MASCO: 2 quý liên tiếp thua lỗ kể từ khi niêm yết
Trong quý 2/2020, Covid-19 ập đến và châm ngòi cho lệnh phong tỏa trên khắp thế giới, có cả Việt Nam. Giữa lúc dịch bệnh kìm chân người dân tại nhà, CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MASCO, HNX: MAS) ghi nhận doanh thu thuần lao dốc hơn 78% so với cùng kỳ, vỏn vẹn hơn 13 tỷ đồng, trong khi giá vốn hơn 16 tỷ đồng.
Dù cho các chi phí trong kỳ có tiết giảm nhưng MASCO vẫn lỗ ròng gần 6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi hơn 3 tỷ đồng.
Trong quý I/2020 vừa rồi, MASCO cũng đã lỗ hơn 1 tỷ, đây là quý đầu tiên lỗ của Công ty kể từ khi niêm yết. Nguyên nhân lỗ trong quý I/2020 là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hoạt động kinh doanh của Công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ngay từ cuối tháng 1.
Các dịch vụ cung ứng cho các chặng bay quốc tế đã bị hủy, doanh thu cung cấp suất ăn hàng không và các dịch vụ đi kèm suy giảm, việc thực hiện giãn cách xã hội cũng tác động đến lĩnh vực thương mại, taxi, đào tạo của Công ty
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của MAS giảm sâu 53% còn 57 tỷ đồng và lỗ ròng gần 7 tỷ đồng. Có thể thấy năm 2020 là năm cực kỳ khó khăn với MAS khi Công ty chưa hề đối mặt với các khoản lỗ trước đó.
Cuối quý II/2020, tiền và tương đương tiền của MASCO ở mức hơn 11 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 10 tỷ đồng hồi đầu năm. Bên cạnh đó, nợ phải trả tăng từ mức 68 tỷ đồng lên gần 74 tỷ đồng, tương đương mức tăng gần 9%.
Nguồn: BCTC quý 2/2020 |
Tại thời điểm 30/6, các khoản phải thu ngắn hạn của MASCO tăng 20% so với hồi đầu năm, lên hơn 18 tỷ đồng. Trong đó, phải thu CTCP Hàng Không Tre Việt (Bamboo Airways, BAV) hơn 5 tỷ đồng, tăng 67% so hồi đầu năm. Nợ phải trả cũng tăng 8%, lên gần 74 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn, ghi nhận gần 60 tỷ đồng.
Triển vọng kinh doanh của MASCO xấu hơn sau tin dữ
Năm 2020, MASCO đặt kế hoạch cho lỗ ròng tối đa 11,7 tỷ đồng, doanh thu thuần đặt ra ở mức 135 tỷ đồng.
Những tưởng hoạt động kinh doanh của MASCO có thể cải thiện phần nào trong quý 3/2020 khi thị trường trong nước đã phục hồi hoàn toàn từ đại dịch. Tuy nhiên, kỳ vọng đó đã tan biến nhanh chóng vào cuối tuần trước khi Đà Nẵng xuất hiện thêm ca nhiễm mới. Triển vọng kinh doanh của MASCO đã xấu nay còn tệ hơn.
Cụ thể, trong ba ngày qua ngành y tế ghi nhận 4 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, trong đó có 3 ca nhiễm đến từ Đà Nẵng. Mới đây, lãnh đạo Chính phủ đồng ý thực hiện giãn cách xã hội trên toàn thành phố Đà Nẵng theo Chỉ thị 19 từ 0h ngày 28/07.
Việc giãn cách xã hội cùng với tâm lý e dè của người dân đối với vùng dịch bệnh sẽ giáng đòn nặng nề đến hoạt động kinh doanh của MASCO. Mặt khác, việc khó tiếp cận được vốn vay dài hạn, khách hàng xin giãn thanh toán… cũng sẽ là áp lực cho dòng tiền của Masco thời gian tới.
Về MASCO, Công ty được thành lập năm 1991 trên cơ sở của Công ty Dịch vụ cụm cảng hàng không sân bay miền Trung với chức năng cung ứng suất ăn hàng không, vận chuyển tổ lái, kinh doanh thương mại, đào tạo lái xe và mô tô.
Tuy nhiên, những năm gần đây đang có dấu hiệu suy giảm, do cạnh tranh quyết liệt ở lĩnh vực kinh doanh suất ăn hàng không, thương mại dịch vụ ở các sân bay; chậm trễ triển khai dự án nhà máy chế biến suất ăn tại cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng càng hạn chế ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp; một số dịch vụ liên quan đến dây chuyền hàng không bị cấm, ngừng kinh doanh quản cáo cũng như sự lúng túng của cơ quan Nhà nước trong việc quản lý loại hình taxi công nghệ…
Sau 2 quý liên tiếp kinh doanh xuống dốc, câu chuyện Covid-19 quay trở lại và sự việc giãn cách xã hội toàn tp. Đà Nẵng khiến cho triển vọng kinh doanh của MASCO trở nên xấu hơn. Với tình hình kinh doanh u ám trong 2 quý đầu năm và triển vọng không mấy khả quan, dường như kế hoạch có lãi hơn 16 tỷ đồng trong năm 2020 đang dần tuột khỏi tầm với của MASCO.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ