Hà Nội, Thứ Ba Ngày 23/04/2024

Hà Nội thí điểm phát triển kinh tế ban đêm tại quận Hoàn Kiếm

DTVN 14:09 09/09/2020

Ngày 9/9, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho hay "đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế đêm" đang được quận lấy ý kiến các đơn vị liên quan.

Theo đề án, các hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận được tổ chức không giới hạn thời gian hoạt động vào tất cả các ngày trong tuần; riêng hoạt động ngoài trời và các điểm di tích, di sản phục vụ du lịch sẽ hoạt động đến 24h00.

Không gian đi bộ trong khu phố cổ, không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng - Gầm Cầu được tổ chức đồng bộ với thời gian diễn ra phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Hiện không gian đi bộ Hồ Gươm duy trì hoạt động từ 19h00 thứ Sáu đến 24h00 Chủ nhật hàng tuần.

Hoạt động kinh tế đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực văn hóa, vui chơi, giải trí, ăn uống; mua sắm; chăm sóc sức khỏe; du lịch; vận chuyển và các hoạt động tài chính, ngân hàng bổ trợ cho kinh tế đêm.

Quận đã lên kế hoạch phát triển, hoàn thiện hạ tầng và chương trình văn hóa, triển khai lễ hội đường phố lớn, tổ chức các hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch xung quanh Hồ Gươm và phụ cận; tổ chức không gian đi bộ Phùng Hưng - Gầm Cầu.

Khu vực Đồng Xuân - Bắc Qua sẽ phát triển lĩnh vực ẩm thực gắn với thương hiệu văn hóa của chợ Đồng Xuân. Tuyến phố thương mại, du lịch Hàng Đào - Hàng Giấy sẽ quy hoạch, sắp xếp lại theo hướng hiện đại, gắn với đặc điểm lịch sử, văn hóa của từng tuyến phố. Trong đó, tuyến phố Đồng Xuân - Hàng Giấy khai thác chức năng tuyến phố ẩm thực cùng các hoạt động khác bổ trợ cho khu vực chợ Đồng Xuân.

Tuyến phố Hàng Khay - Tràng Tiền đến Nhà hát Lớn được định hướng phát triển thành phố đi bộ kết hợp trung tâm thương mại; xây dựng phương án vận hành, khai thác, sử dụng phố Tràng Tiền 1 và Tràng Tiền 2 (đoạn Ngô Quyền cắt giữa) thành tuyến phố trình diễn nghệ thuật, thời trang (có thể mở rộng ra phố Đinh Lễ - Nguyễn Xí, Lê Thái Tổ, Lý Thái Tổ)...

Theo ông Phó Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, sau khi được thành phố phê duyệt, đề án sẽ được triển khai theo hai giai đoạn, giai đoạn 1 triển khai trong một năm, trong đó sẽ mở rộng thêm việc kinh doanh, phố đi bộ ở một số tuyến phố. Giai đoạn 2 sau khi hoàn thiện giai đoạn 1 sẽ phát triển trong toàn quận.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cũng cho rằng, quận tăng cường xây dựng cải tạo cảnh quan môi trường, lắp đặt thêm hệ thống chiếu sáng, nhà vệ sinh công cộng, thùng rác tại các tuyến phố, điểm tham quan du lịch…

Đồng thời, quận phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền về sản phẩm du lịch đặc thù của quận cũng như hoạt động phát triển kinh tế ban đêm một cách bài bản.

Kinh tế ban đêm đã hình thành tại quận Hoàn Kiếm từ nhiều năm nay, diễn ra dưới các hình thức như: Không gian đi bộ, chợ đêm, các tuyến phố ẩm thực, cửa hàng tiện lợi, quán café, quán bar, vũ trường, karaoke và các sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật, giải trí trong nhà và ngoài đường phố,… vào ban đêm.

Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế ban đêm còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa mang tính bền vững, chất lượng chưa cao. Đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức liên quan tới vấn đề an ninh trật tự.

Những năm gần đây, số lượng du khách quốc tế lưu trú trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tăng nhanh. Đơn cử, năm 2016 đạt 1,4 triệu lượt, năm 2017 đạt 1,8 triệu lượt, năm 2018 đạt 2,1 triệu lượt, năm 2019 đạt 2,35 triệu lượt khách du lịch.

Do đó, lãnh đạo quận xác định, việc đa dạng các sản phẩm dịch vụ du lịch ban đêm sẽ tạo cơ hội cho du khách có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, góp phần tăng thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách.

Hà Linh (T/H)/Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/ha-noi-thi-diem-phat-trien-kinh-te-ban-dem-tai-quan-hoan-kiem-d82145.html

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội thí điểm phát triển kinh tế ban đêm tại quận Hoàn Kiếm tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương