Lãi đột biến nhờ chuyển nhượng nhà máy
CTCP Thaiholdings (mã chứng khoán: THD) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 với doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu quý I/2021 đạt 1.087 tỉ đồng, gấp 6,7 lần doanh thu đạt được quý I/2020. Nhờ khoản thu nhập khác 573 tỉ đồng, trong đó hơn 571 tỉ đồng đến từ việc chuyển nhượng Dự án nhà máy xi măng Minh Tâm mà Thaiholdings báo lãi trước thuế 486 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 367,6 tỉ đồng, gấp 40 lần lợi nhuận đạt được quý I/2020.
Thương vụ chuyển nhượng Dự án nhà máy xi măng Minh Tâm của Thaiholdings thu về hơn 571 tỉ đồng. Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính èo uột, chi phí tài chính chủ yếu là chi phí lãi vay đạt mức gần 89 tỉ đồng trong khi quý I/2020 chưa đến 1 tỉ đồng, cộng thêm chi phí quản lý doanh nghiệp cán mốc 64 tỉ đồng - tăng mạnh so với mức hơn 2 tỉ đồng ghi nhận vào quý I/2020 đã khiến Thaiholdings lỗ thuần hơn 81 tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh trong quý I/2021, trong khi cùng kỳ vẫn lãi 11,6 tỉ đồng.
Thân thế bên nhận chuyển nhượng có bóng dáng của Thaiholdings?
Được biết, Dự án nhà máy xi măng Minh Tâm có công suất 4,5 triệu tấn/năm ở Bình Phước của CTCP Tập đoàn Thaigroup (công ty con do Thaiholdings nắm 81,6% vốn) được chuyển nhượng cho CTCP Xi măng Xuân Thành Bình Phước – doanh nghiệp chưa đầy hai tháng tuổi, thành lập ngày 10/3/2021 với vốn điều lệ ban đầu là 800 tỉ đồng.
Theo đó, CTCP Xi măng Xuân Thành Bình Phước do ông Nguyễn Văn Trụ (1975) làm người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc. Trụ sở công ty đặt tại tổ 4, ấp 4, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước với tổng số 2.000 lao động, hoạt động với ngành nghề chính là sản xuất xi măng.
Về cơ cấu cổ đông, hiện CTCP Xuân Thành Khánh Hoà nắm 22% vốn của CTCP Xi măng Xuân Thành Bình Phước, CTCP Điện Mặt trời Thành Vinh sở hữu 8%, danh tính sở hữu 70% vốn sở hữu còn lại được doanh nghiệp giữ kín.
Tuy nhiên, tính tới tháng 7/2017, CTCP Xuân Thành Khánh Hoà do ba cá nhân nắm cổ phần. Đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc của doanh nghiệp này là ông Vũ Quang Bắc (1982), quê Ninh Bình, người làm đại diện pháp luật của loạt doanh nghiệp "họ Xuân Thành".
Cần lưu ý, thương hiệu Xi măng Xuân Thành của CTCP Xi măng Xuân Thành nằm trong hệ sinh thái của Xuân Thành Group. Trong đó, ông Nguyễn Xuân Thuỷ (1988), em trai ông Nguyễn Đức Thuỵ ("bầu" Thuỵ) đang là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật của CTCP Xi măng Xuân Thành. Còn doanh nghiệp họ “Xuân Thành” vốn gắn liền với ông Nguyễn Xuân Thành (1950), Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật CTCP Tập đoàn Kinh tế Xuân Thành.
Ông Nguyễn Xuân Thành là bố của ông Nguyễn Đức Thuỵ - Cựu Chủ tịch Thaiholdings kiêm Chủ tịch Thaigroup; Ông Nguyễn Văn Thuyết – Thành viên HĐQT Thaiholdings; Ông Nguyễn Xuân Thủy - Chủ tịch CTCP Xi măng Xuân Thành.
Ông Nguyễn Đức Thụy, thành viên HĐQT LienVietPostBank vừa được bầu làm Phó chủ tịch HĐQT của ngân hàng. |
Trở lại với cơ cấu của bên nhận chuyển nhượng nhà máy xi măng Minh Tâm, CTCP Điện Mặt trời Thành Vinh – doanh nghiệp nắm 8% cổ phần CTCP Xi măng Xuân Thành Bình Phước cũng có liên quan mật thiết với Thaiholdings và Thaigroup thông qua doanh nghiệp thuộc họ “Cường Thịnh Thi”. Cụ thể, CTCP Điện Mặt trời Thành Vinh do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Đức An và CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi (Công ty Cường Thịnh Thi) nắm lần lượt 30% và 40% vốn.
Hiện, Thaiholdings đang nắm 19,5% tỷ lệ có quyền biểu quyết tại Công ty Cường Thịnh Thi và 15,91% tỷ lệ lợi ích tại đây. Bên cạnh đó, Thaiholdings cũng đang muốn nâng sở hữu tại Cường Thịnh Thi thêm 17,6% thông qua kế hoạch chi 350 tỉ đồng. Nguồn tiền nâng sở hữu lấy từ kế hoạch phát hành 330 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thường niên tới đây.
Còn Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Đức An do hai cá nhân sở hữu là ông Vũ Mạnh Trường và bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt. Trong đó, Vũ Mạnh Trường từng là người đại diện pháp luật của một doanh nghiệp có cũng thuộc họ "Cường Thịnh Thi" là Công ty TNHH Cường Thịnh Thi Tây Bắc (đã dừng hoạt động).
Những mắt xích trên đã phần nào phác họa lên hình bóng của Thaiholdings và các doanh nghiệp vệ tinh trong hệ sinh thái của gia đình “bầu Thụy” đứng đằng sau công ty mua lại Dự án nhà máy xi măng Minh Tâm. Công thức “lọt sàng xuống nia” có vẻ khá hợp lý khi ngành xi măng vẫn có triển vọng phục hồi tích cực trong năm 2021.
Còn chưa kể, thông tin công khai trên báo chí cho thấy dự án Nhà máy Xi Măng Minh Tâm khởi công xây dựng ngày 2/1/2016, có diện tích 400 ha, tổng mức đầu tư 12.000 tỉ đồng, thi công trong thời gian 24 tháng. Trong đó giai đoạn I: 2,6 triệu tấn xi măng/năm, mức đầu tư 6.795 tỉ đồng. Vậy con số thu về 571 tỉ đồng từ chuyển nhượng dự án thực chất có được coi là lời lãi?
Báo cáo "Triển vọng ngành Xi măng năm 2021: Triển vọng nhu cầu trong nước phục hồi tích cực, nhưng kênh xuất khẩu có thể chững lại" của SSI Research cho thấy, về triển vọng ngành trong năm 2021 thì nhu cầu trong nước phục hồi nhưng xuất khẩu có thể chững lại. Nhìn lại năm 2020, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng và clinker trong 11 tháng 2020 ước tính đạt 91,5 triệu tấn, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhờ thị trường Trung Quốc. Sản lượng xi măng xuất khẩu trong 11 tháng 2020 tăng trưởng mạnh +15% so với cùng kỳ… |
Doanh nghiệp “chuyên” ghi nhận lãi đột biến từ hoạt động chuyển nhượng
Được biết, ngày 19/6/2020, hơn 53,9 triệu cổ phiếu THD của CTCP Thaiholdings chính thức chào sàn HNX với giá tham chiếu 15.000 đồng/cp. Kết thúc phiên giao dịch chiều ngày 7/5/2021, THD giữ mức giá tham chiếu 188.000 đồng/cp, so với thời điểm mới chào sàn đã tăng gấp 12,5 lần.
Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu THD tăng mạnh cũng nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng. Cụ thể, Thaiholdings đạt 1.820 tỉ đồng doanh thu trong năm 2020, tăng 140% so với năm 2019. Tuy nhiên, đáng chú ý là lợi nhuận khủng đến từ khoản thu nhập khác hơn 1.200 tỉ đồng dẫn đến lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt 1.093 tỉ đồng, gấp 23 lần so với lợi nhuận đạt được năm 2019. Trong đó riêng quý 4/2020 đã lãi sau thuế hơn 1.000 tỉ đồng.
Cụ thể, khoản thu nhập khác đến từ việc CTCP Thaiholdings thực hiện việc bán Nhà máy xi măng Thạch Mỹ cho Công ty TNHH MTV Xi Măng Quảng Nam vào tháng 12/2020, khiến lợi nhuận sau thuế trên Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 tăng trên 10% so với số liệu cùng kỳ trên Báo cáo tài chính năm 2019.
Trong quý I/2021, thay vì lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 81 tỉ đồng, Thaiholdings đã gỡ “bàn thua trông thấy” bằng hoạt động chuyển nhượng Dự án nhà máy xi măng Minh Tâm, làm lợi nhuận sau thuế tăng gấp 40 lần lợi nhuận đạt được quý I/2020.
Thaiholdings lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 81 tỉ đồng, ghi nhận thu nhập khác 573 tỉ đồng (từ chuyển nhượng dự án nhà máy xi măng Minh Tâm). Nguồn: Thaiholdings. |
Được biết, HĐQT Thaiholdings đã thông qua phương án chuyển nhượng dự án sản xuất phân bón DAP số 3 tỉnh Lào Cai và quyền liên quan đến các mỏ thuộc ThaiGroup. Giá chuyển nhượng không thấp hơn 400 tỉ đồng, thời gian chuyển nhượng dự kiến trong quý 3/2021. Như vậy, trong thời gian tới, lợi nhuận “đột biến” của THD vẫn sẽ đến từ khoản thu nhập khác.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích chứng khoán, việc tăng doanh thu, lợi nhuận nhờ thu nhập khác được đánh giá là hoạt động chỉ mang tính chất thời điểm, không bền vững và không phản ánh hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.
Với hàng loạt động thái chuyển nhượng dự án, cũng có đồn đoán cho rằng đây là bước đệm để Thaiholdings có cơ hội tham gia vào các dự án bất động sản tầm cỡ bởi ngay trung tuần tháng 1/2021, Thaiholdings cho biết đã nhận được bản Hợp đồng dịch vụ kỹ thuật của The Shilla của Tập đoàn Samsung gửi đến về việc hợp tác xây dựng Khu phức hợp cao cấp trên khu "đất vàng" khách sạn Kim Liên tại số 5 - 7 Đào Duy Anh (quận Đống Đa, TP Hà Nội).
Henry Kissinger, nguyên Cố vấn An ninh quốc gia (1969 - 1975) và là Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ (1973 - 1977) đã từng cảnh báo “thế giới sẽ thay đổi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19”. Ông Ryan Hass - Chủ tịch Hội đồng Quan hệ quốc tế (Mỹ) cũng cho rằng đại dịch đang tạo ra bước ngoặt trong lịch sử đương đại, có tác động đẩy nhanh thời kỳ quá độ hướng tới trật tự thế giới mới. Tại Việt Nam, nhiều khả năng cho thấy các doanh nghiệp lớn nhỏ đều đang tận dụng cơ hội từ dịch bệnh để chuẩn bị kỹ càng cho việc thiết lập lại vị trí mới trên thị trường. Nếu chỉ quan tâm về bất động sản, hơn một năm qua, dịch bệnh đã làm thị trường chững lại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và giới chủ trong ngành nhận định đây là cơ hội sàng lọc, định vị lại các doanh nghiệp trong ngành bất động sản một cách rõ nét.
Minh Anh/Sở Hữu Trí Tuệ