Hà Nội, Thứ Tư Ngày 24/04/2024

Lạm dụng thuốc hạ sốt thuốc paracetamol điều trị COVID-19, hậu quả khôn lường

CHẤT LƯỢNG VIỆT NAM ONLINE 08:54 22/07/2021

Chuyên gia cảnh báo, việc lạm dụng thuốc paracetamol để tự điều trị COVID-19 theo những tin đồn thất thiệt có thể dẫn tới nguy cơ ngộ độc cho người sử dụng.

Hiện nay, một số mạng xã hội xuất hiện hướng dẫn không rõ nguồn gốc về cách tự chữa bệnh COVID-19 tại nhà hoặc biểu hiện đau, sốt cao do các nguyên nhân khác. Đáng chú ý, có hướng dẫn khuyên sử dụng liều paracetamol tối đa mà nếu làm theo sẽ dẫn đến nguy cơ ngộ độc cho người sử dụng.

Paracetamol (tên gọi khác là acetaminophen) là thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt mức độ trung bình. TS. BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho hay, ngộ độc paracetamol là dạng ngộ độc thường gặp nhất ở các nước phát triển. Ở Việt Nam, ngộ độc cấp paracetamol đã trở thành dạng ngộ độc thường gặp.

Ngộ độc paracetamol do một trong hai nhóm nguyên nhân. Thứ nhất là do chủ động uống quá liều tự tử (thường được phát hiện sớm, điều trị kịp thời) và thứ hai là do lạm dụng thuốc, dùng sai, dẫn tới quá liều. Trường hợp thứ hai thường xảy ra, nhất là với người sốt cao, kéo dài, đau nhiều, đau mạn tính... Do các biểu hiện ngộ độc paracetamol rất kín đáo, thậm chí vài ngày đầu nếu không xét nghiệm theo dõi thì không thể biết, nên khi được phát hiện, đã muộn. Điều này gây tổn thương gan, thậm chí suy gan cấp, hôn mê gan và tử vong.

Paracetamol là thuốc thuộc diện không phải kê theo đơn, tức là người dân có thể tự mua ở hiệu thuốc để chữa các biểu hiện đau, sốt do các nguyên nhân thông thường hoặc xử trí ban đầu trước khi tới bệnh viện. Trên thị trường mỗi nước, có thể có tới hàng trăm biệt dược có tên gọi khác nhau có chứa thành phần chính là paracetamol, trong đó với dạng viên có hàm lượng paracetamol, mỗi viên phổ biến là 500mg. Ngoài ra, thuốc có thể ở dạng viên đặt hậu môn, gói bột hoặc xy-rô. Các sản phẩm thuốc có thể chứa paracetamol đơn thuần hoặc thành phần khác ngoài paracetamol là các thuốc giảm đau khác phối hợp, như các chất dạng thuốc phiện (như codein, tramadol), hoặc các thuốc loại kháng histamine như chlorpheniramine, thuốc co mạch giúp giảm ngạt mũi như phenylephrine, các thuốc giảm ho như dextromethorphan, codein.

Mặc dù có tên gọi khác nhau nhưng về bản chất, tất cả sản phẩm trên có thành phần tương tự, người dân rất dễ dùng cùng lúc hoặc liên tiếp nhiều sản phẩm khi bệnh không đỡ, kéo dài hoặc muốn dùng nhiều thuốc để có tác dụng mạnh, dẫn tới tổng liều paracetamol hằng ngày vượt quá quy định và bị ngộ độc mà không hay biết.

Bài thuốc không rõ nguồn gốc được chia sẻ trên mạng xã hội với hướng dẫn sử dụng liều paracetamol tối đa. Nếu tin theo có thể dẫn tới nguy cơ gây ngộ độc.

Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, rất nhiều yếu tố nguy cơ khác thường gặp có thể khiến một người dùng paracetamol dễ bị ngộ độc. Đó là người có thể trạng gầy yếu, suy nhược, ăn kém, sốt cao hoặc nhiễm trùng nặng kéo dài, cơ thể có các tình trạng bệnh tiêu hao nhiều năng lượng (như sau mổ), dẫn tới cơ thể cạn kiệt các chất có ích, giúp ngăn cản độc tính của paracetamol ở liều điều trị. Người thường xuyên uống nhiều rượu bia rất dễ bị ngộ độc paracetamol. Những người đang dùng các thuốc chữa bệnh khác, có thể làm tăng độc tính của paracetamol (như một số thuốc chữa bệnh lao, chữa động kinh). Với những người này nên dùng paracetamol liều thấp nhất có thể.

Dấu hiệu nhận biết ngộ độc paracetamol

Các biểu hiện ngộ độc ban đầu thường kín đáo, thậm chí không có biểu hiện, hoặc có thể lẫn với các biểu hiện của bệnh gây đau, sốt. Tuy nhiên khi xét nghiệm, sẽ thấy men gan tăng dần, bắt đầu từ ngày thứ 2, thứ 3 trở đi. Với trường hợp ngộ độc do lạm dụng thuốc thì tổn thương gan có thể chậm hơn.

Khi bệnh nhân đã có dấu hiệu vàng da, chán ăn… tức là đã muộn. Khi bị viêm gan nặng, người bệnh dễ bị suy gan, hôn mê gan, khi đó, tỷ lệ tử vong tới 50% hoặc cao hơn.

Ngoài ra, khi lạm dụng các sản phẩm đó, người bệnh có thể bị quá liều và ngộ độc các thành phần khác kèm theo. Ví dụ quá liều hoặc dùng kéo dài các chất dạng thuốc phiện như codein, tramadol, có thể gây ngộ độc ảnh hưởng khả năng thở, táo bón, run tay chân, gây nghiện; quá liều các chất gây co mạch dẫn tới cơn tăng huyết áp, đau tim, ngộ độc thuốc kháng histamine gây mê sảng, ảo giác, táo bón, tắc ruột, co giật, loạn nhịp tim,… quá liều thuốc giảm ho dextromethorphan gây lẫn lôn, ảo giác, hôn mê, nhịp tim nhanh,… Với trẻ nhỏ, các thành phần kết hợp này đều có nguy cơ gây thở yếu, ngừng thở.

Sử dụng paracetamol thế nào mới an toàn?

TS. BS. Nguyễn Trung Nguyên cho biết chúng ta cần biết liều paracetamol tối đa với người Việt Nam có thể trạng trung bình và không có các yếu tố nguy cơ là không quá 3 gam/24 giờ với người trưởng thành và trẻ em 15mg/kg cân nặng cho mỗi lần, không quá 6 lần/24 giờ. Tuy nhiên, nếu sử dụng liều này cho người có nhiều yếu tố và hoàn cảnh nguy cơ thì lại gây ngộ độc.

Trên thực tế các bác sĩ khi kê thuốc cho người bệnh trưởng thành chỉ kê 1-1,5 gam paracetamol cho 24 giờ (tương đương 2-3 viên loại hàm lượng 500 mg). Tốt nhất là dùng liều thấp nhất có thể.

Để sử dụng paracetamol an toàn, với người trưởng thành mỗi ngày chỉ nên dùng 2 đến 3 viên paracetamol loại 500 mg. Người dùng cần biết rõ tên, thành phần các thuốc đang dùng và dùng đúng hướng dẫn. Luôn chú ý đến các loại thuốc khác đang dùng (nhất là một số thuốc chữa bệnh lao hoặc động kinh làm tăng độc tính của paracetamol) và thể trạng của người bệnh dễ bị ngộ độc paracetamol (lạm dụng rượu, gầy yếu, suy nhược, ăn kém, nhiễm trùng nặng hoặc các bệnh gây suy mòn); luôn kết hợp các biện pháp khác an toàn hơn để hạ sốt, giảm đau như nới rộng quần áo, chườm, tắm nước ấm, uống đủ nước,… Khi bệnh không đỡ hoặc có biểu hiện bất thường thì cần tới cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.

Theo Chất lượng Việt Nam Online

Link gốc : http://vietq.vn/lam-dung-thuoc-ha-sot-paracetamol-de-dieu-tri-covid-19-hau-qua-khon-luong-d189165.html

Bạn đang đọc bài viết Lạm dụng thuốc hạ sốt thuốc paracetamol điều trị COVID-19, hậu quả khôn lường tại chuyên mục Đời sống – Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống – Xã hội