VnDirect bị phạt vì cấp margin cho cổ phiếu THD của Thaiholdings
Ngày 7/10 vừa qua CTCP Chứng khoán VnDirect (mã chứng khoán VND) công bố thông tin nhận được quyết định của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đề ngày 30/9/2022. Theo đó VnDirect bị phạt 125 triệu đồng vì đã vi phạm quy định về chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ.
Cụ thể, ngày 2/10/2020 Chứng khoán VnDirect đã dùng 1.078.500 cổ phiếu Thaiholdings (mã chứng khoán THD) trên mỗi tài khoản giao dịch số 021C297143 đứng tên Đinh Thị Thanh Loan, 021C297144 đứng tên Nguyễn Thị Nga, 021C297138 đứng tên Nguyễn Thị Hương, 021C297139 đứng tên Hà Thanh Hương làm tài sản đảm bảo, giải ngân cho vay đối với 4 tài khoản trên (6.035.603.500 đồng đối với mỗi tài khoản) trong khi tại thời điểm này, cổ phiếu THD không thuộc danh sách chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ (đến ngày 2/10/2020 cổ phiếu THD có thời gian niêm yết chưa đủ 6 tháng tính từ ngày giao dịch đầu tiên 19/6/2020).
Những “dấu ấn” của Thaiholdings sau 2 năm lên sàn: Tăng vốn khủng, giá cổ phiếu tăng nóng
Cái tên Thaiholdings mới chỉ xuất hiện trên thị trường chứng khoán từ năm 2020 khi công ty đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Tuy vậy vừa lên sàn thì Thaiholdings đã nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư vì gắn liền với tên tuổi của ông Nguyễn Đức Thuỵ - hay còn gọi tên khác là “bầu Thuỵ”.
Đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HNX từ tháng 6/2020, ấn tượng đầu tiên của nhà đầu tư với doanh nghiệp này là sự “tăng nóng” bất thường của giá cổ phiếu.
THD chào sàn ngày 19/6/2020 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 15.000 đồng/cổ phiếu. Ngay khi lên sàn cổ phiếu THD đã tăng trần 17 phiên liên tiếp, và đưa cổ phiếu lên mức 95.000 đồng/cổ phiếu ở phiên giao dịch thứ 18 trên sàn. Tuy vậy thanh khoản cổ phiếu này không cao, đặc biệt những phiên tăng trần trước đó hầu hết chỉ có lượng nhỏ một vài trăm cổ phiếu khớp lệnh.
Chỉ 3 tháng sau khi lên sàn, những phiên giao dịch đầu tháng 3/2021 THD đã chạm mức 200.000 đồng/cổ phiếu, trở thành một trong số những cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán. Thời điểm tháng 10/2020 khi Vndirect vi phạm quy định, cấp margin cho THD, cổ phiếu này mới lên sàn được gần 4 tháng, chưa đủ thời gian được phép giao dịch ký quỹ.
Cổ phiếu THD tiếp tục duy trì mức giá cao này đến đầu năm 2022, đã từng bước tăng lên ngưỡng 2645.500 đồng/cổ phiếu đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/1/2022.
Tuy vậy tăng sốc thì có giảm sâu, chỉ chưa đầy 1 tháng, đến cuối tháng 1/2022 THD mất đi 35% giá trị, về mức 172.800 đồng/cổ phiếu và xuyên thủng luôn ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu vào những ngày đầu tháng 5/2022. Hiện tại THD đã giảm sâu về mức 39.000 đồng/cổ phiếu, lấy đi rất nhiều công sức của các nhà đầu tư.
Nhắc đến Thaiholdings, nhà đầu tư còn ấn tượng về một doanh nghiệp tăng vốn khủng. Năm 2021 công ty đã phát hành hơn 296 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, muốn tăng vốn điều lệ gấp 6,5 lần từ 539 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng. Tổng số tiền huy động được từ đợt chào bán 2.961 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Thaiholdings phát hành tăng vốn với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu trong khi thị giá cổ phiếu THD cùng thời điểm là gấp 16 lần. Tiền huy động được từ phát hành tăng vốn đều dùng để mua cổ phần, góp vốn thành lập các công ty con, công ty liên kết.
Lợi nhuận “tăng nóng” nhờ vào các nguồn thu tài chính và “thu khác”
Thaiholdings cũng khiến các nhà đầu tư chú ý bởi sự tăng sốc về doanh thu và lợi nhuận sau khi lên sàn.
Năm 2020 khi vừa niêm yết cổ phiếu, Thaiholdings công bố báo cáo tài chính với doanh thu tăng 140% so với năm 2019, lên mức 1.820 tỷ đồng. Báo cáo ghi nhận lợi nhuận thuần chỉ từ hoạt động kinh doanh đạt 142 tỷ đồng (tăng 137%) so với năm trước đó. Tuy vậy nhờ khoản thu nhập khác hơn 1.200 tỷ đồng mà Thaiholdings báo lãi sau thuế gần 1.100 tỷ đồng, gấp 23 lần năm 2019. Khoản thu nhập khác này có được từ việc chuyển nhượng dự án Nhà máy Xi măng Thạnh Mỹ (332 tỷ đồng) và từ thanh lý tài sản cố định nhà máy xi măng Thạnh Mỹ (862 tỷ đồng).
Ngược lại năm 2019 trước khi lên sàn, doanh thu công ty đạt 760 tỷ đồng, gấp 7 lần năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 47 tỷ đồng, tăng hơn gấp 6 lần so với số lãi gần 8 tỷ đồng đạt được năm 2018.
Năm 2021 Thaiholdings tiếp tục gây bất ngờ với báo cáo doanh thu gấp 4,5 lần năm 2020, lên mức 8.242 tỷ đồng. Cũng trong năm 2021 công ty ghi nhận thêm khoản doanh thu tài chính 1.082 tỷ đồng nhờ lãi từ bán các khoản đầu tư – mà phần lớn trong đó là từ bán khoản đầu tư vào CTCP Bình Minh Group (hơn 806 tỷ đồng); từ lãi bán khoản đầu tư vào Tập đoàn đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi (120 tỷ đồng)…
Ngoài doanh thu tài chính, năm 2021 Thaiholdings còn ghi nhận khoản thu nhập khác gần 780 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng các khoản đầu tư. Báo cáo chỉ rõ trong năm công ty chuyển nhượng dự án Nhà máy xi măng Minh Tâm mà bên nhận chuyển nhượng lại là CTCP Xi măng Xuân Thành Bình Phước, lợi nhuận từ khoản chuyển nhượng này đạt 571 tỷ đồng.
Kết quả năm 2021 theo báo cáo trước đó, Thaiholdings báo lãi sau thuế gần 1.157 tỷ đồng.
Câu chuyện của Bình Minh Group
Năm 2021 Thaiholdings ghi nhận việc chuyển nhượng cổ phần tại Bình Minh Group và có khoản doanh thu tài chính hơn 800 tỷ đồng. Câu chuyện của Bình Minh Group cũng là đề tài bán tán khá nhiều liên quan đến Tân Hoàng Minh.
Câu chuyện bắt đầu khi Thaiholdings mua 4 triệu cổ phần tương đương 80% vốn điều lệ của Bình Minh Group với tổng giá mua 40 tỷ đồng. Bình Minh Group chính là chủ sở hữu của “lô đất vàng 11A Cát Linh".
BCTC năm 2021 ghi nhận đến 18/11/2021 Thaigroup đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Bình Minh Group với giá xấp xỉ 840 tỷ đồng. Tổng lãi từ thương vụ này hơn 806 tỷ đồng. Bên mua là Tân Hoàng Minh.
Sau khi Tân Hoàng Minh bị “sờ gáy” liên quan đến việc buộc huỷ các đợt phát hành trái phiếu tổng giá trị hơn 10.000 tỷ đồng, thì thương vụ mua Bình Minh Group cũng bị huỷ bỏ, Thaiholdings buộc nhận lại cổ phần công ty này và trả lại tiền cho Tân Hoàng Minh.
Vấn đề đặt ra với Thaigroup lúc này là lấy tiền đâu để trả? Bởi BCTC năm 2021 ghi nhận tiền và tương đương tiền của công ty đến 31/12/2021 còn hơn 271 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn hơn 6 tỷ đồng. Tiền nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn hơn 2.000 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính nằm chủ yếu ở đầu tư vào công ty con, công ty liên kết gần 840 tỷ đồng. Trong khi đó tổng nợ phải trả hơn 4.200 tỷ đồng, mà riêng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 1.663 tỷ đồng, vay nợ thuê tài chính dài hạn 632 tỷ đồng.
Tuy vậy số liệu trên báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 ghi nhận đến 30/6/2022 khoản phải trả ngắn hạn liên quan đến bán cổ phần Bình Minh Group đã giảm về 0.
Đồng thời thông tin gần đây nhất cho biết Thaiholdings sẽ điều chỉnh lại kết quả kinh doanh trên Báo cáo tài chính năm 2021 liên quan đến việc nhận lại Bình Minh Group. Trong đó dự kiến lợi nhuận sau thuế năm 2021 sẽ điều chỉnh giảm từ 1.157 tỷ đồng xuống còn 424 tỷ đồng. Hiện tại Thaiholdings chưa công bố báo cào tài chính điều chỉnh này.
Đến kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022
Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2022 của Thaiholdings đã ghi nhận “sự trở về” của Bình Minh Group trong danh sách các công ty con. Doanh thu 6 tháng đầu năm giảm 14% so với cùng kỳ, còn 2.658 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm đến 45% còn 217 tỷ đồng.
Trong kỳ công ty tiếp tục ghi nhận khoản doanh thu tài chính gần 233 tỷ đồng từ việc bán các khoản đầu tư, trong đó có lãi từ việc chuyển nhượng cổ phiếu Thaihomé là gần 73 tỷ đồng và chuyển nhượng cổ phần Tôn Đản Hà Nội gần 139 tỷ đồng…
Bầu Thuỵ đã rút hết vốn tại Thaiholdings
Một điểm khiến các nhà đầu tư chú ý là bầu Thuỵ đã rút hết vốn tại Thaiholdings trong tháng 6/2022 vừa qua. Thời điểm đó cổ phiếu THD giao dịch quanh mức 39.200 đồng/cổ phiếu, ước tính bầu Thuỵ thu về khoảng 3.400 tỷ đồng.