Hà Nội, Thứ Ba Ngày 23/04/2024

Cúng ông Công ông Táo ở đâu trong nhà, cần sắm lễ, mâm cúng ra sao?

DTVN 12:20 04/02/2021

Cùng tìm hiểu tục lệ cúng ông Công ông Táo ở đâu trong nhà sao cho đúng, cần sắm lễ, mâm cúng ra sao, những kiêng kỵ tránh mắc phải và bài văn khấn khi làm lễ để gia đình luôn bình an, may mắn.

Cứ đến ngày 23 tháng Chạp, mỗi gia đình Việt Nam đều thực hiện bài cúng ông Táo để tiễn Táo quân về trời. Người dân tin rằng ba vị thần quản việc bếp núc cưỡi cá chép lên trời báo cáo Ngọc Hoàng về những việc của gia đình trong năm qua.

Hãy cùng tìm hiểu tục lệ, thủ tục cúng ông Công ông Táo ở đâu trong nhà sao cho đúng, cần sắm lễ, mâm cúng ra sao, những kiêng kỵ tránh mắc phải và bài văn khấn khi làm lễ để gia đình luôn bình an, may mắn trong năm mới qua bài chia sẻ sau:

Sự tích ông Công ông Táo

Nếu bạn chưa thực sự hiểu rõ ông Công và ông Táo là ai hãy cùng trở về sự tích được dân ta lưu truyền lại dưới đây:

Táo Quân bắt nguồn từ ba vị thần của Lão giáo Trung Quốc là Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ. Một trong những tích được dân gian ta lưu truyền kể rằng, có đôi vợ chồng là Trọng Cao và Thị Nhi sống gắn bó bên nhau lâu nhưng không có con, vì vậy dần hay sinh cãi cọ. Một lần, hai vợ chồng có xô xát lớn, người vợ Thị Nhi bỏ đi và về sau gặp Phạm Lang kết thành vợ chồng.

Về phần Trọng Cao, sau đó vô cùng ân hạn đã quyết định đi tìm lại Thị Nhi. Đi qua ngày tháng hết tiền và gạo đành ăn xin dọc đường và tình cờ tìm đúng nhà vợ mình. Thị Nhi nhận ra chồng mình, vô cùng xúc động đã mời Trọng Cao ăn cơm. Bất chợt Phạm Lang về, để chồng không hiểu nhầm, Thị Nhi đã để Trọng Cao vào đống rơm sau nhà.

Không may, Phạm Lang muốn có tro bón ruộng nên đốt rơm. Thị Nhi lao vào lửa cứu Trọng Cao. Thấy vợ mình nhảy vào lửa, Phạm Lang cũng nhảy theo và cả ba người đều chết.

Tình nghĩa của ba người khiến Ngọc Hoàng thương tình phong làm Định phúc Táo Quân, Phạm Lang là Thổ Công coi việc bếp, Trọng Cao là Thổ Địa coi việc nhà, còn người vợ Thị Nhi là Thổ Kỳ coi việc chợ búa.

Các Táo không chỉ bẩm những việc làm đúng sai của gia đạo vào ngày chầu Ngọc Hoàng, định cát hung cho gia đình mà còn bảo vệ họ khỏi ma quỷ, mang lại bình yên cho mọi người trong nhà. Đó là lý do tại sao phải cúng ông Công ông Táo để tỏ lòng thành kính và biết ơn những gì mà các vị thần mang lại cho gia đình chúng ta.

Không chỉ Việt Nam, các nước như Trung Quốc, Singapore, Đài Loan cũng cúng ngày 23 tháng Chạp. Nếu như ở Việt Nam phong tục, tục lệ cúng ông công ông táo cưỡi cá chép lên trời thì ở Trung Quốc, Đài Loạn, các vị thần sẽ cưỡi ngựa giấy.

Ngày rước ông Táo về trời

Khấn cúng ông Công ông Táo về trời vào buổi nào trong ngày, giờ nào, ngày nào tốt nhất? Bạn không nhất thiết phải xem ngày cúng tiễn đẹp, chỉ cần cúng trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp để ông Công ông Táo kịp về trời báo cáo Ngọc Hoàng.

Nhiều người thắc mắc cúng ông Công ông Táo buổi sáng hay chiều, trước mấy giờ, lúc nào tốt nhất, trước ngày 23 có được không? Việc này tùy thời gian từng gia đình sắp xếp, có thể cúng ông Táo vào ngày 22 tháng Chạp hay sáng 23 đều được.

Ông công ông Táo 2021 là ngày bao nhiêu?

Ngày cúng ông công ông táo năm nay vào thứ Năm, ngày 4/2/2021 dương lịch.

Phong tục cúng ông Công ông Táo và những lưu ý

Cúng ông Công ông Táo không chỉ cần bày biện mâm lễ và cúng, cần phải tuân theo một vài tục lệ kèm theo và tránh phạm đại kỵ, trong đó có những lưu ý sau:

Có nên cúng ông Táo ở nhà thuê, cửa hàng, cơ quan?

Nếu ở chung nhà chủ, bạn không cần phải cúng vì nhà chủ sẽ làm việc này, còn nếu thuê riêng nhà không chung chủ, bạn nên làm lễ cúng để thể hiện lòng thành.

Công ty, cửa hàng có cúng ông Công ông Táo không? Các cửa hàng, công ty không cúng ông Công ông Táo có sao không? Nếu cửa hành kinh doanh có liên quan đến nấu nướng thì có thể cúng ông Táo vì đây là những vị thần quản việc bếp núc. Nếu công ty, cửa hàng không kinh doanh nấu nướng thì cũng không cần làm lễ.

Hướng dẫn cách cúng ông Công ông Táo chuẩn và lưu ý phải biết

Cúng ông Táo ở bếp hay bàn thờ?

Nên cúng ông Công ông Táo ở đâu trong nhà? Lễ vật cúng ông công ông táo về trời đặt ở đâu là đúng, trên nhà hay dưới bếp? Có những gia đình nghĩ rằng ông Công ông Táo là thần bếp nên việc tiến hành cúng lễ sẽ phải diễn ra ở bếp, tuy nhiên gia đình nào thờ bài vị ông Táo và đặt bàn thờ gần bếp thì có thể thắp hương tại đây, còn không thì có thể thực hiện lễ ở bàn thờ thần linh, gia tiên, cái cốt ở tâm phúc.

Khi làm lễ, nên bật bếp để quanh năm gia đình ấm no. Cúng ông công ông táo thắp mấy nén hương? Dân ta thường lấy số lẻ để dâng hương vì số lẻ là âm. Tuy nhiên, nhà Phật không chú trọng số hương dâng, tâm hương là quan trọng.

Nếu bát hương đầy thì rút chân nhang, có thể bốc bát hương, để lại 3-5 chân hương.

Điều kiêng kỵ khi cúng ông Công ông Táo

Bạn không nên khấn xin tài lộc khi làm lễ bởi đây là ngày ông Táo lên trời bẩm Ngọc Hoàng chuyện tốt xấu trong gia đình, tránh đề cập vấn đề tiền bạc làm mất lòng thần linh. Mâm cỗ không cúng thịt vịt, ngan.

Cúng mấy con cá chép và cách thả cá

Dân ta sẽ cúng 3 con cá chép để đưa ba vị thần về trời. Việc thả cá chép sau khi làm lễ xong cũng khá quan trọng, giúp hoàn thành quá trình làm lễ cúng. Bạn đặt ba con cá chép sống trong chậu nước gần mâm cỗ thờ và phóng sinh ra sông, hồ trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp sau khi cúng xong để cá chép hóa rồng đưa ông Công ông Táo về trời.

Nên thả cá nhẹ nhàng xuống nước thay vì tung hất cá từ trên cầu xuống, đồng thời không vứt rác xuống sông để không làm mất đi sự linh thiêng vốn có của tục lệ này.

Dựng cây nêu

Người Việt trước đây còn dựng cây nêu vào 23 tháng Chạp để xua đuổi ma quỷ quấy nhiễu trong thời gian các ông Táo về trời. Một số vùng hiện nay vẫn giữ được tục lệ này.

Sau khi cúng ông Công ông Táo

Dân ta thường cúng ông Công ông Táo theo phong thủy như thế nào? Nghi lễ cúng là sau khi thắp hương và khấn xong, bạn thắp thêm một tuần hương nữa đợi hương tàn, làm lễ tạ và hóa vàng mã cùng bài vị cũ và phóng sinh cá chép tiễn các Táo chầu trời. Trưa 30 Tết các Táo sẽ về hạ giới và tiếp tục công việc.

Cách cúng tết ông Táo trong miền Nam sẽ không trút lư nhang và thay cọng mới, không thả cá chép trôi sông hay hóa vàng váo mũ thờ vì không thờ.

Ngày 23 tháng Chạp được coi là ngày đầu tiên của Tết Nguyên Đán. Sau buổi cúng, gia đình bắt đầu dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, bàn thờ, trang trí nhà cho ngày Tết sắp đến.

T.Anh (TH)/SHTT

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/cung-ong-cong-ong-tao-o-dau-trong-nha-can-sam-le-mam-cung-ra-sao-d89240.html

Bạn đang đọc bài viết Cúng ông Công ông Táo ở đâu trong nhà, cần sắm lễ, mâm cúng ra sao? tại chuyên mục Đời sống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống