Liên quan đến câu chuyện DN tư nhân Hậu Giang (Lào Cai) kêu cứu và khiếu nại các quyết định thi hành án, ông Đỗ Ngọc Ba, Chi cục trưởng Chi cục thi hành án TP Lào Cai cho biết, tới thời điểm hiện tại chi cục không nhận được bất cứ văn bản nào của người có thẩm quyền về việc hoãn yêu cầu thi hành án do đó không có căn cứ để tạm dừng viêc thẩm định, đấu giá và tạm dừng việc thi hành án theo đề nghị của ông Trần Văn Hậu - Chủ DNTN Hậu Giang.
Trong khi đó, thường trực tỉnh ủy Lào Cai và Ban Nội chính tỉnh này cũng có công văn đề nghị Chi cục thi hành án TP Lào Cai báo cáo sự việc tới thường trực tỉnh ủy trước ngày 10/8.
Cần 1 bản án thấu tình đạt lý cho DN tư nhân Hậu Giang |
Theo phản ánh của DN Hậu Giang, Tòa án tỉnh Lào Cai đã không đánh giá đúng bản chất vụ án, áp dụng sai các quy định của pháp luật. Cụ thể là, Tòa không xem xét đến việc mua bán nợ vi phạm pháp luật, có dấu hiệu trục lợi dẫn đến gây thất thoát cho Nhà nước, đặc biệt là thiệt hại nghiêm trọng cho DNTN Hậu Giang.
Tòa án cấp phúc thẩm còn bị cho là đã không xem xét đến các vi phạm của ngân hàng trong nguyên tắc tài chính cho vay ngắn hạn, trung hạn để đầu tư dài hạn; vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận cho vay của Ngân hàng trong thực hiện các hợp đồng tín dụng với DN, cho nên các hợp đồng tín dụng này là vô hiệu, vì mục đích hợp đồng trái với thỏa thuận.
"Đối với những sai phạm nghiêm trọng của Ngân hàng MHB Lào Cai, BIDV SaPa, Cty Tân Trà Việt đã gây thiệt hại nặng nề và vô cùng lớn cho DN Hậu Giang. DN Hậu Giang mong muốn được cơ quan Pháp luật sớm có đánh giá chính xác, phán xét công minh để các bên sai phạm, gây ra thiệt hại phải chịu trách nhiệm trước Pháp luật. Ông Lê Sỹ Mạnh (Giám đốc BIDV chi nhánh Sapa) đã không hiểu rõ thực tế của DN Hậu Giang hoặc có hiểu một phần nhưng vẫn cố tình bán khoản nợ của Hậu Giang để trục lợi. Khi Tòa án Tỉnh Lào Cai triệu tập yêu cầu cung cấp thêm thông tin ông Lê Sỹ Mạnh đã không nắm được quá trình hoạt động, quan hệ tín dụng giữa DN Hậu Giang và Ngân hàng MHB Lào Cai giai đoạn năm 2008 đến năm 2012 là giai đoạn quan trọng nhất do khủng hoảng suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao. Giai đoạn này Chính phủ đã phải ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ, giúp đỡ tháo gỡ khó khăn cho các DN nhằm ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế đảm bảo an ninh xã hội. Chính thời điểm quan trọng này Ngân hàng MHB Lào Cai đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Chính phủ như: không phân loại nợ, không cơ cấu lại nợ, trả nợ cũ, vay mới, hỗ trợ lãi xuất, tiếp tục cho vay đầu tư mới, không phạt các DN vừa và nhỏ, mục đích tháo gỡ khó khăn cho DN. Những sai phạm nghiêm trọng trên là nguyên nhân chính đẩy DN Hậu Giang đến thiếu vốn SXKD, đến nợ xấu, đến tranh chấp pháp lý, đến nguy cơ phá sản. Tất cả tiêu chí trong các quy định của Chính phủ DN Hậu Giang đều đáp ứng đầy đủ và rất được ưu tiên khuyến khích vì DN Hậu Giang đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu nông sản và dược liệu xuất khẩu quy mô công nghiệp (trong nước không có cơ sở và nhà máy thứ hai) đáp ứng nguyên liệu cho chế biến thuốc chữa bệnh trong nước và xuất khẩu. (chiết xuất các hoạt chất phục vụ nghành công nghiệp dược phẩm đạt tiêu chuẩn dược điển trong nước và quốc tế: chiết xuất Panmatin từ cây Hoàng Đằng, chiết xuất Becbelin từ cây và bột Hoàng Liên, chiết xuất Rutin từ nụ hoa Hòe … và các nguyên liệu dược khác). Từ khi MHB sát nhập vào BIDV, DN Hậu Giang chưa thấy ông Lê Sỹ Mạnh đến kiểm tra trực tiếp nhà máy của DN Hậu Giang lần nào (tài sản thế chấp) chỉ đến khi đã bán nợ xong cho Cty Tân Trà Việt thì ông Lê Sỹ Mạnh mới cùng Cty Tân Trà Việt đến DN Hậu Giang mục đích thuyết phục DN Hậu Giang mua lại khoản nợ của chính mình hoặc bàn giao nhà máy cho Cty Tân Trà Việt để Cty Tân Trà Việt dùng làm tài sản thế chấp và vay vốn tại Ngân hàng BIDV SaPa", ông Hậu thông tin.
Trước đó, ngày 20/11/2018, TAND thành phố Lào Cai đưa vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng và hợp đồng mua bán nợ” ra xét xử (Bản án số 08/2018/KDTM-ST). Theo đó, Tòa cấp sơ thẩm tuyên Hợp đồng mua bán nợ số 01/2017/HĐMBN ngày 2/11/2017 giữa ngân hàng với Công ty Cổ phần Tân Trà Việt là vô hiệu. Bởi Công ty Tân Trà Việt là chủ thể không đáp ứng điều kiện để thực hiện kinh doanh mua bán nợ, không có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ - theo Điều 4 và 5 Nghị định 69/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Mặt khác, Nghị quyết số 42 của Quốc hội ngày 21/6/2017 tại khoản 2 Điều 6 cũng quy định “Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân, bao gồm cả doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh mua bán nợ”. Đối chiếu với những căn cứ và quy định trên, việc Công ty Tân Trà Việt mua trực tiếp nợ xấu từ ngân hàng là trái quy định của pháp luật.
Được biết, Tân Trà Việt trong chưa đầy chưa đầy 3 năm (từ tháng 9/2015 - 2/2018) đã thay đổi 5 đời Giám đốc.
Ngày 2/4/2019, TAND tỉnh Lào Cai xét xử phiên phúc thẩm (Bản án số 01/2019/KDTM-PT) tuyên Hợp đồng mua bán nợ số 01 nói trên có hiệu lực, buộc DNTN Hậu Giang phải trả 41 tỷ đồng cho Công ty Tân Trà Việt. Tòa cấp phúc thẩm căn cứ vào Thông tư 09/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đến lúc này, có lẽ các cơ quan chức năng cần phải sớm có đánh giá nhìn nhận lại toàn bộ vụ việc để có hướng giải quyết trên tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội cũng cần phải có sự trả lời rõ ràng cho DN trên tinh thần cần 1 bản án công tâm, thấu tình đạt lý.
Hoàng Ánh