Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Sacombank 'lách' quy định rót vốn khủng vào một dự án: Hé lộ mối quan hệ chằng chịt phía sau

ANTĐ 10:43 15/07/2023

Hơn 9.200 tỷ đồng dư nợ tại Sacombank thời điểm tháng 8/2018 tập trung vào 9 khách hàng để cùng rót vốn cho 1 dự án bất động sản.

Các doanh nghiệp và dự án này có liên quan chặt chẽ với Tập đoàn Him Lam cũng như ông Dương Công Minh, người được bầu làm Chủ tịch HĐQT Sacombank từ 2017.


Lách quy định cho vay gần nửa vốn tự có vào 1 dự án

Trong Thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ vừa công bố cho thấy, Sacombank có nhiều vi phạm ở quy trình cấp tín dụng. Trong đó đáng lưu ý nhất là việc ngân hàng này cho vay với 9 khách hàng độc lập nhưng thực tế là cùng rót vốn vào 1 dự án.

Cụ thể, 9 doanh nghiệp gồm: Công ty CP Him Lam Thủ Đô, Công ty CP đầu tư Hồng Bàng, Công ty CP ĐTXD Bảo Lộc, Công ty CP đầu tư TMDV Nam Thắng, Công ty CP TMXD Công Phúc, Công ty CP hạ tầng Bảo Tín, Công ty CP ĐTXD Việt Phú Mỹ, Công ty CP QLĐTXD Việt Hà, Công ty CP XDTMDVDL Hiệp Ân có dư nợ tại Sacombank tính đến cuối tháng 8/2018 là 9.262 tỷ đồng - chiếm 48,52% vốn tự có của Ngân hàng.

Dù là các pháp nhân độc lập, nhưng các doanh nghiệp trên lại cùng vay tiền để chuyển cho bên thứ ba qua hình thức ký hợp đồng nguyên tắc về chuyển nhượng phân khu thuộc dự án.

Đây thực chất là hình thức lách quy định của Luật các tổ chức tín dụng về giới hạn cấp tín dụng với các dự án đầu tư (tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại).

Trong khi đó, việc thẩm định năng lực tài chính để thực hiện dự án chỉ dừng lại ở 9 khách hàng vay vốn, không thẩm định với đơn vị thực hiện dự án, tiềm ẩn rủi ro. Trong khi đến thời điểm thanh tra, dự án đang gặp nhiều khó khăn về pháp lý đất đai trong thời gian dài, làm tăng chi phí lãi vay, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và kết quả kinh doanh của Sacombank.

Không chỉ vậy, một số khách hàng cung cấp số liệu báo cáo tài chính sai lệch giữa số liệu gửi Sacombank và cơ quan thuế (Công ty CP TMXD Công Phúc, Công ty CP ĐTXD Việt Phú Mỹ, Công ty CP ĐT và TMDV Nam Thắng).

Sacombank cũng chưa kiểm soát chặt chẽ việc một số khách hàng cùng vay vốn tại ngân hàng này và ngân hàng khác để giải ngân cho hợp đồng chuyển nhượng.

Việc kiểm tra sau cho vay chưa ghi nhận, đánh giá đầy đủ tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, khó khăn về pháp lý của dự án; cho vay thực hiện dự án nhưng dự án chậm tiến độ, phát sinh chi phí lãi vay lớn, làm ảnh hưởng tới hiệu quả phương án đầu tư kinh doanh đã được ngân hàng phê duyệt khi cho vay.

“Hệ sinh thái” Him Lam và dự án nhiều tai tiếng

Dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An, hiện được đổi tên thành dự án The Global City và từng được biết đến với những cái tên như Him Lam City hoặc Him Lam Bình An. Dự án được cấp phép đầu năm 1999 và giao đất cho chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) – một doanh nghiệp từng được biết đến là một thành viên của Him Lam Group - từ tháng 1/2001.

Tuy nhiên, phải đến hơn 20 năm sau, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, dự án này mới được khởi công vào tháng 3/2021; đồng thời cũng được “đổi chủ” sang Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Đến đầu 2022, dự án một lần nữa lại về tay chủ mới là Masterise Group với tên gọi mới là The Global City. Dự án cũng từng bị Thanh tra Chính phủ kết luận có nhiều sai phạm.

Thời điểm thanh tra, 9 doanh nghiệp cùng vay vốn của Sacombank để rót vốn cho SDI Corp tại dự án này. Đáng nói, cả 9 doanh nghiệp nêu trên đều có mối quan hệ chặt chẽ với Tập đoàn Him Lam cũng như ông Dương Công Minh – người sáng lập tập đoàn này.

Ông Minh chỉ rời ghế Chủ tịch Him Lam khi Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi không cho phép lãnh đạo ngân hàng đồng thời là lãnh đạo một doanh nghiệp, tuy nhiên bóng dáng của ông tại doanh nghiệp này vẫn rất lớn.

Đầu tiên phải kể đến là Công ty CP Him Lam Thủ đô – đơn vị thành viên của Him Lam Group mà ông Dương Công Minh nhiều năm giữ chức Chủ tịch HĐQT.

Cái tên thứ hai trong danh sách 9 khách hàng lớn của Sacombank là Công ty CP Đầu tư Hồng Bàng (thường gọi là Him Lam Hải Phòng) cũng là thành viên của Him Lam Group.

Thứ ba, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Bảo Lộc cũng có mối liên quan với Him Lam Group, tham gia thương vụ góp vốn lập Công ty CP Đầu tư Long Biên (Lobico) - ông chủ của sân golf Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vào năm 2006.

Sau này, phần lớn cổ phần của Lobico đều thuộc về người nhà của ông Dương Công Minh, chẳng hạn ông Trần Văn Tĩnh (anh họ ông Minh, sở hữu 48,5% vốn điều lệ), và bà Dương Thị Liêm (em gái ruột ông Minh, sở hữu 36,5% vốn điều lệ), tại thời điểm 2014.

Đối với Công ty CP Thương mại xây dựng Công Phúc, thời điểm tháng 7/2016, Công ty này có cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Dương Công Sáng (97,778% vốn điều lệ), ông Dương Công Thuyên (1,11% vốn điều lệ) và ông Nguyễn Văn Lương (1,111% vốn điều lệ)...

Tháng 7/2020, Him Lam Land - đã thế chấp hơn 10 triệu cổ phiếu STB của Sacombank để đảm bảo cho nghĩa vụ vay vốn của công ty này.

Bạn đang đọc bài viết Sacombank 'lách' quy định rót vốn khủng vào một dự án: Hé lộ mối quan hệ chằng chịt phía sau tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn