Quỹ đầu tư cơ hội PVI, quỹ đóng thuộc Công ty Quản lý quỹ PVI – PVIAM vừa thông báo đã hoàn tất mua vào 4,2 triệu cổ phiếu VCP của CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển năng lượng Vinaconex (Vinaconex Power, mã: VCP).
Có thể thấy, từ đầu năm 2017 đến giữa tháng 6/2019, giá cổ phiếu VCP có xu hướng tăng từ 20.000 đồng/cổ phiếu lên 40.000 đồng/cổ phiếu, sau đó đi ngang dưới ngưỡng này. Đến đầu tháng 11, cổ phiếu VCP bắt đầu bật tăng, 2 tuần qua tăng trên 60%.
Đáng chú ý, phiên ngày 7/11 có khối lượng giao dịch thỏa thuận hơn 4,2 triệu đơn vị, giá trị hơn 170 tỷ đồng.
Giao dịch này trùng hợp với thông báo sau đó của Quỹ đầu tư cơ hội PVI, quỹ đóng thuộc Công ty Quản lý quỹ PVI, về việc hoàn tất mua vào 4,2 triệu cổ phiếu VCP với giá bình quân 40.074 đồng/cổ phiếu.
Thời điểm đó, VCP được giao dịch theo phương thức khớp lệnh với giá 51.000 đồng/cổ phiếu.
Sau thương vụ này, Quỹ đầu tư cơ hội PVI trở thành cổ đông lớn tại VCP với tỷ lệ sở hữu 7,37%. Ngoài quỹ này, cơ cấu cổ đông của Vinaconex Power còn 4 cổ đông lớn khác gồm Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – mã VCG) với 23,35% vốn, CTCP Đầu tư VSD với 10,91% vốn, CTCP Đầu tư Châu Á Thống Nhất với 10% vốn và Tổng Công ty Sông Đà – CTCP với 7,08% vốn.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Mundus Stones vừa mua 613.840 cổ phiếu, nâng khối lượng nắm giữ lên 2.943.914 đơn vị và trở thành cổ đông lớn của VCP từ ngày 8/11, với tỷ lệ sở hữu 5,16%.
Nhày máy thủy điện Cửa Đáy thuộc Vinaconex Power |
Trong một diễn biến khác, trên Bizlive cho hay, HĐQT Vinaconex Power mới đây đã thống nhất lấy ý kiến ĐHĐCĐ bằng văn bản về việc điều chỉnh kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2019. Cụ thể, kế hoạch doanh thu điều chỉnh giảm gần 33% so với kế hoạch trước đó, xuống còn 411,2 tỷ đồng trong khi kế hoạch lãi sau thuế cũng điều chỉnh giảm 11,6% còn 218,97 tỷ đồng.
Giải thích về việc điều chỉnh kế hoạch này, Vinaconex Power cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 gặp khó khăn chủ yếu do điều kiện thủy văn không thuận lợi cho công tác phát điện, nguồn thu chính của công ty.
Bên cạnh đó, dù điều chỉnh giảm các chỉ tiêu kinh doanh chính nhưng Vinaconex Power hiện chưa có kế hoạch điều chỉnh tỷ lệ cổ tức và giữ ở mức 30 – 35% đã được thông qua trước.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Bảo Long, Phó Tổng giám đốc thường trực VCP cho biết, giá cổ phiếu là do nhà đầu tư đánh giá và giao dịch, bản thân Công ty chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh và công bố thông tin đầy đủ, kịp thời theo quy định.
Theo VCP, việc nâng cao chất lượng công bố thông tin và minh bạch có những giá trị nhất định trong việc góp phần làm tăng giá cổ phiếu của Công ty trên sàn giao dịch.
Trên thị trường, nhà đầu tư liên tưởng tới kịch bản đã từng diễn ra ở cổ phiếu VCR, khi nhóm Vinaconex gia tăng sự hiện diện, giá cổ phiếu lập tức tăng tới 6 lần, dù Chủ tịch Vinaconex khẳng định, Tổng công ty không dùng bất cứ biện pháp kỹ thuật nào để đẩy giá cổ phiếu tăng. Sau đó, VCR lại giảm giá mạnh, chỉ còn 1/2 so với mức đỉnh.
Trên Trí thức trẻ cho hay, POF là quỹ thành viên dạng đóng đầu tiên của PVI AM, thực hiện đầu tư với mục tiêu tối ưu hóa cơ hội đầu tư tăng trưởng cao từ thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Quỹ POF huy động vốn từ các công ty trong hệ thống PVI và các doanh nghiệp khác với vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng. Trước đó, POF chưa sở hữu cổ phần tại Vinaconex Power.
Không chỉ POF, mới đây Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Mundus Stones cũng vừa tăng sở hữu tại VCP lên 5,16%, chính thức trở thành cổ đông lớn từ ngày 8/11/2019.
Động thái tăng sở hữu diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu VCP liên tục tăng điểm, hiện giao dịch tại mức 65.000 đồng/cp – tức tăng gần 2 lần thị giá chỉ sau khoảng 1 tháng.
T.Hà (TH)/Sở hữu Trí tuệ