Con đường dẫn tới làng Loikan ở bang Shan của Myanmar là một minh chứng về sự thịnh vượng nhờ ma túy. Con đường hai làn xe chạy vòng quanh một khe núi sâu được gọi là “Thung lũng Tử thần” – nơi phiến quân Kachin thuộc nhóm bán vũ trang Kaung Kha giao tranh với quân đội Myanmar nhiều thập kỷ qua. Giờ đây, các xe thể thao đa dụng (SUV) cao cấp nổ máy ầm ầm phóng vượt qua các xe tải chở vật liệu xây dựng và công nhân. Tổng hành dinh mới của Kaung Kha nằm trên vùng cao nguyên nép mình giữa các ngọn đồi xanh của dãy núi Loi Sam Sip lởm chởm.
Cách đó khoảng 6km, gần làng Loikan, là một tổ hợp sản xuất ma túy ăn sâu vào rừng rậm. Cảnh sát và người dân địa phương nói rằng, tổ hợp này cho ra lò một lượng lớn ma túy đá, heroin, ketamine và viên yaba (hỗn hợp meth và caffeine được bán với giá rẻ). Khi tổ hợp này bị đột kích đầu năm 2018, lực lượng an ninh thu được hơn 200.000 lít tiền chất ma túy, 10 tấn caffeine và hơn 73,5 tấn natri hidroxit. Những chất này được dùng để sản xuất ma túy.
Chi phí sản xuất meth thấp, giá bán cao
Tổ hợp ma túy Loikan “rất có khả năng” là nguồn meth chính của “Công ty”, một sĩ quan AFP làm việc ở Yangon nói. “Một số dân quân dính dáng cơ sở sản xuất ma túy”, Oi Khun, sĩ quan liên lạc của nhóm 3.000 thành viên Kaung Kha, trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters.
Một người ở Loika nói rằng, công nhân trong tổ hợp sản xuất ma túy là người Trung Quốc dân tộc thiểu số nhưng ăn mặc đẹp hơn người dân địa phương, nói giọng nước ngoài và bốc mùi hôi hám.
“Tôi từng hỏi họ sao không chịu tắm. Họ nói họ có tắm nhưng không tài nào hết được mùi”, người dân làng Loika kể. Mùi đó là mùi hóa chất dùng để điều chết meth ngấm vào da thịt. Cảnh sát Thái Lan nói rằng, hầu hết dược sư và quản lý xưởng ma túy là người Đài Loan.
Nhiều đối tượng vận chuyển ma túy khắp châu Á-Thái Bình Dương cũng là người Đài Loan. Các siêu phòng thí nghiệm ở Shan sản xuất ra loại ma túy đá tinh khiết nhất thế giới, một quan chức cấp cao của Trung Quốc phụ trách lĩnh vực phòng chống ma túy nói với Reuters. UNODC ước tính, thị trường bán lẻ meth ở châu Á-Thái Bình Dương trị giá 30,3-61,4 tỷ USD/năm. Mô hình làm ăn với meth rất khác so với heroin, Jeremy Douglas, đại diện UNODC tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương, nói.
“Nguyên liệu đầu vào tương đối rẻ, không cần nhiều nhân công, giá bán cao hơn nên lợi nhuận vì thế cao hơn rất nhiều”, ông nói. Giá bán buôn 1 kg ma túy đá sản xuất ở vùng đông bắc Myanmar chỉ là 1.800 USD, theo một báo cáo của UNODC dẫn nguồn Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc gia của Trung Quốc. Theo UNODC, giá bán lẻ 1 kg ma túy đá lên tới 70.500 USD ở Thaisl Lan, 298.000 USD ở Úc và 588.000 USD ở Nhật Bản (cao gấp hơn 300 lần). Số tiền khổng lồ mà “Công ty” kiếm được “có nghĩa rằng nếu chúng bị mất vài chục tấn ma túy nhưng rồi một chuyến trót lọt thì chúng vẫn lãi lớn”, vị quan chức Trung Quốc nói.
Giao hàng giữa đại dương
Việc phân tích dữ liệu điện thoại của Cai tiếp tục đem lại những manh mối giá trị. Cảnh sát nói rằng, họ tìm thấy tọa độ GPS của một điểm nhận hàng trên biển Andaman – nơi các thuyền đánh cá chở đầy meth sản xuất ở Myanmar gặp các tàu mẹ có thể hoạt động trên biển nhiều tuần. Một trong các tàu mẹ là một tàu cá Đài Loan tên là Shun de Man 66, theo một tài liệu của cơ quan thực thi pháp luật Đài Loan. Con tàu này đã ở ngoài khơi vào thời điểm đầu tháng 7/2017, khi Joshua Joseph Smith bỏ 265.000 USD mua một thuyền đánh cá tên là MV Valkoista.
Theo báo chí Úc, lúc đó, người đàn ông Úc này không có giấy phép đánh bắt hải sản. Sau khi mua Valkoista vào ngày 7/7, Smith đưa thuyền từ bờ biển của Úc tới gặp tàu cá Shun De Man 66 ở Ấn Độ Dương, một sĩ quan cảnh sát AFP nói. Sau đó, Valkoista bơi tới thành phố cảng Geraldton ngày 11/7, nơi các thuyền viên dỡ rất nhiều gói hàng xuống một chiếc xe tải.
“Chúng tôi biết cách làm của mạng lưới tội phạm có tổ chức. Tàu thuyền rời bến không mang theo hàng gì nhưng lúc về lại có hàng. Hàng không phải rơi từ trên trời xuống giữa đại dương”, vị sĩ quan nói. Các điều tra viên kiểm tra băng ghi hình giám sát, sổ sách giấy tờ về việc thuê xe, đi máy bay, ở khách sạn…
Điện thoại của một số tên buôn lậu ma túy người Úc bị nghe lén. Sau đó, cảnh sát phát hiện ra rằng, một số đối tượng giao dịch với Smith là thành viên một băng đảng Li-băng và hai băng đẳng mô-tô ở Úc tên là Hells Angels và Comanchero. Khi chúng giao kèo đưa 1,2 tấn ma túy đá vào Úc, đồng bọn của Smith gặp các thành viên “Công ty” ở Bangkok hồi tháng 8/2017, theo một tài liệu của AFP.
Một tháng sau, các đối tượng người Úc lại gặp nhau ở thành phố Perth. Các tay lái mô-tô Úc không có lối sống bụi bặm thường thấy mà đi máy bay hạng thương gia, ở khách sạn 5 sao, ăn ở nhà hàng đắt tiền. Một trong các nhà hàng đó tên là Rockpool Bar & Grill – nơi có danh sách rượu dài 104 trang và thực đơn với các món ăn đắt đỏ như bánh mỳ điểm trứng cá giá 185 USD.
Ngày 27/11/2017, tàu cá Shun De Man 66 lại ra khơi, nhưng xuất bến từ Singapore, hướng tới biển Andaman để gặp thuyền nhỏ chở đầy meth từ Myanmar. Tàu cá bơi dọc bờ biển phía tây đảo Sumatra của Indonesia và xuôi xuống Ấn Độ Dương. Khi Shun De Man gặp lại Valkoista trong vùng biển quốc tế ngoài khơi phía tây nước Úc vào ngày 19/12, một giọng châu Á kêu lên “tiền, tiền”, theo vị sĩ quan AFP và báo chí Úc.
Thuyền viên Shun De Man đưa ra một nửa tờ đô la Hong Kong rách nát, còn Smith và thuyền viên Valkoista đưa ra nửa tờ tiền còn lại. Hai nửa tờ tiền khớp nhau tức danh tính người mua được xác nhận. Thuyền viên Shun De Man giao hàng meth cho thuyền viên Valkoista. Sau 2 ngày lênh đênh trên biển, Valkoista về tới thành phố cảng Geraldton của Úc.
Khi các thuyền viên đang dỡ hàng, các thành viên bịt mặt của AFP và cảnh sát Tây Úc xông vào bắt người, thu 1,2 tấn ma túy. Smith đã nhận tội buôn lậu ma túy, còn một số đồng bọn vẫn đang trong quá trình xét xử. Các băng đảng sáp nhập Cảnh sát kết luận, các băng nhóm tội phạm khắp châu Á-Thái Bình Dương đã thực hiện một cuộc siêu sáp nhập để tạo ra “Công ty”. Các băng đảng này gồm có 3 nhóm lớn nhất Hong Kong và Macao, gồm 14K, Wo Shing Wo và Sun Yee On. Còn hai băng đảng khác là “Vòng tròn lớn” và Bamboo Union ở Đài Loan.
Theo lời một điều tra viên, chuỗi cung ứng của “Công ty” tinh vi và hiệu quả đến mức có thể cạnh tranh với chuỗi cung ứng của hãng Apple. “Tập đoàn ma túy này có rất nhiều tiền và thị trường cực lớn. Năng lực của chúng có thể nói là không thể tưởng tượng nổi”, một đại tá cảnh sát Đài Loan nói.
Tháng 2/2018, cảnh sát triệt phá một siêu phòng thí nghiệm Loikan ở Myanmar, tìm thấy bao bì mang nhãn hiệu trà đủ để đóng gói 10 tấn meth. Cùng tháng, hải quân Indonesia chặn tàu Shun De Man 66, tìm thấy hơn 1 tấn meth. Tháng 3/2018, một thành viên cao cấp của “Công ty” bị bắt ở Campuchia rồi bị dẫn độ sang Myanmar.
Tháng 9 tại Thái Lan, dinh thự của Sue Songkittikul, người bị tình nghi là “giám đốc điều hành” của tập đoàn ma túy, bị khám xét. Nằm gần biên giới với Thái Lan, dinh thự có hào nước bao quanh, có một phòng thí nghiệm nhỏ mà cảnh sát tình nghi là được dùng để thí nghiệm điều chế các loại meth mới, một tháp phát thanh cực mạnh có tầm hoạt động 100 km, một đường hầm ngầm từ tòa nhà chính ra phía sau khu dinh thự. Sue không có ở đó, nhưng tài sản và tiền mặt từ 38 tài khoản ngân hàng liên quan hắn ta, trị giá khoảng 9 triệu USD, bị tịch thu. Đến nay, Sue vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Nhở nhơ ngoài vòng pháp luật
Dòng chảy ma túy từ Tam giác vàng tới nhiều nơi ở châu Á-Thái Bình Dương dường như mạnh lên. Lượng ma túy đá và yaba bị tịch thu năm ngoái ở Đông Á và Đông Nam Á tăng 50% lên 126 tấn. Trong khi đó, giá ma túy giảm ở hầu hết các nước. Theo một báo cáo mà UNODC công bố tháng 3/2019, điều này cho thấy nguồn cung ma túy có thể đã tăng. Sau khi cơ quan chức năng thành công trong việc chặn bắt các tàu mẹ chở ma túy, “Công ty” chuyển sang giấu hàng của chúng vào các container chứa hàng hợp pháp. Khi Thái Lan chặn được tuyến vận chuyển meth bằng xe tải từ biên giới với Myanmar, “Công ty” giao hàng qua Lào và Việt Nam.
Chúng thuê nhiều người Lào vác ba lô, mỗi chiếc chứa khoảng 30 kg ma túy đá, theo đường mòn trong rừng chuyển hàng vào Thái Lan. Nhiều năm qua, cảnh sát không bắt được các tên trùm ma túy châu Á. Lần cuối mà họ bắt được là vào giữa những năm 70 của thế kỷ trước.
Trùm ma túy Hong Kong Ng Sik-ho (thường được gọi là Limpy Ho) bị bắt và bị két án 30 năm tù về tội buôn lậu hơn 20 tấn thuốc phiện và morphine, theo tài liệu tòa án. Đến nay, trùm ma túy châu Á Tse Chi Lop vẫn tránh được số phận của Limpy Ho.
Tse bị truy lùng ráo riết dù một số cảnh sát nói rằng hắn vẫn đang ung dung điều hành đế chế ma túy reo rắc cái chết khắp châu Á-Thái Bình Dương.