Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Đồng Hỷ - Thái Nguyên: Có hay không việc 'vàng tặc' tàn phá núi rừng Ngàn Me?

ĐTVN 08:24 13/04/2021

Nhiều tháng trở lại đây, khu rừng phòng hộ Ngàn Me nằm trên địa phận xã Hợp Tiến (huyện Đồng Hỷ) đang bị vàng tặc “bức tử” để đào vàng.

“Đột nhập” lãnh địa khai thác vàng giữa núi rừng Ngàn Me

Nhiều tháng trở lại đây, khu vực rừng Ngàn Me đang bị tàn phá bởi nạn vàng tặc. Ngoài thất thoát tài nguyên, khoáng sản quốc gia, hệ sinh thái bị ảnh hưởng mà còn gây bất ổn về tình hình an ninh địa phương.

Từng có thông tin, nhóm khai thác vàng nói trên cũng từng hoạt động khai thác vàng trên địa bàn xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ. Nhưng sau đó bị báo chí phản ánh, chính quyền địa phương xử lý mạnh tay nên đã chuyển sang địa điểm khác để khai thác

Qua tìm hiểu, nơi diễn ra hoạt động khai thác vàng trái phép nằm sâu trong khu vực rừng Ngàn Me thuộc địa phần xóm Cầu Đã, xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ. Muốn tìm đến khu vực khai thác vàng cần có người bản địa dẫn đường bởi đường đi gập gềnh, khúc khuỷu. Nơi đây sóng điện thoại không hoạt động nên không thể liên hệ với người bên ngoài để nhờ sự trợ giúp, vì vậy nếu tự tìm đường sẽ dễ bị mất phương hướng, lạc đường và có thể gặp nhiều rủi ro, nguy hiểm chốn “rừng thiêng nước độc” ở núi rừng Ngàn Me.

Anh Tùng (tên nhân vật được thay đổi) – người bản địa dẫn đường cho chúng tôi tiết lộ, sở dĩ nhóm khai thác vàng chọn địa điểm nằm trong khu vực rừng Ngàn Me bởi địa điểm khai thác xa khu dân cư, nằm sâu trong núi rừng nên ít bị để ý, khó phát hiện. Song để vào được lãnh địa khai thác vàng chỉ có duy nhất một con đường nhỏ độc đạo dẫn đến, con đường nhiều ngã rẽ, mặt

đường trơn trợt kéo dài gần 10km nên muốn tìm, tiếp cận được bãi đào vàng là rất khó khăn.

Trên đường đi, anh Tùng chỉ tay vào dòng suối bên đường rồi cho biết, chỉ cần nhìn màu nước của dòng suối có thể biết hôm nay có khai thác vàng hay không, nếu khai thác, dòng suối sẽ có màu đỏ, màu đậm hay nhạt phụ thuộc vào tần suất của việc khai thác.

“Anh nhìn dòng suối, nước đỏ, đục thế kia là biết chắc họ đang khai thác vàng trên kia. Nước suối bị như vậy lâu lắm rồi, người dân hạ lưu dòng suối không thể sử dụng. Người dân chúng tôi đã gọi điện báo cho ông Thạch trưởng xóm, chính quyền xã nhưng không thấy động thái xử lý nên đến nay người dân ở phía dưới không thể sử dụng nước suối”, anh Tùng nói.

Khi cách địa điểm đào vàng khoảng 3km, vì lý do an toàn bản thân, anh Tùng đã đề nghị chúng tôi tự đi theo sự chỉ dẫn, đồng thời không quên dặn dò, nhắc nhở chúng tôi nếu trên đường đi thấy người lạ hỏi thì chúng tôi phải trả lời đến nhà anh H. để tránh bị nghi ngờ. Bởi vì những người lạ kia có thể là “tai mắt” được nhóm đào vàng “rải” dọc đường làm nhiệm vụ cảnh giới và báo tin khi phát hiện có người lạ xâm nhập lãnh địa khai thác vàng.

Tiếp tục men theo con đường mòn tiến vào lãnh địa khai thác vàng giữa núi rừng Ngàn Me. Càng vào sâu bên trong, đường càng khó đi, để an toàn, chúng tôi phải cởi bỏ giày, dép để di chuyển. Để di chuyển không bị trơn trợt phải dùng sức ghì chặt ngón chân xuống nền đất, việc di chuyển cũng cần chậm rãi, vừa di chuyển vừa quan sát tránh sụt lún. Sau hơn 1 giờ đồng hồ đi bộ, chúng tôi đã tìm đến để tận mắt chứng kiến hoạt động khai thác vàng diễn ra nơi chốn rừng thiêng nước độc.

“Phục kích” vàng tặc

Qua quan sát, khu vực diễn ra hoạt động khai thác vàng ước tính lên đến hàng nghìn m2, trên mặt đất là nhiều những cồn đất, hố sâu lớn nằm rải rác. Một điều lạ, tại khu vực khi chúng tôi có mặt không ghi nhận có sự hiện diện của nhân công, máy múc, thiết bị sàng vàng… xung quanh chỉ có máy bơm nước đang hoạt động, những đường dây dẫn nước chạy xung quanh bãi khai thác.

Gần 2 giờ ngồi chờ đợi nơi rúi rừng nhưng không có dấu hiệu cho thấy việc hoạt động khai thác sẽ diễn ra. Lúc này, chúng tôi nhận định có khả năng việc tiếp cận khu khai thác đã bị “động”.

Vì vậy, chúng tôi vờ theo con đường cũ trở ra sau đó âm thầm rẽ sang, chọn đường rừng để vòng ngược trở lại khu vực khai thác. Lần nay, địa điểm để mật phục là chân ngọn đồi cách khu vực khai thác khoảng 30-50m.

Sau nhiều giờ chờ đợi, khi kim giờ chỉ điểm 20 giờ cũng là lúc máy múc được giấu kín trong khe rừng được đưa ra, tiếng máy gầm rú rền vang khắp núi rừng, theo sau là thiết bị tuyển rửa vàng đang được vận chuyển đưa đến địa điểm khai thác.

Tại đây, những máy múc “gầm rú” suốt đêm thi nhau múc đá đưa đến dàn tuyển quặng để sàng lọc vàng tạo thành những hố sâu, rộng. Theo ghi nhận, thời gian các đối tượng khai thác vàng trái phép hoạt động diễn ra từ sau 19 giờ tối và hoạt động đến hết buổi sáng hôm sau thì dừng.

Không chỉ gây thất thoát lượng lớn khoáng sản, tài nguyên Quốc gia mà còn gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong khu vực.

Cụ thể, để tuyển rửa, sàng lọc lấy vàng những đối tượng khai thác sử dụng nhiều dàn máy để bơm nước ở suối ngay cạnh đó, sau đó lượng lớn nước thải không được xử lý mà được xả thải ngược lại dòng suối cạnh đó khiến nước suối có màu đỏ, mùi tanh của kim loại, ảnh hưởng đến môi trường nước, hoạt động tưới tiêu của người dân ở hạ lưu con suối.

Trao đổi với ông Vi Văn Thạch, trưởng xóm Cầu Đã, xã Tân Lợi, ông Thạch khẳng định không có tình trạng khai thác vàng trên địa bàn xóm. Tuy nhiên sẽ tiếp nhận thông tin và cho kiểm tra. Sau đó nhiều lần liên hệ lại nhưng điện thoại ông Thạch luôn trong tình trạng máy bận.

Ở chiều ngược lại, anh H. – người dân trên địa bàn xóm Cầu Đã khẳng định khi phát hiện hoạt động khai thác, nước suối có màu đỏ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân đã gọi điện thông báo cho trưởng xóm nhưng không được giải quyết vì cho rằng việc địa điểm khai thác nằm ở địa phận xã Hợp Tiến.

“Tôi có gọi điện cho ông Thạch trưởng xóm, nói tình hình nhưng ông Thạch trả lời tôi địa điểm khai thác nằm trên xã Hợp Tiến. Tôi không đồng ý, vì nước suối chảy qua địa phận của xóm, gây ảnh hưởng cho người dân mà ông Thạch là trưởng xóm biết nhưng không lên tiếng là vô trách nhiệm”, anh H. nói.

Liên quan đến thông tin cho rằng địa điểm khai thác vàng nằm trên đất rừng phòng hộ thuộc xã Tân Lợi quản lý, ông Đinh Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Tân Lợi cho biết sau khi tiếp nhận thông tin đã cử cán bộ vào kiểm tra, đo đạc. Sau khi xác minh, khu vực khai thác vàng không nằm trên đất rừng phòng hộ và địa điểm khai thác nằm trên địa phận xã Hợp Tiến không phải xã Tân Lợi.

Được biết, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đã diễn ra nhiều năm nay. Tình trạng nhức nhối đã được tỉnh Thái Nguyên quan tâm, huyện Đồng Hỷ chỉ đạo nhiều lần nhưng đến nay hoạt động khai thác vàng trái phép vẫn tồn tại gây thất thoát lượng lớn tài nguyên Quốc gia cũng như ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của người dân địa phương.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Nhóm PV/Sở Hữu Trí Tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/dong-hy--thai-nguyen-co-hay-khong-viec-vang-tac-tan-pha-nui-rung-ngan-me-d94086.html

Bạn đang đọc bài viết Đồng Hỷ - Thái Nguyên: Có hay không việc 'vàng tặc' tàn phá núi rừng Ngàn Me? tại chuyên mục Đời sống – Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống – Xã hội
Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam cho biết, bộ phim truyền hình về gia đình "Hãy nói lời yêu" sẽ chính thức lên sóng VTV3 từ ngày 15/4 ngay sau khi bộ phim "Hồ sơ cá sấu" k