CTCP Vicostone (mã VCS) vừa công bố kết quả kinh doanh dự kiến quý IV và cả năm 2019 với các chỉ tiêu kinh doanh chính tăng trưởng tích cực.
Lợi nhuận trước thuế cả năm ước đạt 1.644 tỷ đồng
Cụ thể, tính riêng trong quý IV vừa qua, Vicostone ước đạt 1.556 tỷ đồng doanh thu thuần và 446 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng tăng 19,08% và 11,88% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế dự kiến thu về 380 tỷ đồng, cũng tăng 13,82% so với quý IV/2018.
Tính chung cả năm 2019, Vicostone ghi nhận 5.555 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.644 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 22,85% và 24,7% so với năm trước. Lãi ròng sau thuế cũng tăng 24,64% so với năm 2018, dự kiến đạt 1.400 tỷ đồng.
Hiện nay, doanh thu của Vicostone chủ yếu là đến từ hoạt động xuất khẩu (trên 40 quốc gia), trong đó tập trung vào các thị trường chính bao gồm Bắc Mỹ, Úc và châu Âu, những thị trường khó tính và có yêu cầu khắt khe về sản phẩm.
Quá trình tăng vốn của Vicostone. |
Thực tế, cổ phiếu VCS đã trải qua năm 2019 với nhiều biến động mạnh đặc biệt trong nửa cuối năm. Sau khi liên tục đi lên mạnh mẽ trong quý II nhờ kết quả kinh doanh đột biến, cổ phiếu này đạt đỉnh 107.800 đồng hồi đầu tháng 10 và bất ngờ quay đầu điều chỉnh mạnh về vùng giá hiện tại.
Tạm tính tại mức thị giá này, vốn hóa thị trường của Vicostone vào khoảng 11.376 tỷ đồng, “bốc hơi” 34% so với thời điểm đạt đỉnh cách đây gần 3 tháng.
Vicostone (trước là CTCP Đá ốp lát cao cấp Vinaconex) tiền thân là Nhà máy Đá ốp lát cao cấp VINACONEX được thành lập từ tháng 12/2002. Lĩnh vực hoạt động chính của Vicostone là sản xuất, kinh doanh đá ốp lát nhân tạo gốc thạch anh theo công nghệ được chuyển giao từ hãng Breton S.P.A (Ý). CTCP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A là công ty mẹ nắm giữ tới 81,63% cổ phần, Chủ tịch HĐQT Hồ Xuân Năng sở hữu 3,63% cổ phần và công ty có 3,2 triệu cổ phiếu quỹ. Như vậy, ngoài lượng cổ phiếu do cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan nắm giữ, lượng cổ phiếu lưu hành tự do của Vicostone chỉ vào khoảng 12% vốn điều lệ. |
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ