Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 27/04/2024

Có hay không phe cánh và lợi ích nhóm tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ?

DTVN 21:20 21/11/2019

Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Công Trứ tiếp tục bị “tố” thiếu minh bạch trong công tác tổ chức thi đua, khen thưởng, cũng như trách nhiệm để xảy ra tình trạng nội bộ mất đoàn kết kéo dài…

Tổ chức thi đua, khen thưởng thiếu minh bạch?

Như chúng tôi đã thông tin về vụ việc bà Phạm Thị Thu Hồng - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ (97 Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp) bị “tố” mắc nhiều sai phạm.

Trong đơn tố cáo mới nhất, song song với sự thiếu minh bạch về tài chính thì còn có sự thiếu minh bạch trong cả vấn đề thi đua, khen thưởng.

Cụ thể, theo đơn trình bày, cách thức bầu chọn Chiến sĩ thi đua (CSTĐ) cấp cơ sở đã được thay đổi từ biểu quyết giơ tay công khai sang bỏ phiếu kín. Thêm vào đó, sẽ có danh sách gồm 45 cá nhân tự đăng ký danh hiệu này, sau đó, tiến hành bỏ phiếu chọn ra tối đa 21 người đạt danh hiệu CSTĐ.

Trường THPT Nguyễn Công Trứ - Nơi Hiệu trưởng bị tố dính nhiều sai phạm

Điều khiến các giáo viên cảm thấy thiếu khách quan và không công bằng đầu tiên là, thành phần Ban Kiểm phiếu lại bao gồm cả những người có trong danh sách được bầu chọn (có tổng cộng 3 người). Địa điểm kiểm phiếu thì diễn ra ở một phòng khác, chứ không phải được công khai trước toàn thể Hội đồng thi đua. (?!)

Và sự “thiếu minh bạch” trong quá trình bình bầu đã dẫn tới một kết quả gây ra nhiều tranh cãi, thiếu thuyết phục. Theo đó, những người có số điểm thi đua thấp nhưng vẫn “ngoạn mục” đạt danh hiệu này còn những cá nhân có điểm thi đua rất cao, thuộc nhóm dẫn đầu, đạt nhiều thành tích xuất sắc, nổi bật trong các mảng hoạt động (chuyên môn, chủ nhiệm, phong trào, công đoàn…) thì lại có số phiếu bầu rất thấp.

Các thầy, cô khẳng định, sự thiếu minh bạch, có dấu hiệu gian lận trong cuộc bình bầu này đã được chính các giáo viên ở đây dùng “phép thử”. Qua đó, phải có ít nhất vài giáo viên đã tự tay gạch tên Hiệu trưởng nhưng kết quả công bố bà Hồng vẫn đạt 100% số phiếu. Tương tự, cô T ít nhất cũng phải có được 2 lượt bình bầu nhưng kết quả đưa ra lại là 0 có phiếu tín nhiệm nào. Do đó, các giáo viên tham gia bình chọn đặt câu hỏi về kết quả đưa ra bị sai lệch, nguyên nhân vì đâu?

Các giáo viên còn cho biết, ngay cả việc Hiệu trưởng xét cộng điểm thi đua cũng có sự sai biệt, thiếu minh bạch và làm trái với Bảng hướng dẫn đánh giá thi đua chủ nhiệm đã được Hội đồng sư phạm (HĐSP) thông qua trước đó.

Chính vì sự mập mờ, bất minh trong cuộc bầu chọn càng khiến tập thể giáo viên thêm ngờ vực về “phe cánh”, “nâng đỡ”, “ưu ái” và có dấu hiệu “lợi ích nhóm”. Bởi theo các giáo viên, những cuộc bầu chọn trước đây vốn dĩ rất công khai, minh bạch để thực sự lựa chọn ra CSTĐ xuất sắc thì nay dường như chỉ là “sân chơi” riêng của chính người “tổ chức”.

Hệ lụy cho việc bình chọn thiếu minh bạch này dẫn tới trường hợp của Tổ Sinh học có đến 4 giáo viên được danh hiệu CSTĐ nhưng điểm trung bình bộ môn này của học sinh khối 12 trong kì thi THPT Quốc gia 2019 lại có số điểm thấp nhất (so với 8 môn còn lại). Cá biệt có 1 học sinh bị 1 điểm môn Sinh rơi vào diện trượt tốt nghiệp (là học sinh của 1 trong 4 người được danh hiệu CSTĐ).

Từ đó, nhiều giáo viên cho rằng, những hành vi trên có dấu hiệu vi phạm vào Điều 13 Luật thi đua, khen thưởng và Điều 9 Nghị định 91/2017/NĐ-CP.

Nội bộ mất đoàn kết, vì đâu?

Trong đơn tố cáo cũng trình bày về vấn đề nội bộ giáo viên trong trường đang phân chia phe phái rõ ràng, nghi kị lẫn nhau, gây mất đoàn kết, khiến môi trường làm việc trở nên căng thẳng, không lành mạnh.

Bản tổng hợp thi đua của trường gây nhiều tranh cãi

Theo đó trong đơn đề cập, sau sự cố nổ bình ga mini xảy ra vào ngày 8/3/2019 khiến một học sinh bị thương phải nhập viện, và ngay trong buổi họp vào chiều cùng ngày, cụm từ “Nhóm phá hoại” liên tục được đề cập tới. Thậm chí, có những giáo viên đứng lên phát biểu sử dụng những từ ngữ không chuẩn mực, vô cùng khiếm nhã, có cả văng tục để nói về sự cố đó. Từ đó, khiến không khí buổi họp trở nên căng thẳng, kéo thời gian dài nhưng không có kết quả, mà chỉ là sự chỉ trích gay gắt, tranh luận qua lại giữa các giáo viên.

Cũng theo đơn trình bày, thời gian qua có rất nhiều tài khoản Facebook ảo được lập ra và tham gia vào các trang fanpage để viết bài, bình luận tiêu cực, nhằm bôi nhọ hình ảnh, định hướng dư luận xấu về cá nhân thầy, cô và nhà trường.

Không chỉ vậy, các thầy, cô còn cho biết, “cuộc chiến” trên mạng chưa dừng lại ở đó, khi vào ngày 8/8 và 9/8/2019, tại phòng HĐSP, rất nhiều mạng wifi có tên mang ý nghĩa miệt thị, dung tục, xúc phạm một Phó Hiệu trưởng trường này.

Ngoài ra, ngày 10/10 vừa qua, theo các giáo viên cho biết, trước khi vào tiết 1 buổi học sáng, học sinh phát hiện có hàng trăm tờ giấy A4 được đặt vào học bàn của học sinh và giáo viên, trong đó có in nội dung tuyên truyền, bôi nhọ, chà đạp nhân phẩm một giáo viên có hơn 20 năm công tác tại nhà trường. Vụ việc khiến các giáo viên, học sinh vô cùng hoang mang, bức xúc và đặt vấn đề, ai giữ chìa khóa các phòng học của trường mà lại để vụ việc trên diễn ra?

Theo các giáo viên, rất nhiều vụ việc đã được mọi người nhiều lần tố cáo đến Quận ủy quận Gò Vấp và Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM. Tuy nhiên, đến nay mọi người vẫn chưa nhận được kết luận chính thức nào.

Cũng chính vì những lẽ đó, những nỗi bức xúc của tập thể giáo viên cũng như sự hoang mang, lo lắng của học sinh sẽ tiếp tục còn đeo đẳng nếu không được các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc thanh tra, xác minh lại toàn bộ vụ việc trên. Đồng thời, phải có sự chỉnh đốn, giải quyết cũng như thông tin về tất cả những vấn đề mà báo chí đã phản ánh trong suốt thời gian qua về ngôi trường này.

Thiện An (Theo SHTT)

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/co-hay-khong-phe-canh-va-loi-ich-nhom-tai-truong-thpt-nguyen-cong-tru-d65561.html

Bạn đang đọc bài viết Có hay không phe cánh và lợi ích nhóm tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ? tại chuyên mục Đời sống – Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống – Xã hội