Sau hơn 18 tháng triển khai xây dựng, mới đây, Công ty TNHH UP Hà Tĩnh đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất, chế tạo, gia công, lắp đặt các sản phẩm cơ khí, chế tạo máy. Đây được đánh giá là dự án có ý nghĩa về nhiều mặt, trong đó việc doanh nghiệp này tạo ra các sản phẩm cơ khí, chế tạo máy sẽ giúp nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tại khu kinh tế Vũng Áng có thể hợp tác sửa chữa, lắp đặt, thay thế các thiết bị máy móc bị hư hỏng trong quá trình vận hành.
Khu kinh tế Vũng Áng thu hút nhiều dự án phụ trợ, hậu thép. |
Ông Giang Thanh Hy, Giám đốc xưởng - Công ty TNHH UP Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi chuyên về sản xuất, chế tạo, gia công, lắp đặt các sản phẩm tấm thép chịu mài mòn, thiết bị luyện kim, bảo dưỡng và phục hồi các loại con lăn. Đây sẽ là một trong các dự án công nghiệp phụ trợ, sản xuất những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng có thể cung cấp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động tại đây. Chúng tôi hy vọng thời gian tới có thể mở rộng thị trường ra toàn Việt Nam”.
Dự án của Formosa Hà Tĩnh khi đi vào hoạt động ổn định đã tạo sức hút mạnh mẽ đối với nhiều doanh nghiêp, nhà đầu tư trên các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hậu thép. Việc phát triển song song giữa các doanh nghiệp, sẽ tạo thuận lợi cho tất cả các bên và tạo thế đứng vững chắc lâu dài cho các doanh nghiệp.
Ngoài Công ty TNHH UP Hà Tĩnh, hiện có một số doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Kỳ Anh chuyên cung cấp đá vôi cho Formosa Hà Tĩnh để luyện cốc, trong đó phải kể đến Công ty Đại Phúc, Công ty Phong Thanh Bảo (thị xã Kỳ Anh). Mỗi tháng 2 đơn vị này cung cấp 90.000 tấn đá vôi, chiếm 2/4 khối lượng đá vôi cung cấp cho Formosa, với doanh thu mỗi tháng trên 200 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
Tiến sỹ Trần Mạnh Hùng, nguyên Phó trưởng khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh Trường Đại học Hà Tĩnh cho rằng: “Formosa Hà Tĩnh muốn phát triển nhanh và bền vững thì ngoài năng lực sản xuất của bản thân họ còn phải có các đối tác cung ứng đầu vào đảm bảo chất lượng, ổn định, chi phí thấp, kịp thời. Ngoài ra, họ cần có đối tác sử dụng các sản phẩm đầu ra của mình để tạo thành chuỗi liên kết. Vì vậy, việc hình thành các nhà máy cung ứng, các dịch vụ phụ trợ sau thép tại khu kinh tế Vũng Áng là hết sức cần thiết”.
Đến thời điểm này, trên địa bàn khu kinh tế Vũng Áng có 137 doanh nghiệp được cấp phép đầu tư, với số vốn đăng ký trên 12 tỷ USD và trên 50.000 tỷ đồng. Trong đó, các dự án về cảng biển, điện năng, luyện thép, hậu thép, công nghiệp phụ trợ đang đóng vai trò chủ công, chiếm trên 2/3 tổng số doanh nghiệp đầu tư vào khu kinh tế trong thời gian qua.
Hiện nhiều sản phẩm về thép, hậu thép, sản phẩm công nghiệp phụ trợ của các doanh nghiệp trong khu kinh tế Vũng Áng đang nhận được sự quan tâm, hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Dương Tất Thắng cho rằng: “Nếu ngành sản xuất sau thép phát triển thì sẽ kéo theo các doanh nghiệp phụ trợ khác tham gia phát triển như: Thương mại, dịch vụ cho quá trình vận chuyển, đóng gói, cảng biển, logistics… Đây là một lĩnh vực mà tỉnh phải ưu tiên, trên cơ sở tiếp tục nhìn nhận vai trò trọng tâm là Formosa và kết nối với các dịch vụ phụ trợ phục vụ sản xuất thép, sau thép, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất tại khu kinh tế Vũng Áng”.
Việc hình thành, phát triển các doanh nghiệp quanh trục xoay luyện thép, hậu thép, công nghiệp phụ trợ, đang tạo ra sự sôi động trong hoạt động của khu kinh tế Vũng Áng. Và đây cũng được xác định là hạt nhân quan trọng của khu kinh tế, từ đó đẩy mạnh phát triển cảng biển, logistics, điện năng và nhiều ngành nghề khác, đưa khu kinh tế Vũng Áng phát triển ngày càng sôi động và trở thành đầu tàu kinh tế của Hà Tĩnh.
Theo Anh Bình/VietNamFinance.