Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Bị chỉ đích danh cho vay lãi cao, VietABank kinh doanh ra sao trong quý I/2023?

DTVN 16:35 17/05/2023

Tại hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023 do NHNN tổ chức chiều 25/4, Phó thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu lãnh đạo các ngân hàng như VietABank, Nam A Bank...

Lợi nhuận tại ngân hàng VietABank lao dốc trong quý 1

Trong quý 1/2023, thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của Viet A Bank tăng 77%, đạt gần 446 tỷ đồng.

Hoạt động dịch vụ là một trong 2 nguồn thu phi tín dụng tăng trưởng của Ngân hàng khi thu được khoản lãi hơn 12 tỷ đồng, tăng 46%, nhờ tăng thu dịch vụ thanh toán. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng lãi hơn 16 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 842 triệu đồng.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ 644 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 4 tỷ đồng, do giảm thu từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ 9 triệu đồng, cùng kỳ lỗ đến 263 triệu đồng.

Hơn nữa, chi phí hoạt động tăng 26%, ghi nhận hơn 225 tỷ đồng, do tăng chi phí cho nhân viên và chi về tài sản.

Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý 1/2023 giảm 19% còn gần 275 tỷ đồng.

Trong quý này, trích hơn 30 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập 1,47 tỷ đồng. Do đó, VietABank ghi nhận lãi sau thuế giảm đến 35%, thu về hơn 219 tỷ đồng.

Tại hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023 do NHNN tổ chức chiều 25/4, vấn đề lãi vay cao trở thành vấn đề "nóng" được Phó thống đốc Đào Minh Tú đưa ra.

Cụ thể, ông cho rằng dù đã liên tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhưng vẫn còn nhiều đơn vị đưa ra lãi suất cho vay rất cao. Theo đó, lãi suất cho vay đầu tháng 4 của nhiều nhà băng vẫn lên tới 13-14%/năm, cá biệt có ngân hàng đưa lãi suất cho vay bình quân lên tới 14,63%/năm.

"Thậm chí, đây mới chỉ là lãi suất cho vay bình quân, như vậy sẽ có những khoản vay phải chịu lãi suất cao hơn", Phó thống đốc nhấn mạnh. Ông yêu cầu lãnh đạo một loạt ngân hàng VietABank, Nam A Bank...giải thích về việc đưa lãi suất cho vay cao.

Trên thực tế, lãi suất huy động tại ngân hàng VietABank luôn duy trì ở mức cao. Chẳng hạn trong tháng 2/2023, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm truyền thống dành cho khách hàng cá nhân dao động trong khoảng từ 6%/năm đến 9,1%/năm và 9,2%/năm đối với lãi suất gửi tiết kiệm online. Đến ngày 6/3, nhà băng này mới có động thái điều chỉnh giảm mạnh tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, mức lãi suất cao nhất là 8,5%/năm và mức lãi suất tiết kiệm online ở mức 9,1%/năm.

Đặc biệt, lãi suất duy trì ở mức cao giúp thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự trong quý 1/2023 tăng tới 72% so với cùng kỳ, đạt hơn 2.100 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là thu nhập lãi tiền gửi tăng đến 93% lên hơn 73 tỷ đồng và thu nhập từ lãi cho vay đạt hơn 1.885 tỷ đồng, tăng đến 77% so với cùng kỳ.

Mức lãi suất huy động ở mức cao là một trong những lý do giúp tiền gửi khách hàng tại VietABank tính đến 31/3/2023 tăng 10% so với đầu năm, từ 70.208 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 77.085 tỷ đồng.

Tuy nhiên, một trong những ‘tác dụng phụ’ khi nâng lãi suất lên mức cao là chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự trong 3 tháng đầu năm tại ngân hàng VietABank tăng tới 70% so với cùng kỳ. Trong đó, trả lãi tiền gửi tăng tới 68% và trả lãi tiền vay tăng gấp 8,3 lần so với cùng kỳ.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, VietABank rơi vào tình trạng tổng tài sản giảm mạnh, lợi nhuận giảm sâu và âm nặng dòng tiền trong khi lãi suất ở mức cao.

Tổng tài sản tại VietABank "bốc hơi" hơn 10.000 tỷ, hàng nghìn tỷ đồng nợ xấu tại VAMC

Tính đến cuối quý 1/2023, tổng tài sản tại VietABank giảm gần 10% so với đầu năm, tương đương giảm 10.356 tỷ đồng, xuống còn 94.791 tỷ đồng.

Trong đó, tiền, vàng gửi tại các Tổ chức tín dụng và cho vay các tổ chức tín dụng giảm 69% so với đầu năm, chỉ còn 6.586 tỷ đồng; Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 12% xuống còn 1.211 tỷ đồng; Tiền mặt, vàng bạc, đá quý cũng giảm 25% so với đầu năm, xuống còn hơn 336 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản nằm ở chứng khoán đầu tư lại đang có xu hướng tăng 12% so với đầu năm, lên hơn 10.086 tỷ đồng.

Đáng chú ý, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh có xu hướng âm nặng hơn. Tính đến cuối quý 1/2023, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 14. 959 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2022 chỉ âm 9.136 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm hơn 17,5 tỷ đồng. Do đó, dòng tiền thuần trong kỳ tại VietABank âm tới 14.977 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023, tính đến 31/3/2023, trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành ghi nhận 10.086 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm.

Trái phiếu đặc biệt chính là giấy tờ có giá và có thời hạn do VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng) phát hành với mục đích thu mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Bán nợ cho VAMC là một phương thức xử lý nợ chủ yếu của các ngân hàng để được hỗ trợ trong quá trình xử lý nợ xấu, đồng thời cũng là một cách làm đẹp bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, bán nợ cho VAMC cũng không đồng nghĩa các ngân hàng sẽ thoát khỏi gánh nặng từ các khoản nợ xấu này.

Nợ xấu vẫn có khả năng quay lại ngân hàng nếu sau 5 năm (thời hạn của trái phiếu đặc biệt) vẫn chưa được xử lý. Hơn nữa, tuy đã bán nợ cho VAMC, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục trích lập dự phòng với chi phí khá cao ở mức 20% đối với mệnh giá trái phiếu trong vòng 5 năm (chỉ trừ vài trường hợp đặc biệt dạng tái cơ cấu được trích lập dự phòng ở mức 10% theo thời hạn trái phiếu 10 năm).

Về chất lượng tín dụng, nợ xấu nội bảng của ngân hàng VietABank tính đến cuối quý 1/2023 giảm nhẹ 0,4% so với đầu năm, còn 954 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,5% xuống mức 1,4%.

Link gốc : https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/bi-chi-dich-danh-cho-vay-lai-cao-vietabank-kinh-doanh-ra-sao-trong-quy-i2023-684781.html

Bạn đang đọc bài viết Bị chỉ đích danh cho vay lãi cao, VietABank kinh doanh ra sao trong quý I/2023? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng