Hiện nay trên mạng xã hội có một số phụ huynh kêu gọi những người khác liên tục chê bai phương pháp học trực tuyến khiến ngành giáo dục, lẫn giáo viên không khỏi chạnh lòng. Khi các sở GD-ĐT cho học sinh nghỉ học tránh dịch thì các phụ huynh yêu cầu nhanh chóng cho học sinh học trực tuyến, nhưng khi Bộ GD-ĐT đồng ý cho triển khai phương pháp học trực tuyến thì chính từ phụ huynh lại lên tiếng phản đối và cho rằng phương pháp này không hiệu quả bằng phương pháp dạy học truyền thống.
Gửi thông tin đến báo chí, một số phụ huynh phàn nàn rằng với phương pháp học trực tuyến, con cái của họ không thể thực hiện được vì bố mẹ đi làm, không thể để máy tính ở nhà mà nếu để con học 1 mình không có ai kèm cặp cũng không được, nhưng nếu bố mẹ ở nhà trông con học thì lại gây khó khăn cho công việc. "Hơn nữa 2 cháu nhà anh, anh đã cho về quê với ông bà ở nhà, nếu học trực tuyến thì ông bà không biết cách mở và cũng không biết thực hiện như thế nào nên việc cho các cháu theo học trực tuyến cùng với lớp khá là khó khăn" - anh Hoàng Lực (ở Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay.
Chia sẻ với phóng viên, học sinh Nguyễn Thùy Nhi, hiện đang học trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: “Lớp em bình thường các bạn rất thích học trực tuyến vì lúc này có thể gặp được các bạn và trao đổi bài với các thầy cô. Tuy chất lượng học tập không giống như học trên lớp nhưng đây là sự cố gắng hết sức của các thầy cô rồi. Và em cũng hiểu được nỗi vất vả của các thầy cô đang nỗ lực hết mình để truyền thụ kiến thức khi chúng em không được đến trường mà các thầy cô không hề kêu ca, phàn nàn gì cả”.
Cô giáo Nguyễn Thu Hằng (Trường liên cấp THCS-THPT Newton) chia sẻ: “Mỗi lần thay đổi cách tiếp cận kiến thức cho học sinh, dù là online hay trực tuyến thì tất cả trường lại đi tập huấn, thử dạy trong giáo viên với nhau, phải nâng cấp đường truyền, mua thêm những cục wifi, phân công đội ngũ làm Slide bài giảng, lập ban cố vấn chuyên môn duyệt bài và giám thị đi tuần trên “mạng” để xem các lớp học trực tuyến và có thể dự giờ ở bất cứ giờ nào của các thầy cô thông qua đường truyền internet. Trước kia muốn vào dự giờ thường báo trước với các giáo viên, bây giờ thì không cần báo, vào dự thoải mái. Thêm nữa mỗi lần đi qua cổng trường, tôi đều thấy khẩu hiệu “Thầy cô đến trường vì học sinh – học sinh học ngoan vì thầy cô” – tôi lại thấy hạnh phúc vô cùng. Tôi cho rằng ngành nào có sứ mệnh đó, ngành giáo dục có sứ mệnh đưa “con chữ” đến cho các trò thì giáo viên phải luôn gương mẫu để các học sinh tiếp thu được kiến thức tốt nhất, cho phụ huynh an tâm đi làm”.
Trong thời kỳ cả nước gồng mình chống dịch COVID -19 này, ngành giáo dục phải ứng phó nhanh và đạt được mục tiêu là trên hết. Phụ huynh nên chia sẻ và động viên giáo viên. Những lời phàn nàn hay phản đối việc dạy học online đều vô tình làm cản đi những sáng tạo, cống hiến mà các thầy cô đã và đang cố công gây dựng.
Việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy là hết sức cần thiết
Trong cuộc họp kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 vào ngày 22.3, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết hiện nay để đảm bảo hoạt động học tập trong tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, TP đã tổ chức học trực tuyến qua các app và việc học online đã được giao cho các trường. “Với tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, quyết định cho học sinh thành phố nghỉ học là hoàn toàn chính xác” – ông Chung khẳng định. Ông cũng kêu gọi các trường, cán bộ công nhân viên lao động là phụ huynh khuyên con em mình không nên “chê” trực tuyến để duy trì các hoạt động học tập trong thời gian Hà Nội đang căng mình chống dịch, bởi điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch COVID-19.
Chị Nguyễn Nhi Trang có con đang học tại trường liên cấp Ngôi Sao (Hà Nội) cho rằng hiện nay rất nhiều hình thức dạy học trực tuyến khác nhau được triển khai. Việc học onine giữa mùa dịch là giải pháp hữu hiệu nhất mà ngành giáo dục đã và đang thực hiện một cách đồng bộ giữa các trường, các tỉnh thành. "Dạy online là một sự cố gắng rất lớn của thầy cô, nhà trường và xã hội bởi để dạy được không chỉ cần nhiệt huyết, công sức của các thầy cô mà còn là nền tảng và sự ủng hộ, hỗ trợ của nhiều cơ quan, tổ chức. Việc học trực tuyến rất cần sự ủng hộ của phụ huynh và nhất là thiện chí, thái độ nghiêm túc, cầu tiến, ham học của học sinh. Phụ huynh và học sinh cũng cần xây dựng một thời gian biểu học tập hợp lý, tránh chạy đua học online theo kiểu "lấp chỗ trống", xếp lịch học dày kín khiến con quá tải. Thực tế, mỗi giờ học online không nên quá dài, sẽ gây căng thẳng cho học sinh, nhất là những học sinh ở cấp tiểu học và trung học cơ sở" - chị Trang Nhi chia sẻ.
Trao đổi về vấn đề này, cô Hoàng Thị Mận – Phó hiệu trưởng Trường THCS-THPT Newton cho biết: “Thực tế hiện nay nhà trường đã đáp ứng ngày một tốt hơn: từ việc ôn tập bài, dạy bài mới, thi online, học qua bài giảng online, học trực tuyến chúng tôi đều triển khai song song để bổ sung các điểm mạnh của các hình thức cho học sinh tiếp cận được phù hợp. Cũng may là hiện nay gần như mọi gia đình đều sử dụng máy tính, smartphone... nên cũng thuận lợi cho viêc giảng dạy bài vở cho học sinh khi nghỉ dịch ở nhà khá lâu”.
Đánh giá câu chuyện học và dạy học online trong thời gian này, GS-TSKH Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: "Đợt nghỉ kéo dài đến cả tháng là cơ hội để các trường và học sinh "tập dượt" ứng phó với tình huống bất khả kháng gây ra như dịch bệnh, thiên tai… Việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy hết sức cần thiết, có thể ban đầu hơi lúng túng, hiệu quả chưa cao do điều kiện nhà trường, học sinh khác nhau, song cũng cho thấy có sự quan tâm, đồng hành giữa nhà trường và học sinh trong thời gian nghỉ học".