Trong hai ngày 27 và 28/4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ 44. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì kỳ họp.
Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó có đề cập về việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và một số cá nhân liên quan như sau:
Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đã vi phạm Quy chế làm việc và các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, để nội bộ Lãnh đạo Tổng Công ty mất đoàn kết nghiêm trọng; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và trong quản lý, khai thác các tuyến đường cao tốc, gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch VEC (bên trái) |
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Mai Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên và ông Trần Quốc Việt, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy;
Ngoài ra, các ông Trần Văn Tám, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc; ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc và ông Lê Quang Hào, Đảng ủy viên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các lãnh đạo nêu trên đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Tổng Công ty, đến mức phải xem xét kỷ luật.
Những vi phạm nghiêm trọng tại VEC Trước đó nữa, ngày 29/9/2017, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có báo cáo kiểm toán về hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (tính đến ngày 31/3/2017 và các thời kỳ trước, sau có liên quan). Báo cáo chỉ ra nhiều vi phạm, kiến nghị xử lý tài chính hơn 410 tỷ đồng. Điển hình, về quản lý chất lượng công trình, qua kiểm tra thực tế tại hiện trường một số gói thầu 5, A2, A5, KTNN nhận định có hiện tượng đắp đất K95 lẫn đá. Về quản lý chi phí đầu tư, KTNN cho biết có một số sai sót, tồn tại được phát hiện qua kiểm toán với giá trị hơn 375,2 tỷ đồng; trong đó sai khối lượng hơn 57 tỉ đồng, sai đơn giá hơn 294 tỷ đồng và sai khác hơn 23,7 tỷ đồng. Cụ thể: chưa thực hiện việc giảm trừ kết cấu chiếm chỗ trong hạng mục đắp K95 nền đường với giá trị hơn 43 tỷ đồng (gói thầu 1, 2, 4, 5, 6, 7, A2, A3, A4 và A5); nghiệm thu thanh toán khối lượng vượt khối lượng được phê duyệt theo bản vẽ thi công (Km55 - Km56 gói thầu số 7) 482 triệu đồng; Gói thầu A4 nghiệm thu sai khối lượng hạng mục đá hộc xây vữa, hạng mục đào đá... với giá trị hơn 3,3 tỉ đồng; nghiệm thu trùng khối lượng nền đường với trạm thu phí và nhà điều hành của gói thầu số 1 với giá hơn 1 tỷ đồng; Đồng thời, chưa đủ cơ sở xác nhận giá trị nghiệm thu, thanh toán cho lệnh thay đổi (VO) của hạng mục giếng cát D400 theo đơn giá tạm duyệt của các gói thầu 3A, 3B, A3 với tổng giá trị gần 15 tỷ đồng (do định mức giếng D400 chưa được xây dựng và công bố để áp dụng); chưa đủ điều kiện xác nhận khoản sinh hoạt phí của các đơn vị là doanh nghiệp thực hiện rà phá bom mìn với giá trị gần 8,4 tỷ đồng... Ngày 16/3/2020, Bộ Công an đã có văn bản số 893/BAC-C03 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những sai phạm tại VEC liên quan đến việc xây dựng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ngày 27/6, Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án hình sự số 43/CO3 -P13 về tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại VEC và các đơn vị liên quan. Kết quả điều tra cho thấy, có đủ căn cứ xác định quá trình thực hiện dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, mặc dù là công trình trọng điểm quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ ra chủ trương đầu tư, Bộ GTVT ký quyết định đầu tư, có kinh phí rất lớn là 34,5 nghìn tỷ đồng nhưng quá trình thực hiện thi công, tư vấn giám sát, nhà thầu đã không tuân thủ các quy định về pháp luật gây hư hỏng nghiêm trọng. "Tại 7/7 gói thầu thuộc 65km giai đoạn 1 của dự án này phần nền, móng và mặt đường đều không đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đây là nguyên nhân gây hư hỏng công trình, đặc biệt là khi gặp nắng nóng kéo dài hay mưa nắng đột ngột. Đối với các gói thầu thuộc giai đoạn 2 của 74,2km (từ Tp. Tam Kỳ, Quảng Nam đến Quảng Ngãi), dù mới đưa và sử dụng năm 2018 cũng đã xảy ra nhiều điểm hư hỏng", văn bản của Bộ Công an nêu rõ. Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết thêm: "Từ những chứng cứ sai phạm nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an thấy đủ căn cứ xác định công trình xây dựng tại các gói thầu thuộc giai đoạn 1 của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đảm bảo chất lượng do các đơn vị thi công gây ra. Hành vi vi phạm của các đối tượng tại các đơn vị thi công, giám sát, tư vấn giám sát... có đủ dấu hiệu phạm tội về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 298 - Bộ luật Hình sự năm 2015". Trước những sai phạm nêu tại VEC, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 người gồm: Nguyễn Tiến Thành, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Hà Văn Bình, nguyên giám đốc gói thầu số 7, Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Phạm Đình Phú, phó tổng giám đốc Công ty Phương Thành, giám đốc ban điều hành gói thầu số 5 và Nguyễn Thành An, thành viên Cienco 1, phó giám đốc ban điều hành gói thầu số 7. Mở rộng điều tra vụ án, ngày 18/2, Bộ Công an tiếp tục khởi tố bị can, bắt tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét với ông Phan Khánh Toàn (cựu giám đốc gói thầu số 4); Phan Ngọc Thơm (phó giám đốc gói thầu số 2 và 3B); Vũ Như Khuê (cựu giám đốc gói thầu số 1); Quản Trọng Tuấn (cựu giám đốc gói thầu 3B), Nguyễn Quốc Hải (cựu giám đốc gói thầu số 6). |
T.Hà/Sở hữu Trí tuệ