Đeo bám xuất khẩu
Gần đây nhất, ngày 9/10/2019, tỉnh Lào Cai đã có Công văn số 4753/UBND-KT gửi Bộ Công thương đề nghị cho phép Công ty TNHH MTV Tố Như (Công ty Tố Như) được xuất khẩu 180.000 tấn quặng sắt (quy khô) có nguồn gốc mua từ mỏ sắt Quý Xa của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM).
Lý do để xuất khẩu số quặng này được ông Lê Ngọc Hưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đưa ra là “nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, bổ sung nguồn kinh phí để tái đầu tư sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn và tăng thu ngân sách”.
Theo giải thích của UBND tỉnh Lào Cai, vào tháng 7/2019, Công ty Tố Như đã được Bộ Công thương cho phép mua 180.000 tấn quặng sắt có nguồn gốc từ mỏ Quý Xa của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung.
Sau đó, ngày 9/10/2019, Công ty Tố Như đã ký Hợp đồng mua bán quặng sắt số 01-2019/QS-VTM-TN để mua 216.000 tấn quặng sắt Quý Sa của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung.
Công ty Tố Như đã chào bán sản phẩm đến các đơn vị luyện gang thép trong nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, các đơn vị trong nước không có nhu cầu mua sản phẩm quặng sắt nói trên.
Thật bất ngờ, đúng ngày hợp đồng mua quặng sắt trên được ký kết (ngày 9/10/2019), thì tỉnh Lào Cai có văn bản đề nghị Bộ Công thương cho xuất khẩu quặng sắt.
Đáng nói là, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, không chỉ có Công ty Tố Như xin xuất khẩu quặng sắt có nguồn gốc từ mỏ Quý Xa.
Trước đó, tháng 2 - 3/2019, Công ty TNHH Xây dựng Lan Anh, CTCP Khai khoáng Minh Đức và Công ty TNHH Hoàng Lan đã lần lượt đề nghị Bộ Công thương cho phép xuất khẩu quặng sắt limonit có nguồn gốc từ mỏ Quý Xa, đã được mua của VTM năm 2018, nhưng không tiêu thụ được trong nước, với khối lượng 340.000 tấn.
Chảy máu tài nguyên
Trong khi các doanh nghiệp tại Lào Cai đua nhau xin xuất khẩu quặng sắt khai thác được từ mỏ Quý Xa sang Trung Quốc, thì các doanh nghiệp sản xuất gang thép trong nước lại đang “đau đầu” tìm nguồn nguyên liệu quặng phục vụ chế biến sâu.
Tháng 7/2019, các doanh nghiệp chuyện sản xuất các sản phẩm thép từ nguyên liệu quặng sắt trong nước gồm Công ty cổ phần Thép Hoà Phát Hải Dương, Công ty cổ phần Gang Thép Cao Bằng, Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang đã cùng ký tên đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương không cấp phép xuất khẩu quặng sắt và ưu tiên dành cho chế biến sâu trong nước theo định hướng tại Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 2427/QĐ-TTg ngày 22/12/2011 phê duyệt Chiến lược Khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Theo thống kê, nhu cầu quặng sắt của 3 đơn vị sản xuất trong nước nói trên là 10,950 triệu tấn mỗi năm. Như vậy, nếu so với số lượng quặng sắt mà Công ty Tố Nhu đang xin xuất khẩu là 180.000 tấn hay của các doanh nghiệp khác ở Lào Cai đã xin xuất khẩu trước đó là 340.000 tấn, thì nhu cầu mua quặng tại nội địa lớn gấp cả chục lần.
Từ thực tế đó, các doanh nghiệp trong nước đang sản xuất thép từ quặng phải đề nghị Thủ tướng và Bộ Công thương giới thiệu cho những đơn vị có nhu cầu xuất khẩu/bán quặng sắt và cam kết mua hết theo giá thị trường.
Ai hưởng lợi?
Chuyện xin xuất khẩu quặng sắt có nguồn gốc khai thác từ mỏ Quý Xa của các doanh nghiệp đóng tại Lào Cai hiện nay với sự ủng hộ của UBND tỉnh này thông qua các văn bản gửi Bộ Công thương, không chỉ làm chảy máu, thất thoát tài nguyên của đất nước, mà còn khiến doanh nghiệp sản xuất thép nội khó khăn hơn khi phải trông cậy vào quặng nhập khẩu.
Nói về tình trạng xin xuất khẩu quặng sắt Quý Xa mua của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện nay, ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, ngoài thỏa thuận cho xuất khẩu một phần quặng sắt để đổi lấy than phục vụ sản xuất thép của VTM trước đây, thì việc các công ty khác xin xuất khẩu quặng có nguồn gốc từ Quý Xa là làm chảy máu tài nguyên, không gia tăng được giá trị của tài nguyên tại Việt Nam và cần phải chấm dứt ngay vì tài nguyên quặng sắt của Việt Nam không dồi dào.
“Việt Nam hiện có nhiều doanh nghiệp sản xuất thép từ quặng sắt với quy mô lớn, nên không lý gì cho xuất khẩu quặng thô, mà chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc. Đó là chưa kể, có thể tái diễn tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu quặng sắt kê khai giá xuất khẩu thấp hơn so với giá thực nhập vào các quốc gia khác, dẫn đến thất thu thuế cho Nhà nước như đã từng xảy ra hồi năm 2011-2013”, ông Cường nói.
Tình trạng xuất khẩu quặng sắt tại Việt Nam sang Trung Quốc diễn ra ồ ạt giai đoạn 2011 - 2012, khi ông Cường làm Chủ tịch VSA. VSA đã phải báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về thực tế chênh lệch khá lớn trong số liệu của Hải quan Trung Quốc và thống kê của Việt Nam về khối lượng cũng như giá quặng sắt Việt Nam xuất sang Trung Quốc.
Chỉ tính riêng hai năm 2011 - 2012, Việt Nam thất thu khoảng 1.700 tỷ đồng thuế mỗi năm do không kiểm soát được hết số lượng quặng sắt thực xuất khẩu. Bên cạnh đó, với việc kê giá thấp cho số lượng quặng sắt có khai báo, riêng năm 2011, Việt Nam thất thu gần 600 tỷ đồng tiền thuế. Nguồn: “Báo cáo về việc xuất khẩu quặng sắt sang Trung Quốc” của Hiệp hội Thép Việt Nam. |
Theo Thanh Hương/Báo Đầu Tư