Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Vi phạm bản quyền, Việt Nam có nguy cơ mất quyền dự thi 'Gạo ngon nhất thế giới'

DTVN 15:20 28/05/2021

Đơn vị tổ chức cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” The Rice Trader đã đưa ra thông báo Việt Nam có nguy cơ mất quyền dự thi do vấn đề vi phạm bản quyền.

Cụ thể, The Rice Trader (TRT) công bố DNTN Hồ Quang Trí là công ty đầu tiên tại Việt Nam được phép sử dụng logo (biểu tượng thương hiệu) giải thưởng "World’s Best Rice" (Gạo ngon nhất thế giới) độc quyền của TRT vào mục đích tiếp thị và kinh doanh.

Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có nhiều công ty Việt Nam sử dụng nhãn hiệu này để in trên bao bì, tài liệu quảng bá trong nước và xuất khẩu nhưng không xin phép hay có sự đồng ý của TRT. Do đó, TRT cảnh báo tới các công ty Việt Nam vi phạm bản quyền về sự tôn trọng cần thiết khi sử dụng biểu tượng thương hiệu "Gạo ngon nhất thế giới" trong các bao bì trên thị trường. Đây là hành vi sử dụng bất hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ và các quy định của biểu trưng giải thưởng "Gạo ngon nhất thế giới".

DNTN Hồ Quang Trí là công ty đầu tiên tại Việt Nam được phép sử dụng logo (biểu tượng thương hiệu) giải thưởng "World’s Best Rice"

Theo TRT, người tham gia cuộc thi công nhận rằng họ không có quyền sử dụng thương hiệu cuộc thi nếu không được phép và quốc gia chiến thắng cũng được yêu cầu tuân thủ các cam kết của cuộc thi. Nếu không có giải pháp thích hợp cho hành động này, những tên công ty vi phạm sẽ được công khai. Bởi lẽ, họ làm ảnh hưởng tới định hướng chung của ngành.

"Tổ chức của chúng tôi cân nhắc vấn đề này nghiêm túc đến việc quốc gia có thể mất quyền tham gia cuộc thi này trong những năm tiếp theo", thông cáo viết.

Chia sẻ với báo Người Lao động, bà Phan Mai Hương, đại diện TRT tại Việt Nam, cho biết để được sự cho phép này, DNTN Hồ Quang Trí đã đạt được thỏa thuận với TRT về mức phí sử dụng logo giải thưởng. Phí này được TRT sử dụng cho việc tổ chức cuộc thi và hỗ trợ nghiên cứu phát triển giống lúa. Không tiết lộ số tiền cụ thể nhưng bà Hương cho biết mức phí là 1% doanh thu gạo có sử dụng logo giải thưởng. TRT không phải thu phí từ bây giờ mà truy thu từ lúc DN sử dụng logo của giải thưởng trên bao bì. Điều này có nghĩa DNTN Hồ Quang Trí đã chi ra số tiền không nhỏ do gạo ST25 của đơn vị này rất hút hàng sau khi đoạt giải.

Theo bà Hương, vấn đề bản quyền sử dụng logo giải thưởng không phải mới mà đã có trong quy chế cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới", các cá nhân, tổ chức tham gia đều phải ký cam kết tuân thủ. "Thực tế, đơn vị nào thắng giải cũng có nhu cầu sử dụng logo, hình ảnh cuộc thi để tiếp thị, kinh doanh gạo. Tại Việt Nam, vi phạm mới xảy ra từ năm 2019, khi Việt Nam lần đầu tiên đoạt giải nhất cuộc thi. Trước đó, TRT cũng có cảnh báo một số DN ở Thái Lan do có vi phạm tương tự nhưng không tràn lan như tại Việt Nam" - bà Hương bày tỏ.

Được biết, Giải thưởng “World's Best Rice” (gạo ngon nhất thế giới) là giải thưởng độc quyền được tổ chức hàng năm trong khuôn khổ Hội nghị gạo thế giới liên tục trong 12 năm, do The Rice Trader sáng lập và là chủ sở hữu duy nhất.

Năm 2019, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam giành được giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” với loại gạo ST25 tại Hội nghị gạo thế giới TRT thường niên lần thứ 11 tại Philippines. Giống gạo ST25 do kỹ sư Hồ Quang Cua và cộng sự nghiên cứu phát triển.

Sau khi giành giải thưởng, gạo ST25 đã gây sốt trên thị trường trong nước cũng như quốc tế. Do đó, nhiều đơn vị đã sử dụng biểu trưng giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” in lên bao bì gạo để quảng cáo, tiếp thị mà chưa có sự chấp thuận của The Rice Trader.

Không những vậy, mới đây, gạo ST25 còn bị một số doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ độc quyền tại Mỹ, Australia. Hiện chưa có doanh nghiệp nào được cấp bảo hộ nên "cha đẻ" gạo ST25 đang nỗ lực đăng ký bảo hộ "chính chủ".

Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/vi-pham-ban-quyen-viet-nam-co-nguy-co-mat-quyen-du-thi-gao-ngon-nhat-the-gioi-d99723.html

Bạn đang đọc bài viết Vi phạm bản quyền, Việt Nam có nguy cơ mất quyền dự thi 'Gạo ngon nhất thế giới' tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp