Như vậy, Đường Quảng Ngãi đã chi gần 180 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.
Chi khoảng 357 tỷ đồng cho đợt tạm ứng đợt 2
Ngày 21/2 tới đây, CTCP Đường Quảng Ngãi (mã QNS) sẽ chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức đợt 2/2019 bằng tiền tỷ lệ 10% (01 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng). Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 5/3/2020.
Với 357 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Đường Quảng Ngãi dự kiến sẽ chi khoảng 357 tỷ đồng cho đợt tạm ứng lần này. Trước đó vào tháng 9/2019, công ty cũng đã chi 179 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt 1/2019 với tỉ lệ 5% bằng tiền. Như vậy, tính cả đợt cổ tức này, cổ đông của Đường Quảng Ngãi đã nhận được tổng mức cổ tức 15% bằng tiền cho năm 2019.
Song song với kế hoạch trả cổ tức, Đường Quảng Ngãi cũng sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 dự kiến vào 28/3. Ngày đăng ký cuối cùng để tham dự cuộc họp này là 27/2/2020.
Về kết quả kinh doanh, Đường Quảng Ngãi kết thúc năm 2019 với 7.723 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.280 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 4% và tăng 3% so với năm trước. Trong đó, mảng sữa đậu nành tiếp tục là thế mạnh chính, mang về 4.266 tỷ đồng doanh thu và lãi gộp đạt 1.847 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp lên tới 43%.
Năm 2020, Đường Quảng Ngãi tiếp tục “truyền thống" lên kế hoạch kinh doanh thấp với doanh thu dự kiến đạt 8.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 913 tỷ đồng, tương đương 71% kết quả đạt được năm 2019.
Bên cạnh đó, công ty cũng điều chỉnh dự án đầu tư dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE với việc rót thêm 124 tỷ đồng để bổ sung hạng mục xây dựng cụm kho chứa đường thành phẩm; điều chỉnh diện tích đất sử dụng từ 5.000m2 lên gần 60.000 m2…
Trước đó, ngày 3/9, CTCP Đường Quảng Ngãi chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 1/2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%, tương ứng 1 cổ phiếu sẽ được nhận 500 đồng.
Mảng đường cạnh tranh mạnh
Giai đoạn trước, Đường Quảng Ngãi không đẩy mạnh mảng bán lẻ đường, sản phẩm chủ yếu phục vụ cho sản xuất nội bộ. Chính vì vậy, Công ty giảm thiểu được việc cạnh tranh trực tiếp với các công ty mía đường lớn khác như SBT, Đường Lam Sơn và đường thô giá rẻ nhập khẩu theo đường tiểu ngạch vào Việt Nam, đường lậu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, với việc nâng công suất Nhà máy đường An Khê lên 18.000 tấn mía/ngày từ đầu năm 2018, Đường Quảng Ngãi đóng góp 14,3% (tương đương 211.000 tấn) sản lượng đường sản xuất trong nước và Công ty đang hướng tới việc phát triển kênh bán lẻ đường có thương hiệu. Và bài toán “đau đầu” thứ hai mà Công ty phải giải là xây dựng thương hiệu và quản lý chuỗi cung ứng đường trong một “đại dương đỏ”, với sự cạnh tranh khốc liệt.
Tới đây, khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực (đầu năm 2020), các rào cản thuế quan bị dỡ bỏ, cạnh tranh trên ngành đường sẽ diễn ra không chỉ đối với phân khúc sản phẩm đường thô, mà trên “toàn mặt trận” đường trắng RS và đường tinh luyện RE. Hiện giá vốn sản xuất đường của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cao hơn giá bán đường Thái Lan, giá xuất khẩu của quốc gia này xếp vào hàng thấp nhất thế giới.
Trong khi đó, cũng như các doanh nghiệp trong ngành, Đường Quảng Ngãi sẽ phải đối mặt với khó khăn chung là sức mạnh đàm phán đầu ra từ công ty đa quốc gia cho tới các hộ tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ không cao, vì họ có nhiều sự lựa chọn. Ở đầu vào thì sự gắn kết giữa các hộ nông dân trồng mía còn thấp, chất lượng mía không đồng đều.
Mộc Diệp (T.h)/ Sở hữu trí tuệ