Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Công ty Cổ phần Sông Hồng Thủ Đô: Những điều nên biết (Bài 1)

THEO SỞ HỮU TRÍ TUỆ 07:05 22/12/2020

Năm 2015 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã vào cuộc điều tra và khởi tố 2 vụ án hình sự liên quan 2 dự án BT (xây dựng- chuyển giao) tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo tìm hiểu của PV, hai dự án trọng điểm của tỉnh Vĩnh Phúc là dự án đầu tư xây dựng công trình quảng trường - công viên tỉnh Vĩnh Phúc và dự án công trình cầu - đường từ nút giao thông nhà thi đấu TP Vĩnh Yên vào khu đô thị Nam Vĩnh Yên đều do Công ty cổ phần thương mại Sông Hồng Thủ đô làm chủ đầu tư.

Hai dự án BT bị khởi tố hình sự năm 2015 có liên quan đến Công ty CP thương mại Sông Hồng Thủ Đô

Tháng 10/2012, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Khu Công viên Quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc.

Dự án có tổng mức đầu tư lên tới gần 280 tỷ đồng (dự án thành phần 1 là 105,8 tỷ đồng và dự án thành phần 2 là gần 174,2 tỷ đồng). Khu Công viên Quảng trường của tỉnh này được xây dựng trên quy mô 30ha. Bao gồm nhiều hạng mục: Khu quảng trường phía Bắc với 8,87ha; khu công viên phía Nam với diện tích 17,42ha.

Dự án được chia tách ra thành 2 thành phần để thực hiện và thanh toán theo kiểu 'cuốn chiếu'.

Thành phần 1 của dự án Công viên quảng trường Vĩnh Phúc có tổng mức đầu tư 105,8 tỷ đồng có khối lượng lớn công việc. Tuy nhiên, Công ty cổ phần thương mại sông Hồng Thủ đô thực hiện trong thời gian vỏn vẹn 2 tháng (từ 28/11/2012 đến 28/1/2013) thì Sở Xây dựng Vĩnh Phúc - đại diện tỉnh Vĩnh Phúc và một số cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành nghiệm thu, thanh toán cho nhà đầu tư.

Tháng 2/2013, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt khối lượng hoàn thành mới đạt trên 74,9 tỷ đồng, tức là chưa đạt khối lượng với tổng mức đầu tư của dự án thành phần 1 là trên 105,8 tỷ đồng.

Còn dự án cầu-đường từ nút giao thông nhà thi đấu TP Vĩnh Yên vào khu đô thị Nam Vĩnh Yên nằm trong quần thể hạ tầng dự án khu đô thị Nam Vĩnh Yên do công ty cổ phần thương mại sông Hồng Thủ đô làm chủ đầu tư.

Từ năm 2010, dự án này đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết nguồn vốn đầu tư bằng hình thức đổi đất lấy hạ tầng, tức nguồn vốn xây dựng công trình này đã được Sở Tài chính Vĩnh Phúc tính toán vào số tiền sử dụng đất chủ đầu tư khu đô thị Nam Vĩnh Yên phải nộp.

Thế nhưng, năm 2012, Sở Tài chính Vĩnh Phúc với tư cách là cơ quan đề nghị lại trình UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt chính con đường này bằng tiền ngân sách.

Sau đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý và triển khai con đường này (lần 2) bằng dự án BT, lấy tiền từ ngân sách để thanh toán và đã thanh toán tổng số tiền hơn 45 tỷ đồng cho nhà đầu tư.

Như vậy, chỉ với một dự án cầu-đường từ nút giao thông nhà thi đấu TP Vĩnh Yên vào khu đô thị Nam Vĩnh Yên, ở các thời điểm khác nhau, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định cả nguồn vốn theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng và cả chi ngân sách hơn 45 tỷ đồng trả cho nhà đầu tư, tức thanh toán tiền đầu tư hai lần.

Năm 2017, Ủy ban kiểm tra trung ương thông báo nội dung kỳ họp thứ 19. Theo đó, qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban thường vụ tỉnh ủy Vĩnh Phúc, cơ quan kiểm tra đã chỉ ra nhiều vi phạm, khuyết điểm của tổ chức này trong nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020.

Các vi phạm, khuyết điểm khác của Ban thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc được chỉ ra là: Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương đối với một số dự án sử dụng đất không đúng quy định pháp luật, không phù hợp quy hoạch; giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Ban thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc còn buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm đối với một số dự án, công trình trọng điểm, gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.

Hồ sơ vụ việc còn cho thấy, theo quy định pháp luật, dự án thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) chỉ được Nhà nước thanh toán sau khi hoàn thành, được nghiệm thu, bàn giao. Thế nhưng, tại tỉnh Vĩnh Phúc, doanh nghiệp thực hiện dự án BT được phép rút tiền mỗi khi cần vốn.

Ngay từ đầu năm 2013, chỉ vài tháng sau khi khởi công dự án, Công ty cổ phần Sông Hồng Thủ Đô đã được Sở Xây dựng Vĩnh Phúc (chủ đầu tư), Kho bạc Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc và ban ngành chức năng “tạo điều kiện” cho thanh toán hàng chục tỉ đồng để thực hiện dự án mà không phải bỏ tiền túi ra làm như theo quy định về thực hiện hợp đồng dự án BT.

Sau khi vụ án được khởi tố đến nay, được biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo tính toán lại, hợp thức bằng việc truy thu số tiền sử dụng đất của dự án Sông Hồng Thủ Đô.

Tại thời điểm năm 2017: UBND tỉnh đã có quyết định truy thu 15 tỷ đồng theo quyết định số 2744/QĐ-UBND ngày 25/8/2016, song phần chênh lệch đến nay toàn bộ phần chênh lệch giữa 45 tỷ đồng và 15 tỷ đồng chưa được làm rõ và không được nhắc đến. Lúc đó Sở Tài nguyên và Môi trường – cơ quan vừa kiểm tra, tính toán lại và đề xuất truy thu 15 tỷ đồng lại có văn bản đề nghị UBND tỉnh tính toán lại và truy thu đúng bằng số tiền đã cấp nhầm lần 2 là 45,468 tỷ đồng.

Trong quyết toán của dự án Khu đô thị Nam Vĩnh Yên cũng có con đường tại Quyết định số 2183/QĐ-UB ngày 6/8/2010 và tại Quyết định số 94/QĐ-CT, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký phê duyệt quyết toán con đường này với tổng số tiền 45,468 tỷ đồng. Thật lạ là cả hai quyết định, ký ở hai thời điểm khác nhau nhưng cùng một nhà thầu, cùng một chủ đầu tư, cùng một nội dung với 2 số tiền, cả hai đều có khoản mục chi phí bằng ngân sách cho con đường này thì quả là vô lý.

Được biết, vụ án trên xuất phát từ việc cơ quan cảnh sát điều tra nhận được đơn tố cáo của cán bộ, nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó có đơn của ông Nguyễn Văn Tôn, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc về những sai phạm xảy ra trong việc phê duyệt, thi công một số dự án BT (Xây dựng – Chuyển giao) tại tỉnh Vĩnh Phúc gồm Dự án xây dựng khu quảng trường, công viên tỉnh Vĩnh Phúc và Dự án cầu – đường từ nút giao thông nhà thi đấu TP Vĩnh Yên vào khu đô thị Nam Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, được xây dựng từ năm 2011-2013 bằng vốn ngân sách của tỉnh. Qua điều tra, cơ quan công an đã xác minh một số nội dung vi phạm.

Cụ thể, tại Dự án BT xây dựng khu quảng trường, công viên tỉnh Vĩnh Phúc, một số cá nhân và tổ chức đã tiến hành nghiệm thu, bàn giao công trình, đưa vào sử dụng và thanh, quyết toán trái với quy định tại Thông từ 166 năm 2011 của Bộ Tài chính về quyết toán giá trị công trình dự án thực hiện theo hình thức BT. Tại dự án cầu – đường từ nút giao thông nhà thi đấu TP Vĩnh Yên vào khu đô thị Nam Vĩnh Yên, cơ quan điều tra xác định dự án này cùng chung một dự án BT nhưng một số cá nhân và tổ chức đã tiến hành cho nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng và thanh quyết toán trái với quy định tại thông tư 166.

Công trình này còn không thực hiện đúng các quy định về đầu tư theo hình thức BT, trái với quy định tại thông tư 03 năm 2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn thực hiện Nghị định 108 năm 2009 của Chính phủ. Cơ quan điều tra xác định những sai phạm này có dấu hiệu của tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” nên đã khởi tố vụ án để điều tra.

Cuối năm 2019: Nhiều thông tin phản ánh về việc tòa nhà Minh Quân Building xây dựng trái phép, vượt mặt cơ quan chức năng gây bức xúc trong dư luận.

Tòa nhà này nằm trong khu đô thị Nam Đầm Vạc, tọa lạc tại cửa ngõ phía Nam của Đầm Vạc, thành phố Vĩnh Yên bao gồm khu vui chơi giải trí, công viên, hồ nước, sân golf... Đặc biệt, khu đô thị này xây dựng nhiều hạng mục như khách sạn 5 sao, bến du thuyền, chung cư, nhà phố thương mại. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần thương mại Sông Hồng Thủ Đô.

Trong đó, nhà phố thương mại sở hữu diện tích 124m2, được cấp phép xây dựng từ 4 - 4,5 tầng. Tuy nhiên, tòa nhà Minh Quân Building trong khu đô thị Nam Đầm Vạc đã xây trái phép vượt thành 7 tầng.

Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Huy – Chủ tịch UBND phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: “Về thông tin vụ việc tòa nhà Minh Quân Building xây dựng sai phép, vượt tầng thì phía chính quyền sở tại đã nắm bắt được thông tin rồi. Việc này, chúng tôi đã cử các cán bộ chuyên môn xuống hiện trường tìm hiểu và ghi nhận vụ việc”.

“Tuy nhiên, nhiều lần phía chính quyền có gọi chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thương mại Sông Hồng Thủ Đô lên để làm việc thì không nhận được sự hợp tác từ họ”, ông Huy cho biết thêm.

Liên quan đến vụ việc, trả lời trên An ninh tiền tệ thời điểm đó, ông Tạ Đức Cường – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Sông Hồng Thủ Đô thẳng thắn trao đổi: “Tòa nhà Minh Quân Building xây dựng là 7 tầng, vượt 2 tầng theo quy định. Về việc này, chúng tôi đã có tờ trình gửi sang Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc xin phép điều chỉnh quy hoạch và ý kiến thẩm định từ phía Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt”.

Như vậy, những sai phạm nghiêm trọng của Công ty Cổ phần Thương mại Sông Hồng Thủ Đô thể hiện sự coi thường pháp luật hay chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đang buông lỏng công tác quản lý , tiếp tay cho sai phạm có hệ thống?

Điều đáng nói là sau những vụ bê bối lùm xùm này, dư luận đến nay vẫn hoài nghi vì sao sai phạm nghiêm trọng đến như vậy như Công ty cổ phần thương mại sông Hồng Thủ đô vẫn không hề bị xử lý trong câu chuyện trách nhiệm có liên quan?

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Công an nói gì về những sai phạm ở các dự án của doanh nghiệp này? Chúng tôi tiếp tục thông tin ở kỳ sau.

Hoàng Như - Thanh Phong (TH)

Link gốc : https:sohuutritue.net.vn/cong-ty-co-phan-song-hong-thu-do-nhung-dieu-nen-biet-bai-1-d86508.html"

Bạn đang đọc bài viết Công ty Cổ phần Sông Hồng Thủ Đô: Những điều nên biết (Bài 1) tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp
Doanh nhân Thái Hương được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đó là sự tưởng thưởng xứng đáng dành cho bà vì những đóng góp của bà đối với ngành nông nghiệp và đất nước.