Đối với doanh nghiệp, việc áp dụng các tiêu chuẩn ISO mang lại nhiều lợi ích như: Giúp lãnh đạo quản lý hoạt động khoa học và hiệu quả, củng cố uy tín lãnh đạo; Cải thiện hiệu quả kinh doanh, tăng lợi nhuận nhờ sử dụng hợp lý các nguồn lực, tiết kiệm chi phí; Kiểm soát chặt chẽ công đoạn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Sản phẩm có chất lượng ổn định hơn, nâng cao năng suất, giảm phế phẩm và chi phí không cần thiết; Tăng sản lượng do kiểm soát được thời gian trong quá trình sản xuất; Kiểm soát chất lượng nguyên vật liệu đầu vào do kiểm soát được nhà cung cấp...
Doanh nghiệp khi nhận được chứng nhận ISO bởi một tổ chức chứng nhận chứng tỏ công ty đó cam kết về đảm bảo chất lượng, hướng tới khách hàng và sẵn sàng làm việc theo hướng cải thiện hiệu quả. Điều đó thể hiện sự tồn tại của một hệ thống quản lý chất lượng hiệu quả, đáp ứng sự đánh giá khắc nghiệt của chuyên gia độc lập bên ngoài. Chứng chỉ ISO còn góp phần nâng cao hình ảnh công ty trong mắt khách hàng, nhân viên và cổ đông công ty, cung cấp lợi thế cạnh tranh của một tổ chức trong thương mại.
Nhận thức được lợi ích thiết thực từ việc áp dụng cũng như phấn đấu để đạt chứng nhận ISO, thời gian qua, không ít doanh nghiệp đã nỗ lực thay đổi, cải tiến quá trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn ISO. Sau thành công của quá trình đổi mới chính mình, nhiều doanh nghiệp đã nhận được chứng nhận ISO từ các tổ chức chứng nhận được cấp phép.
Trong quá trình đạt đến chứng nhận ISO, không ít doanh nghiệp đã tìm đến các công ty có chức năng tư vấn ISO để hỗ trợ quá trình thực hiện dự án ISO tại doanh nghiệp. Đáp ứng nhu cầu này, tại Việt Nam, nhiều tổ chức tư vấn, đào tạo ISO đã ra đời.
Không thể phủ nhận việc có nhiều tổ chức, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ tư vấn, đào tạo ISO đã tạo cơ hội rộng mở hơn cho các doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận ISO nói chung và phấn đấu tới mục tiêu đạt chứng nhận ISO nói riêng. Các tổ chức, doanh nghiệp tư vấn, đào tạo ISO chính là cầu nối giúp doanh nghiệp hiện thực hoá "ước mơ" ISO của chính mình. Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp làm ăn chân chính, tuân thủ đúng quy định về thực hiện hoạt động tư vấn, đào tạo ISO, vẫn còn đó những doanh nghiệp cố tình "phớt lờ" quy định pháp luật, cố tình quảng cáo sai sự thật về khả năng cung cấp dịch vụ, khiến người tiêu dùng và dư luận không khỏi bức xúc.
Ngay trong phần giới thiệu trên website của Văn phòng Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSO) cũng ghi thông tin lĩnh vực hoạt động bao gồm cả tư vấn, đào tạo và chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, đây là thông tin sai sự thật.
Thời gian qua, thông qua đường dây nóng, toà soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được phản ánh của bạn đọc về việc Văn phòng Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSO) quảng cáo sai sự thật về khả năng cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo, chứng nhận các tiêu chuẩn ISO.
Văn phòng Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSO) là đơn vị trực thuộc Viện Công nghệ và Sức khoẻ (Viện này là tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam). Văn phòng Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSO) được thành lập theo quyết định số 18/QĐ/VCNSK của Viện trưởng Viện Công nghệ và Sức khoẻ ban hành ngày 01/04/2022 với địa chỉ tại số 8 đường Phan Văn Trường, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Hiện tại, ông Nguyễn Văn Nam là giám đốc văn phòng này.
Theo phản ánh, thời gian qua, trên mạng xã hội, website của Văn phòng Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSO) đăng nhiều thông tin quảng cáo về việc BSO có khả năng tư vấn và chứng nhận hàng loạt hệ thống quản lý chất lượng như ISO 9001:2015, ISO 14001:2015, ISO 22000:2018, ISO 450001:2018, ISO 27000:2013; ISO 13485:2016, ISO/IEC 17025:2017... Tuy nhiên, trên thực tế, BSO chỉ là đơn vị tư vấn, không có chức năng cấp chứng nhận ISO.
Website của Văn phòng Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSO) quảng cáo dịch vụ tư vấn, đào tạo và chứng nhận nhiều loại tiêu chuẩn ISO. Tuy nhiên, theo cấp phép, đơn vị này chỉ được thực hiện dịch vụ tư vấn, đào tạo chứ không được thực hiện việc chứng nhận.
Không chỉ quảng cáo sai sự thật về lĩnh vực hoạt động trên website, trang Facebook của Văn phòng Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSO) cũng đăng tải nhiều thông tin để quảng cáo về dịch vụ tại BSO. Trong đó, có rất nhiều bài viết quảng cáo BSO thực hiện dịch vụ chứng nhận ISO. Thậm chí, trên mạng xã hội, còn có những tài khoản Facebook tự nhận là nhân viên của văn phòng này quảng cáo, nhận thực hiện dịch vụ chứng nhận ISO cho khách hàng có nhu cầu.
Trang Facebook của Văn phòng Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSO) đăng thông tin về dịch vụ chứng nhận ISO trong khi đơn vị này không có chức năng chứng nhận.
Trên thực tế, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) cũng quy định rõ, đơn vị chứng nhận không được phép cung cấp hoặc giới thiệu dịch vụ tư vấn nhằm đạt được và duy trì chứng chỉ; dịch vụ thiết kế, triển khai hoặc duy trì hệ thống chất lượng. Tuy nhiên, có một số tổ chức hoạt động không tuân thủ quy định này.
Tài liệu hướng dẫn của IAF (Tổ chức diễn đàn công nhận quốc tế, cơ quan trọng tài cho các hoạt động tư vấn và chứng nhận ISO) xác định, hoạt động tư vấn và các hoạt động hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng chỉ bao gồm: chuẩn bị các sổ tay, quy trình ra quyết định liên quan tới các vấn đề của hệ thống quản lý; đưa ra những lời khuyên (tư vấn) cho việc xây dựng và triển khai hệ thống chất lượng.
Các quy định của cả hai tổ chức đều nêu rõ, hoạt động tư vấn và chứng nhận (cấp chứng chỉ) phải hoàn toàn độc lập với nhau. Giám đốc, nhân sự, tài chính, hạch toán kinh doanh phải độc lập và sự độc lập đó phải được ISO công nhận.
Mặc dù quy định là vậy, nhưng không hiểu vì lý do gì mà Văn phòng Hỗ trợ Doanh nghiệp lại quảng cáo theo kiểu 'mập mờ', khiến người đọc dễ hiểu nhầm rằng BSO vừa có khả năng tư vấn, đào tạo lại vừa có khả năng cấp chứng nhận ISO. Việc thông tin niêm yết ngay trên website của công ty này là vô tình hay cố ý? Những khách hàng sau khi được BSO tư vấn sẽ đi đâu để được cấp chứng nhận? Khách hàng khi thực hiện dịch vụ tại Văn phòng Hỗ trợ Doanh nghiệp có được giải thích rõ ràng, chính xác về năng lực của văn phòng hay không?
Để làm rõ những vấn đề nêu trên, phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã có cuộc trao đổi với TS Lê Hữu Thi, Viện trưởng Viện Công nghệ và Sức khoẻ (đơn vị chủ quản của Văn phòng Hỗ trợ Doanh nghiệp-BSO). TS Lê Hữu Thi cũng xác nhận, BSO chỉ được phép thực hiện hiện các dịch vụ tư vấn, đào tạo chứ không có chức năng chứng nhận ISO.