Mới đây người đứng đầu Hoàng Anh Gia Lai đã công bố thông qua việc thoái hết số vốn còn lại tại dự án Khu phức hợp Myanmar - dự án quy mô lớn cuối cùng của HAGL.
Cụ thể, trong nghị quyết Hội đồng quản trị CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã chứng khoán HAG), Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cho biết đã hoàn tất việc chuyển nhượng số vốn còn lại trong mảng bất động sản cho Đại Quang Minh, công ty con của CTCP Ôtô Trường Hải (Thaco).
Theo đó, HAGL sẽ chuyển nhượng 196,4 triệu cổ phần tương đương 47,93% vốn điều lệ tại CTCP Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh (HAGL Land) cho đối tác. HĐQT ủy quyền cho Tổng giám đốc Võ Trường Sơn đại diện công ty ký kết, chuyển giao và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan.
HAGL Land là một trong 3 công ty liên kết được thể hiện trên BCTC hợp nhất đã soát xét giữa niên độ năm 2019 của HAGL, đây là doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Tổng giá trị đầu tư vào đơn vị này ghi nhận trên BCTC hợp nhất nửa đầu năm 2019 của HAGL là gần 2.530 tỷ đồng.
Mặc dù là một dự án rất lớn với tổng mức đầu tư lên tới 440 triệu USD, tuy nhiên, thông tin rút khỏi dự án bất động sản trên "đất vàng" Yangon của bầu Đức lại không làm giới đầu tư phải quá bất ngờ, bởi tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 của HAG, bầu Đức đã thông báo sẽ rút lui hoàn toàn khỏi mảng bất động sản trong năm nay và cho biết sẽ quyết tâm theo đuổi hệ sinh thái nông nghiệp bằng mọi giá.
Như vậy, đây sẽ là công ty thứ tư được nhóm công ty Bầu Đức thoái vốn tính từ đầu năm 2019. Trước đó, HAGL Agrico (công ty do HAG nắm 49,24% vốn) đã chuyển nhượng cổ phần các công ty gồm: Công ty TNHH MTV Cao su Trung Nguyên, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển cao su Đông Dương và Công ty TNHH Đông Pênh. Bên nhận chuyển nhượng 3 đơn vị này là Thadi – công ty con của Thaco.
Với việc quyết liệt tinh giản hệ thống các công ty con, giới đầu tư kỳ vọng nhóm công ty của Bầu Đức (HAG và HNG) có thể “gọn nhẹ” bộ máy, tập trung hoạt động trong mảng kinh doanh được công ty coi là cốt lõi hiện nay là hệ sinh thái nông nghiệp.
Ông Đoàn Nguyên Đức. |
Dốc toàn lực cho cây ăn trái
Khởi nguồn từ một doanh nghiệp tư nhân sản xuất đồ gỗ, HAG bắt đầu đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh từ năm 2002 với mảng cao su, tài chính, bóng đá và đặc biệt là bất động sản.
Và từ một “ông kẹ” trong mảng bất động sản, những năm gần đây HAGL đã đầu tư mở rộng nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau như: Khai khoáng, thủy điện, bất động sản, bò sữa, bò thịt, cao su, mía đường, dầu cọ, chanh leo...
Tuy nhiên, quá trình mở rộng kinh doanh đa ngành này của HAGL diễn ra quá nhanh so với khả năng quản trị, nợ vay dàn trải và một số mảng gặp khó khăn, đơn cử như khai khoáng, thủy điện,….HAG đã nhanh chóng rơi vào khó khăn buộc công ty này phải bán mảng mía đường cho tập đoàn Thành Thành Công đồng thời mảng thủy điện cũng được sang tay cho Bitexco.
Dù đã bán “con” rồi, nhưng Tập đoàn này vẫn phải loay hoay đi tìm mảng kinh doanh trọng tâm.
Trong giai đoạn từ năm 2012 – 2016, HAGL mỗi năm lại có một mảng kinh doanh “mũi nhọn” bao gồm mía đường, buôn bán căn hộ, khi lại là mảng bán bò.
Năm 2017, bầu Đức lại đưa ra hướng đi mới với lĩnh vực trái cây. Ông nói, "Còn gì nguồn lực trong nhà, còn tất cả sự sống còn, đất đai còn lại, đồng tiền cuối cùng tập trung cho cây ăn trái". Nhiều người không tin tưởng quyết định của ông Bầu CLB Hoàng Anh Gia Lai, đặc biệt khi nhìn lại giai đoạn trước đó (2012 – 2016). Tuy nhiên, Tập đoàn đã đeo đuổi mảng kinh doanh này hơn 2 năm rưỡi.
Hiện tại, riêng lĩnh vực nông nghiệp, HAGL có đến 23 công ty con. Công ty này cũng xác định hoạt động chính trong kỳ là trồng và kinh doanh cao su, cọ dầu và các loại cây ăn quả.
Trong năm 2019, công ty đặt ra tham vọng về mảng kinh doanh chủ lực là cây ăn trái sẽ mang lại doanh thu 4.401 tỷ đồng, chiếm khoảng 86% trong cơ cấu doanh thu của HAGL. Tuy vậy, thực tế cho thấy, mảng kinh doanh này vẫn chưa đáp ứng như kỳ vọng của cổ đông HAG.
Theo đó, kết quả kinh doanh nửa đầu năm cho thấy, trái cây, mảng kinh doanh cốt lõi của HAGL chỉ đạt doanh thu 607 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 1.419 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu bán ớt cũng đạt 39 tỷ đồng, giảm 91,3% so với mức 452 tỷ đồng nửa đầu năm 2018.
Với kết quả thu về như hiện nay thì để có thể hoàn thành được tham vọng đã đề ra trong năm đối với mảng chủ lực hệ sinh thái nông nghiệp, bầu Đức và các lãnh đạo HAG còn phải nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới.
Theo Nhà đầu tư