Ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group, Chủ nhiệm CLB Địa ốc Saigon Times |
Tối ưu sản phẩm bằng giá trị cốt lõi của doanh nghiệp
Trong bối cảnh hầu hết doanh nghiệp bất động sản rút lui khỏi phân khúc căn hộ bình dân vì tỷ suất lợi nhuận thấp, đâu là cơ sở để Phú Đông Group - một doanh nghiệp trẻ, lại khá tự tin tham gia phát triển sản phẩm này?
- Ông NGÔ QUANG PHÚC: Nhiều người nghĩ Phú Đông Group là nhà phát triển bất động sản mới ở thị trường Bình Dương, tuy nhiên, chúng tôi có truyền thống lâu năm về ngành xây dựng. Hệ thống Phú Đông Group sở hữu 14 công ty, trong đó có đến 10 công ty chuyên xây dựng nhà cao tầng, hạ tầng có kinh nghiệm hàng chục năm. Đó là cơ sở bước đầu để Phú Đông chủ động cân đối giá thành xây dựng, hướng đến việc đưa ra một mức giá tốt cho người có thu nhập trung bình. Quỹ đất của chúng tôi cũng phù hợp để phát triển những dự án như vậy.
Một lý do khác là sau nhiều năm quan sát thị trường, chúng tôi nhận thấy sản phẩm dành cho người có nhu cầu ở thực, nhất là người mua nhà lần đầu tiên, ở trong độ tuổi 25-35 đang thiếu. Do đó, chiến lược của Phú Đông là dành 80% nguồn lực của mình để đầu tư vào sản phẩm ở phân khúc dưới 2 tỉ đồng, 20% còn lại sẽ dành cho những dự án đẹp ở trung tâm. Một năm, doanh nghiệp có thể cung cấp ra thị trường khoảng 500 căn hộ nhưng mục tiêu của chúng tôi là làm dự án nào phải tốt dự án đó.
Việc chiếm lĩnh thị trường vẫn chưa tính đến, trước mắt doanh nghiệp chỉ tập trung vào thiết kế sản phẩm sao cho tối ưu được giá trị cho khách hàng và tạo được sự khác biệt để cạnh tranh.
Có nền tảng về xây dựng nhưng khi bắt tay phát triển một dự án hoàn chỉnh từ đầu đến cuối không phải là điều đơn giản. Phú Đông đã thực hiện dự án đầu tiên như thế nào?
- Sau một thời gian dài thi công, chúng tôi nhìn rõ được các yếu tố liên quan của hai mảng xây dựng và phát triển dự án. Năm 2011, chúng tôi bắt tay vào phát triển dự án bất động sản đầu tiên. Ban đầu, chúng tôi hợp tác với Him Lam cho dự án đầu tay Him Lam - Phú Đông để tận dụng được lợi thế của cả hai bên. Him Lam có công nghệ về phát triển dự án và bán hàng, trong khi đó Phú Đông có công nghệ xây dựng và quỹ đất.
Sau bốn năm làm các thủ tục pháp lý và thi công, dự án hoàn thành vào năm 2015 và ngay lập tức trở thành một điểm sáng trong khu vực. Đó là một điều may mắn, cũng là một điểm tích cực trong tư duy chiến lược của chúng tôi là hướng đến phân khúc nhà ở cho người trẻ.
Tuy nhiên, thực tế việc phát triển sản phẩm nhà giá thấp có thể nói rất khó khăn. Làm cách nào để Phú Đông cân đối chi phí?
- Phát triển phân khúc nhà ở dưới 2 tỉ đồng có thể nói khó khăn hơn nhiều các phân khúc khác bởi chi phí về quỹ đất, xây dựng và pháp lý luôn là thách thức lớn. Chúng tôi đã có sẵn thế mạnh về xây dựng rồi nên tập trung tối ưu lĩnh vực này trong quá trình phát triển dự án. Lợi thế của Phú Đông là đã thi công rất nhiều công trình cho đối tác nên chúng tôi hiểu rõ làm thế nào để xây dựng được một dự án chất lượng với giá cả hợp lý.
Dự án của chúng tôi rất ít căn hộ trên 70 mét vuông mà đa phần có diện tích 60 mét vuông để khách hàng có mức chi trả phù hợp. Chúng tôi cũng không chọn làm dự án ở vị trí trung tâm mà chỉ ở rìa, nhưng vị trí rìa này lại rất thuận tiện để kết nối giao thông. Trong dự án sẽ đầu tư tiện ích tối đa để khách hàng chấp nhận về ở… Một chủ đầu tư thành công phải có ba điều kiện là phải bán được hàng, sản phẩm phải được gia tăng giá trị theo thời gian và khách hàng thụ hưởng phải tự hào về sản phẩm đó.
Kinh doanh từ trong lòng khách hàng
Trên thị trường hiếm có sản phẩm nào “ngon - bổ - rẻ”. Sản phẩm của Phú Đông có thể nói đã đáp ứng tiêu chí thứ ba là rẻ, hai tiêu chí còn lại thì sao?
- Với ngân sách hữu hạn từ 1 đến 2 tỉ đồng mà tạo ra một căn nhà tối ưu hóa được tất cả các giá trị thì cực kỳ khó. Bài toán “ngon - bổ - rẻ” nghe có vẻ là bất hợp lý nhưng chúng tôi phải giải quyết được thì mới tạo ra giá trị khác biệt và cạnh tranh. Chúng tôi luôn đặt mình vào vị trí của khách hàng để đưa ra những sản phẩm vừa với nhu cầu của họ nhất.
Có thể nói khách hàng là trung tâm chuỗi giá trị của chúng tôi. Với bản năng của một đơn vị xây dựng thì việc chỉn chu trong thiết kế sẽ cụ thể hóa được nhu cầu này. Căn hộ của Phú Đông chỉ rộng 60 mét vuông nhưng không bao giờ làm một nhà vệ sinh; với mức giá thấp chúng tôi lại không làm nhà một phòng ngủ. Chúng tôi thấu hiểu được nhu cầu của người trẻ khi lập gia đình rằng việc cân đối tài chính để tìm được ngôi nhà đáp ứng các tiêu chí sinh hoạt cơ bản là rất khó.
Vì vậy, chủ đầu tư phải tính toán giúp họ bằng việc thiết kế hợp lý để thỏa các tiêu chí đưa ra mà giá cả vừa vặn với thu nhập của khách hàng. Chúng tôi làm sản phẩm giá hợp lý chứ không phải giá rẻ. Do đó, doanh nghiệp đặt tiêu chí cho công tác thiết kế là phải chuẩn dịch vụ cao cấp với đầy đủ các tiện ích như hồ bơi, trường học, siêu thị, sân chơi…
Đó là những tiện ích bắt buộc phải có. Người trẻ có ít thời gian rảnh rỗi nên cần phải có những tiện ích trên để đáp ứng nhu cầu giải trí, thư giãn, hay mua sắm một cách nhanh chóng nhất. Đây là giá trị khác biệt mà Phú Đông lấy làm lợi thế trong phân khúc này.
Nói vậy nghĩa là doanh nghiệp chấp nhận cắt giảm lợi nhuận để đưa ra sản phẩm vừa ý khách hàng?
- Không còn cách nào khác, làm phân khúc này chủ đầu tư đòi hỏi phải hy sinh lợi nhuận, không phải toàn bộ nhưng hy sinh tỷ suất cao để đáp ứng được toàn bộ nhu cầu của khách hàng. Bởi việc cắt giảm quá nhiều giá trị sản phẩm sẽ không thể làm hài lòng khách hàng; chủ đầu tư chỉ thiệt hại nhiều hơn ở các dự án sau.
Quan điểm của chúng tôi là tạo ra chuỗi giá trị tốt cho khách hàng, đồng thời nâng cao chuỗi giá trị kinh doanh của chủ đầu tư. Chúng tôi chia sẻ lợi ích của mình cho khách hàng nên khách hàng sở hữu dự án của chúng tôi đã có biên lợi nhuận rất lớn. Phú Đông không xây dựng chiến lược phủ thị trường bằng dự án mà kinh doanh từ trong lòng khách hàng để hướng đến những chuỗi giá trị thật.
Hướng tới giá trị thật để giảm thiểu rủi ro
Nhưng thị trường không phải lúc nào cũng thuận lợi như vậy, chẳng hạn như giai đoạn từ đầu năm đến nay thị trường rơi vào trầm lắng vì dịch bệnh. Phú Đông đối mặt với những khó khăn này ra sao?
- Khi thị trường gặp bất lợi, sức khỏe của doanh nghiệp sẽ bộc lộ rõ. Những doanh nghiệp có sức đề kháng tốt, có chiến lược định hướng lâu dài bền vững sẽ dễ dàng vượt qua giai đoạn khó khăn. Phú Đông may mắn là khi xây dựng chiến lược đã định hướng phân khúc dành cho người ở thật là chủ đạo nên cũng hạn chế được phần nào tác động. Tuy nhiên, việc thoát hoàn toàn khỏi khó khăn thì không thể. Chúng tôi vẫn bị động về công tác xây dựng, về nguyên vật liệu khi các thị trường nhập khẩu bị phong tỏa làm cho các công tác nghiệm thu bị trễ.
Để vượt qua giai đoạn này, ngoài may mắn thì câu chuyện về quản trị rủi ro, tích lũy tiềm lực tài chính là rất quan trọng. Các kịch bản xấu nhất phải được xây dựng để doanh nghiệp xoay chuyển linh hoạt với các biến động bất ngờ của thị trường lẫn nền kinh tế. Nếu muốn có đề kháng tốt, doanh nghiệp phải hướng đến giá trị thực để phát triển và cần phải duy trì điều này trong dài hạn.
Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có tiềm lực để chống đỡ với những tác động khách quan như vừa rồi. Với cương vị là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Địa ốc Saigon Times, theo ông, đâu là phương hướng kinh doanh tối ưu để các doanh nghiệp thành viên có thể nhanh chóng trở lại đường đua?
- Khó khăn ở giai đoạn này là có nhưng việc sụp đổ như chu kỳ khủng hoảng trước là không thể xảy ra. Lý do là việc phát triển bất động sản trong giai đoạn này đã hướng đến giá trị thực nhiều hơn, đòn bẩy tài chính ít đi, cơ chế chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn. Nhưng để khởi động kinh doanh thuận lợi sau dịch, các doanh nghiệp cần phải liên kết để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh. Đó là yếu tố cần thiết để câu lạc bộ định hướng cho thành viên.
Trong nội bộ câu lạc bộ, chúng tôi đã cùng ngồi lại để thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn khách quan này. Thông qua việc tổ chức các tọa đàm, hội thảo… các doanh nghiệp đã có sự kết nối tích cực và chủ động hơn. Đặc biệt, qua kết nối khi sinh hoạt câu lạc bộ, một số doanh nghiệp đã tìm thấy cơ hội hợp tác kinh doanh cùng nhau.
Theo Tài chính Doanh nghiệp