MWG vẫn khá thận trọng trong việc phát triển mảng kinh doanh ngành thuốc
Đầu năm 2018, Thế giới Di động mua 49% cổ phần Công ty Cổ phần Bán lẻ An Khang, doanh nghiệp sở hữu chuỗi nhà thuốc cùng tên. Đây là công ty liên kết duy nhất của tập đoàn này. Thế nhưng không như mong đợi, sau hơn 2 năm về chung nhà, MWG hiện ghi nhận hơn 8 tỷ thua lỗ tại chuỗi An Khang.
Đây là phần lỗ tương ứng với 49% cổ phần mà MWG nắm giữ, như vậy tổng lỗ của An Khang từ khi MWG chính thức ghi nhận là công ty liên kết vào khoảng hơn 16 tỷ đồng.
Đánh tiếng thâu tóm chuỗi nhà thuốc An Khang từ năm 2017 – khi thị trường ngành cốt lõi (điện thoại, điện máy) bắt đầu bước sang giai đoạn bão hoà, tuy nhiên nhận định thị trường chưa đến thời điểm chín mùi, sau đó MWG chỉ dừng lại đầu tư liên kết với tỷ lệ sở hữu 49% cổ phần. Theo báo cáo, MWG chi hơn 62 tỷ đồng cho thương vụ này.
Có thể thấy mức lỗ không lớn, cho thấy MWG vẫn khá thận trọng trong việc phát triển mảng kinh doanh mới này. "Thị trường dược phẩm tại Việt Nam vẫn còn rất phức tạp. Vì vậy, MWG vẫn giữ một chân trong thị trường này để tìm hiểu chứ chưa có ý định phát triển mạnh trong thời gian gần", ông Nguyễn Đức Tài nói tại buổi chia sẻ đầu năm 2018.
Một lý do khác khiến MWG không vội vã đầu tư ngành dược bởi quy mô bán lẻ vẫn nhỏ, bằng khoảng một nửa so với ngành động. Theo Hãng nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI), quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam có giá trị 5,3 tỷ USD. Trong đó, bệnh viện chiếm tới 70% thị phần, chỉ 30% còn lại là dành cho các nhà thuốc bán lẻ, tương đương 1,6 tỷ USD trong khi cả nước có khoảng 57.000 nhà thuốc và quầy thuốc.
Đến nay, thị trường bán lẻ dược phẩm tại nước ta theo đánh giá đang rất phân mảnh. Với thu nhập trung bình và nhận thức về sức khỏe đang ngày càng tăng, người dân có xu hướng lựa chọn các nhà thuốc hiện đại, có thương hiệu, đạt tiêu chuẩn GPP (thực hành tốt quản lý nhà thuốc), thay vì các nhà thuốc nhỏ, không đủ tiêu chuẩn.
Quá trình chuyển dịch này đang được đẩy nhanh một phần nhờ vào các chính sách của Chính phủ nhằm kiểm soát thị trường bán lẻ dược phẩm thông qua nhà thuốc (Thông tư số 02/2018/TT-BYT quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc).
Một cổ đông đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo Thế giới Di động liệu doanh nghiệp có tính đến việc thoái vốn tại An Khang khi chuỗi nhà thuốc này hoạt động chưa hiệu quả. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tài khẳng định Thế giới Di động không phải là tổ chức tài chính để mua các công ty khác rồi bán kiếm lời.
Vì sao kết hợp chuỗi nhà thuốc An Khang bên cạnh Bách Hoá Xanh?
Trong lần trao đổi mới nhất, ông Trần Kinh Doanh cho biết đang kết hợp chuỗi nhà thuốc An Khang bên cạnh Bách Hoá Xanh. Bởi, chuỗi bán lẻ thực phẩm đang có lợi thế lớn với lượng khách hàng ổn định nên có thể kết hợp với các chuỗi khác.
Ghi nhận, lượng khách hàng tham quan (traffic) trung bình tại 1.600 cửa hàng Bách Hoá Xanh hiện khoảng 450-500 traffic/shop. Công ty cũng đang xây dựng các mẫu cửa hàng mới có thể đạt 1.000-1.500 traffic/ngày. Giá trị các đơn hàng hiện khoảng 100.000 đồng/hóa đơn.
Công ty đang có thử nghiệm các cửa hàng có doanh thu 5 tỷ đồng/tháng với diện tích được nới rộng lên thì lên 450-550m2, danh mục hàng hóa đa dạng với 5.500-6.000 sản phẩm, bao gồm thực phẩm thiết yếu và tươi sống. Lượng khách đang ổn định với khoảng 1.000 khách và doanh thu 100-150 triệu đồng/ngày.
Theo kế hoạch, MWG đang bố trí diện tích 20-30 m2 cho nhà thuốc và ngay lập tức có lượng khách tốt 100-150 hóa đơn/ngày và doanh thu khoảng 200-300 triệu đồng/tháng. Dự kiến, với các cửa hàng Bách Hoá Xanh lưu lượng khách lớn 1.000 người/ngày có thể triển khai đặt nhà thuốc An Khang là 100 người.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ