Apple bị phạt gần 1 tỷ USD do vi phạm bản quyền
Tháng 1/2020, một bồi thẩm đoàn ở thành phố Los Angeles đã yêu cầu Apple bồi thường 837,7 triệu USD vì vi phạm bằng sáng chế liên quan đến công nghệ wifi thuộc sở hữu của Viện Công nghệ California (Caltech). Ngoài ra, bồi thẩm đoàn cũng yêu cầu nhà sản xuất chất bán dẫn và cũng là nhà cung cấp linh kiện cho Apple, Broadcom số tiền 270,2 triệu USD.
Tổng cộng 2 đại gia công nghệ này sẽ phải nộp phạt số tiền 1,1 tỷ USD. Đây được xem là một trong những án phạt lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ mà một bồi thẩm đoàn đưa ra liên quan tới vi phạm bằng sáng chế.
Apple phải trả 503 triệu USD trong vụ kiện bản quyền công nghệ mạng riêng ảo
Tháng 11/2020, một bồi thẩm đoàn ở bang Texas (Mỹ) cũng đã ra phán quyết hãng Apple phải trả 503 triệu USD vì vi phạm bản quyền công nghệ mạng riêng ảo (VPN) của công ty an ninh phần mềm VirnetX có trụ sở tại bang Nevada.
Cuộc chiến pháp lý giữa Apple và VirnetX liên quan đến an ninh truyền dữ liệu trong các thiết bị như iPhone, iPad và iPod Touch.
Trong đơn kiện, VirnetX cho rằng chức năng VPN On Demand của Apple sử dụng công nghệ được cấp bằng sáng chế của VirnetX.
VirnetX bắt đầu kiện Apple từ năm 2010, cáo buộc hãng này vi phạm 4 bằng sáng chế. Năm 2012, tòa sơ thẩm phán quyết Apple phải bồi thường cho VirnetX 368,2 triệu USD. Tuy nhiên, phán quyết sơ thẩm đã bị tòa án liên bang Mỹ bác bỏ vì lý do số tiền bồi thường chưa hợp lý, cần tính toán lại.
Tháng 2/2016, số tiền bồi thường đã được tăng lên 625,6 triệu USD - mức đòi bồi thường lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ về vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, con số này một lần nữa không được tòa án liên bang chấp nhận.
Trong phiên xét xử tháng 10/2016, tòa đã phán quyết mức phạt là 302,4 triệu USD.
Apple phải bồi thường bản quyền hơn 506 triệu USD vì vi phạm bằng sáng chế LTE
Theo phán quyết của tòa án tại Texas, Apple đã phải trả 506 triệu USD vì vi phạm các bằng sáng chế do PanOptis và các công ty liên quan nắm giữ. Đáng chú ý, đây là phiên tòa xét xử bồi thẩm đoàn trực tiếp đầu tiên về các bằng sáng chế kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.
Vụ kiện tập trung vào một số bằng sáng chế Optis Wireless, tất cả đều liên quan đến việc sử dụng công nghệ di động LTE trong iPhone, Apple Watch và iPad. Trong quá trình thử nghiệm, Apple đã nhằm chứng minh rằng họ không vi phạm công nghệ trong bằng sáng chế để truy cập mạng LTE.
Một trong những lập luận quan trọng của Apple là bạn có thể nhìn vào “ruột” của iPhone để biết rằng nó không vi phạm các bằng sáng chế được đề cập. “Táo khuyết” đã lập luận rằng khả năng tương thích của iPhone với LTE – giống như các điện thoại thông minh khác trên thị trường – không phải là bằng chứng vi phạm.
Optis Wireless thì cho rằng Apple đã vi phạm bằng sáng chế của mình và từ chối tham gia thỏa thuận cấp phép. Optis Wireless lập luận rằng họ đã cung cấp cho Apple “giấy phép toàn cầu” để sử dụng các bằng sáng chế tiêu chuẩn thiết yếu liên quan đến LTE. Theo công ty, điều này tuân thủ các nghĩa vụ “Công bằng, Hợp lý và Không Phân biệt đối xử”. Optis Wireless lập luận rằng họ đã “nhiều lần” đàm phán với Apple về một thỏa thuận, nhưng các cuộc đàm phán không thành công.
Bất chấp lập luận của Apple, bồi thẩm đoàn cho rằng công ty đã không chứng minh được các lập luận của Optis Wireless là thiếu căn cú. Do đó, Apple phải trả 506.200.000 USD cho Optis Wireless và các công ty liên quan.
Siri bị tố xâm phạm bản quyền sáng chế, Apple đối mặt án phạt 1,5 tỷ USD?
Tháng 8/2020, Xiaoi Robot (Công ty TNHH Công nghệ Mạng thông minh Zhizhen) đã chính thức đệ đơn lên Tòa án Nhân dân Thượng Hải, yêu cầu ngăn chặn vi phạm bằng sáng chế của Siri (trợ lý thông minh), yêu cầu Apple dừng sản xuất, sử dụng, buôn bán và nhập khẩu các sản phẩm vi phạm bằng sáng chế phát minh số hiệu ZL200410053749.9. Đồng thời, hãng này cũng yêu cầu bồi thường với số tiền lên đến 10 tỷ NDT (khoảng 1,5 tỷ USD).
Zhizhen Intelligence cho biết, Xiaoi Robot là chủ sở hữu (tại Trung Quốc) của bằng sáng chế ZL200410053749.9 (một hệ thống robot trò chuyện), có hiệu lực từ năm 2004 và được ủy quyền vào năm 2009.
Bằng sáng chế này là một trong những bằng sáng chế cơ bản của robot thông minh, có thể tương tác giữa người và máy tính. Nó có quyền sở hữu trí tuệ hoàn toàn độc lập. Có thể ra lệnh cho robot hoàn thành các nhiệm vụ hoặc thực hiện các cuộc hội thoại.
Năm 2011, Apple lần đầu tiên ra mắt Siri, một dịch vụ trợ lý cá nhân thông minh, trên iPhone4S. Sau đó, Siri đã được trang bị trong toàn bộ các dòng sản phẩm như iPhone, iPad, iTouch, MacBook, HomePod… và trở thành sản phẩm tương tác giữa người dùng với thiết bị của Apple.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo