tỷ đồng tài sản của Nhà nước.
Cụ thể, tại gói thầu này, thiết bị thang máy tải khách 6 điểm dừng/ Model: NEXIEZ-MR -P11(750 KG)-CO-60 MPM-6 S/O/ Xuất xứ: Thái Lan (Cấu hình chi tiết tại Chương V, E-HSMT) giá trúng thầu là 1.346.000.000 đồng nhưng giá cao nhất trên thị trường hiện nay chỉ khoảng 798.000.000 đồng.
Tương tự, thang máy tải khách 5 điểm dừng/ Model: NEXIEZ-MR -P11(750 KG)-CO-60 MPM-5 S/O/ Xuất xứ: Thái Lan (Cấu hình chi tiết tại Chương V, E-HSMT) giá trúng thầu là 1.316.000.000 đồng nhưng giá cao nhất trên thị trường hiện nay chỉ khoảng 762.000.000 đồng.
Đây chỉ là một số những ví dụ trong danh mục hàng hóa của hai gói thầu trên bị nâng giá cao so với giá thị trường.
Trên cơ sở này, PV đã tiến hành khảo sát giá tại các cơ sở phân phối thiết bị uy tín trên thị trường (giá PV khảo sát có tính cả thuế VAT, chi phí vận chuyển, vật tư phụ tùng kèm theo; hướng dẫn sử dụng, bảo dưỡng thiết bị…). Những đơn vị được tham gia khảo sát giá đều cung cấp đủ tài liệu chứng minh đáp ứng kỹ thuật của hàng hóa (các văn bản chứng minh nhà sản xuất đạt tiêu chuẩn; giấy phép bán hàng, giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất).
Cần xác minh làm rõ
Nếu nhìn qua thì thấy quy trình đấu thầu gói thầu nêu trên là rất bài bản. Từ trình tự đấu thầu, đăng tải thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đến nội dung các văn bản pháp lý liên quan đều cho thấy rằng gói thầu này đã được đấu thầu công khai, minh bạch. Tuy nhiên đi sâu vào tìm hiểu thì mới thấy ý nghĩa quan trọng nhất của của gói thầu này đã không đạt được khi giá thành trang thiết bị được cho đã bị “mông má” lên rất nhiều, dẫn đến việc tài sản của Nhà nước có thể bị thất thoát hàng tỷ đồng.
Để làm rõ những vấn đề này, PV đã đặt lịch làm việc với Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng quận Hoàng Mai. Tiếp PV, trước câu hỏi rằng giá một số trang thiết bị trong gói thầu nêu trên đã đúng với giá thị trường hay chưa, ông Lê Hữu Vĩnh, Phó Ban quản lý khẳng định: “Để thực hiện đấu thầu gói thầu này, đơn vị đã thuê công ty thẩm định giá để hình thành giá thiết bị trong gói thầu. Đơn vị chúng tôi không đủ chức năng trong phần việc này”.Điều quan trọng, câu hỏi mà dư luật đặt ra là: Liệu có những khuất tất gì đằng sau việc giá trang thiết bị trúng thầu bị đẩy lên cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Dù biết rằng hợp đồng giữa chủ đầu tư và đơn vị trúng thầu là thỏa thuận khung nhưng chủ đầu tư đã dựa trên những cơ sở nào để lập dự toán cho các gói thầu này? Việc khảo sát giá thực sự diễn ra như thế nào?
Để làm rõ nghi vấn có hay không việc bắt tay nâng giá gói thầu, giá gói thầu cao hơn so với giá ngoài thị trường, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, đặc biệt là xác định rõ vai trò, trách nhiệm (nếu có) của Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng quận Hoàng Mai.
Theo Thương hiệu và Pháp luật