Thay mặt Bộ Chính trị, ngày 20/8/2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc Đổi mới vào giữa tháng 12/1986. Một năm sau, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ra đời (ngày 29/12/1987). Hành trình sau hơn 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam cũng gần như song trùng với hơn 3 thập kỷ Đổi mới của nền kinh tế. Dù vẫn còn những phân vân giữa được và mất, song mở cửa thu hút FDI chính là một trong những quyết định sáng suốt nhất để Việt Nam từ một nước nghèo, lạc hậu trở thành một trong những điểm sáng của kinh tế toàn cầu.
TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, nguồn vốn FDI có đóng góp to lớn trên nhiều mặt về kinh tế, xã hội, chính trị, ngoại giao... trong suốt chặng đường phát triển của Việt Nam hơn 30 năm qua.
Trước hết, FDI bổ sung nguồn vốn lớn cho tổng vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư trong nước. Cụ thể, trong giai đoạn 1991-2000 là 69,5 tỷ USD và chiếm 22,75% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tương ứng, giai đoạn 2001-2011 vốn FDI thực hiện đạt 20,6 tỷ USD, chiếm 24% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong những năm gần đây, vốn FDI thực hiện chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Theo Bộ KH&ĐT, đến nay đã có hơn 26.500 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ, cam kết đầu tư trên 334 tỷ USD vào Việt Nam. Tính đến năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài chiếm gần 20% GDP, đóng góp 23,7% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, 70% kim ngạch xuất khẩu, sử dụng gần 4 triệu việc làm trực tiếp và 5-6 triệu việc làm gián tiếp. Theo TS. Phan Hữu Thắng, với nguồn vốn đầu tư như trên, FDI là khu vực phát triển năng động, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Thực tế, tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI trong GDP tăng mạnh qua các năm, cho thấy ảnh hưởng của khối doanh nghiệp FDI đối với nền kinh tế Việt Nam là khá lớn. Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, từ chỗ còn xa lạ và mới mẻ, khu vực FDI đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế.
"Tôi cho rằng, nếu không có FDI, nền kinh tế Việt Nam không thể có một diện mạo, quy mô và trình độ phát triển như ngày nay", ông Dũng khẳng định. Người đứng đầu Bộ KH&ĐT cho rằng, trong hơn 30 năm qua, hơn 169 tỷ USD vốn FDI đã chảy vào Việt Nam, được triển khai thực hiện trong hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành những ngành công nghiệp chủ lực như viễn thông, dầu khí, điện tử, hóa chất, thép, ô tô - xe máy, công nghệ thông tin,... "FDI đã góp phần hết sức quan trọng trong việc gia tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Đến nay, khu vực FDI chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Cùng đó, FDI còn góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tiến trình hội nhập kinh tế, quốc tế", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, nhờ FDI mà quy mô nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn mạnh, cùng đó, diện mạo nhiều tỉnh, thành phố thay đổi toàn diện theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH).
Các địa phương thu hút được nhiều dự án FDI (Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai...) có kinh tế phát triển mạnh mẽ. Đóng góp của khu vực FDI thực sự lớn, đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế của các tỉnh, thành phố kể trên.
Đời sống của người dân ở những tỉnh, thành phố thu hút nhiều dự án FDI cũng cao hơn hẳn những địa phương lân cận. Điển hình như Bắc Ninh, nhờ thu hút hiệu quả FDI mà chỉ trong 5 năm gần đây đã biến đổi cơ bản, từ tỉnh nông nghiệp thành tỉnh công nghiệp. Đồng thời, thực tế cũng chứng minh, các địa phương thu hút nhiều FDI có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao hơn, điển hình như Bình Dương so với Bình Phước (ở miền Nam); Vĩnh Phúc so với Phú Thọ (ở miền Bắc).
Một đóng góp quan trọng nữa của khu vực FDI, theo TS. Phan Hữu Thắng, FDI thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH. Đến nay, trên 60% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với trình độ công nghệ cao hơn mặt bằng chung cả nước; tốc độ tăng trưởng đạt bình quân trên 20%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn ngành, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế (dầu khí, viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử...). FDI cũng góp phần tạo nên các dịch vụ chất lượng cao trong các lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, bất động sản, vận tải, logistic...
"Thực tế cho thấy, FDI cũng có tác động nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả 3 cấp: quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Sau hơn 30 năm thu hút FDI, đến nay nhiều sản phẩm của Việt Nam đủ sức cạnh tranh, có chỗ đứng trong các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...", TS. Phan Hữu Thắng nói.
Trong khi đó, theo ông Bùi Quang Vinh - nguyên Bộ trưởng KH&ĐT, thành quả quan trọng nhất, lớn nhất trong hơn 30 năm qua khi mở cửa thu hút FDI là sự thay đổi nhận thức.
Theo ông Vinh, điều này tưởng đơn giản nhưng nó lại là khâu đột phá về quan điểm, tư tưởng. "Hãy nhớ rằng, trước đó, nền kinh tế nước ta khép kín, thành phần kinh tế chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước và kinh tế tập thể. Đảng ta đã nhận ra rằng trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, không thể không mở cửa và từ đó chúng ta đã xây dựng nhiều hệ thống văn bản pháp luật cho quá trình hội nhập kinh tế trong đó có Luật Đầu tư nước ngoài mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước", ông Bùi Quang Vinh nói.
Đầu tàu tăng trưởng xanh và chuyển giao công nghệ Một tài liệu vừa được công bố bởi Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho thấy, FDI có vai trò rất quan trọng đối với sự tăng trưởng xanh. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050 có 3 mục tiêu rõ ràng.
Một là, tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao.
Hai là, nghiên cứu, ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Bà là, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh. GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết, Việt Nam đã từng chiếm ngôi vị dẫn đầu các thị trường mới nổi khác về thu hút vốn FDI tăng trưởng xanh, cao hơn các nước như Romania, Hungary, Malaysia, Thái Lan.
Cũng theo GS Nguyễn Mại, FDI không những có vai trò rất quan trọng đối với sự tăng trưởng xanh mà còn giúp chuyển giao công nghệ vào Việt Nam. Thực tế, FDI có vai trò vô cùng quan trọng đối với chuyển giao công nghệ (CGCN). Quá trình này, giúp Việt Nam tiếp nhận CGCN sẵn có từ bên ngoài vào, từ đó nghiên cứu ứng dụng, cải tiến và phát triển công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội.
Các doanh nghiệp FDI tạo ra mối quan hệ liên kết, cung cấp dịch vụ công nghệ từ các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong nước. Từ đó, các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiến hành nghiên cứu và phát triển (R&D) thông qua việc học cách thiết kế, chế tạo, tiếp thu công nghệ nguồn, sau đó cải tiến cho phù hợp với điều kiện thực tế và biến chúng thành công nghệ của mình.
Bộ KH&CN đánh giá, FDI đã góp phần thúc đẩy CGCN, từng bước nâng cao trình độ công nghệ sản xuất trong nước; một số ngành đã tiếp thu được công nghệ tiên tiến của thế giới như: Bưu chính viễn thông, dầu khí, xây dựng, cầu đường, khách sạn, văn phòng cho thuê... Nhiều doanh nghiệp trong nước đã đổi mới hoặc nâng cấp trang thiết bị đáp ứng yêu cầu cạnh tranh ngày càng cao của nền kinh tế.
Chính vì thế, Việt Nam đã sản xuất được nhiều sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, kiểu dáng hợp thời trang đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường trong nước, gia tăng nhanh chóng kim ngạch xuất khẩu như máy tính, mobiphone, smartphone, điện tử gia dụng, cơ khí chế tạo, hàng tiêu dùng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định: "Mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà cũng chính là "lá phiếu" ủng hộ đối với Chính phủ, các cấp, các ngành trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ và là nguồn động viên để Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng phát triển trong ngôi nhà chung Việt Nam".
Theo Nhà đầu tư