Giá vàng thế giới hôm nay 2/3
Tới 8h30 sáng 2/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.718 USD/ounce.
Mở cửa phiên sáng nay, giá vàng thế giới được giao dịch trên ngưỡng 1.720 USD/ounce sau khi giảm mạnh trong phiên giao dịch đêm qua.
Trong phiên đêm qua giá vàng thế giới đã giảm mạnh hơn 20 USD từ ngưỡng trên 1.740 USD xuống sát ngưỡng 1.720 USD/ounce sau khi “khởi nghĩa” bất thành lúc đầu phiên.
Phiên đêm qua cũng đánh dấu phiên giảm mạnh thứ 4 liên tiếp của giá vàng thế giới và tiếp tục dao động trong vùng giá thấp nhất kể từ giữa tháng 6/2020.
Đêm 1/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.738 USD/ounce. Vàng giao tháng 4 trên sàn Comex New York ở mức 1.739 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 1/3 cao hơn khoảng 14,3% (217 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 49,2 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 7,1 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 1/3.
Giá vàng trên thị trường quốc tế vẫn trên đà giảm mạnh trong bối cảnh nhiều yếu tố mang tính “kẻ thù” xuất hiện. Các quỹ đầu tư bán tháo vàng khi đồng USD hồi phục và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng.
Vàng tiếp tục giảm giá trong ngày đầu tháng mới cho dù đã giảm khoảng 6,8% trong tháng 2 và giảm khoảng 2,5% trong tháng 1.
Trên thị trường châu Á trong phiên đầu tháng 3 vàng có xu hướng hồi phục nhẹ sau một tháng tụt giảm. Tuy nhiên, vàng đã nhanh chóng quay đầu giảm trở lại sau đó do sức cầu vẫn chưa vượt lên áp lực bán ra.
Đồng USD có xu hướng hồi phục nhẹ khi mà lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng. Giới đầu tư tin tưởng về sự hồi phục kinh tế Mỹ sẽ nhanh hơn dự kiến ban đầu.
Trong thời gian gần đây, hàng loạt quỹ giao dịch vàng bán mạnh vàng. Quỹ SPDR Gold Trust đã có cả chục phiên bán ròng liên tiếp.
Giá vàng trong nước hôm nay 2/3
Giá vàng trong nước đã đảo chiều nhờ đà tăng giá trên thị trường thế giới sau nhiều phiên giảm mạnh trước đó.
Trước phiên giao địch đầu tuần sáng nay, giá vàng SJC tại TPHCM được niêm yết 55,70-56,25 triệu đồng/lượng, tăng 150 nghìn đồng chiều mua vào và 50 nghìn đồng chiều bán ra so với cùng thời điểm phiên trước.
Giá vàng Doji tại Hà Nội cũng được niêm yết 55,75-56,25 triệu đồng/lượng sau khi tăng 200 nghìn đồng chiều mua vào và 100 nghìn đồng chiều bán ra.
Trên hệ thống Phú Quý, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức cao hơn là 55,95-56,30 triệu đồng/lượng nhờ tăng 200 nghìn đồng cả hai chiều; Giá vàng 9999 NPQ cũng cán mốc 54 triệu khi tăng thêm 200 nghìn và 100 nghìn đồng hai chiều lên 53,30-54,00 triệu đồng/lượng.
Xuôi chiều, giá vàng 24k Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tăng 130 nghìn đồng và 80 nghìn đồng mua vào và bán ra lên 53,51-54,16 triệu đồng/lượng…
Bảng giá vàng hôm nay 2/3 cập nhật lúc 8h50:
Dự báo giá vàng
Trong phiên giao dịch chiều ngày 1/3, giá vàng giao ngay tăng 0,66% lên 1.746 USD/ounce vào lúc 17h20 (giờ Việt Nam), theo Kitco. Giá vàng giao tháng 4 cũng tăng 0,96% lên 1.745 USD/ounce.
Giá vàng tăng trong phiên giao dịch chiều ngày thứ Hai (1/3), phục hồi từ đáy 8 tháng xác lập trong phiên cuối tuần trước, nhờ đồng USD suy yếu.
Mặc dù giảm mạnh nhưng vàng vẫn được kỳ vọng tăng trong trung và dìa hạn. Mặt hàng kim loại quý có thể sẽ hồi phục trở lại khi Quốc hội Mỹ thông qua gói kích thích 1,9 nghìn tỷ USD mà Tổng thống Biden đề xuất.
Gói giải cứu kinh tế mới của Mỹ sẽ chi 1.400 USD tiền mặt cho mỗi người dân, hỗ trợ thất nghiệp 400 USD/tuần cho tới ngày 29/8 và hỗ trợ thuê nhà và vay thế chấp nhà trong thời gian đại dịch.
Đồng USD giảm từ đỉnh một tuần giúp vàng trở nên rẻ hơn đối với những người mua bằng ngoại tệ khác.
Mặt khác, theo giới phân tích, do giá vàng không vượt qua mức cản 1.760 USD/ounce nên không ít nhà đầu tư đã bán ra thu về lợi nhuận, hoặc bán khống rồi chờ vàng giảm giá sẽ mua lại hưởng chênh lệch. Vì thế, giá vàng có lúc giảm sốc 40 USD/ounce.
Diễn biến trên thị trường cho thấy đầu ngày 1/3, khi lãi suất trái phiếu đi xuống, nhiều nhà đầu tư dồn dập đưa vốn vào kim loại quý. Ngay sau đó, giá vàng bật tăng 25 USD/ounce từ 1.735 USD/ounce vọt lên 1.760 USD/ounce lúc 14 giờ ngày 1-3 theo giờ Việt Nam.
Tại thời điểm này, có lẽ các quỹ đầu tư mạnh tay bán ra sau khi đã bán 8,8 tấn vàng vào phiên giao dịch cuối tuần trước, kéo theo động thái bán khống từ các nhà đầu tư khác. Lập tức, giá vàng rơi một mạch 40 USD/ounce, từ 1.760 USD/ounce xuống còn 1.720 USD/ounce. Tiếp đến, các nhà đầu tư đã bán khống lại mua vào và đến 6 giờ ngày 2/3, giá vàng vọt lên 1.725 USD/ounce.
Tuy nhiên, giá vàng đã ghi nhận tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2016 trong tháng 2 vì lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng. Lợi suất cao làm tăng chi phí cơ hội sở hữu tài sản không sinh lời như vàng.
Trên thị trường vàng trong nước, giá vàng cao bất thường. Chốt phiên ngày 1/3 đa số các cửa hàng vàng tại Hà Nội giảm giá vàng 9999 khoảng 200-250 nghìn đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước.
Giá vàng trong nước đang bất thường?
Quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới hiện tương đương 48,67 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 7,5 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức chênh lệch kỷ lục mà giá vàng SJC đang xác lập ở thời điểm hiện tại.
Giảng viên tài chính Trường Doanh nhân Bizlight Phan Dũng Khánh nhận định, giá vàng trong nước luôn đi theo giá thế giới, nhưng tùy theo cung - cầu và cả việc cân đối của người bán nên mức độ tăng, giảm nhiều hay ít và ở mỗi thời điểm sẽ khác nhau.
Trong thực tế, đã có nhiều thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn giá thế giới dù điều này không phải thường xuyên. Nhưng kể từ ngày vía Thần tài đến nay, các công ty vàng trong nước luôn neo giá cao hơn rất nhiều so với giá thế giới. Điều này cho thấy, có khả năng nguồn mua vào trước đó của họ có thể ở mức cao nên người bán vẫn muốn găm giữ giá cao.
Với việc neo giá cao này, rủi ro thua lỗ cho các nhà đầu tư là cực lớn. Bởi khi họ vừa mua xong đã lỗ vì chênh lệch giữa giá mua với giá bán cũng được các công ty vàng nới rộng ra.
Đồng thời, nếu giá vàng trong nước quá cao, đến lúc được điều chỉnh về ngang bằng giá thế giới thì người mua sẽ càng lỗ nặng. Hiện nay, giá vàng thế giới đang trong xu hướng giảm do các kênh đầu tư mạo hiểm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư như chứng khoán, tiền kỹ thuật số... nên khả năng giá vàng trong nước sẽ tiếp tục đi xuống là rất cao.
Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, mức chênh lệch khoảng 7,5 triệu đồng/lượng là không hợp lý. Hệ lụy là tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng mạnh và có thể diễn ra hiện tượng buôn lậu vàng, chảy máu ngoại tệ.
Triển vọng vàng thế giới "đìu hiu"
Lợi suất trái phiếu gần đây đã liên tục tăng do kỳ vọng lạm phát gia tăng, khi thị trường bắt đầu định giá về việc mở cửa trở lại của các nền kinh tế phát triển. Lạm phát cao hơn có mối quan hệ tích cực với giá vàng, nhưng nó cũng có xu hướng làm tăng lợi suất trái phiếu kho bạc, do đó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng - tài sản không sinh lời.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần đây cũng cho hay, họ không lo ngại về lợi suất trái phiếu tăng, cũng tiếp thêm động lực và hỗ trợ cho lợi suất tăng, gây thêm áp lực lên giá vàng và kéo chúng xuống mức thấp nhất trong 8 tháng.
Giám đốc khối ngoại hối toàn cầu của Bannockburn Marc Chandler cho biết, đà tăng của vàng đã thất bại trong tuần qua khi xu hướng giảm giá đã kéo dài gần 20 ngày.
"Nếu giá vàng không kịp tăng trở lại, nhiều khả năng mức giá còn có thế bị thị trường kéo xuống sát mốc 1.690 USD/ounce. Tuy nhiên, khi giá vàng bắt đáy sẽ tạo điều kiện cho việc gia tăng mua tích lũy. Khi đó giá vàng sẽ có cơ hội lội ngược dòng”, vị này nêu quan điểm.
Cơ quan xếp hạng quốc tế Fitch cũng dự đoán, giá vàng sẽ giảm xuống 1.600 USD/ounce trong năm nay và giảm tiếp xuống 1.400 USD vào năm 2022 do nhu cầu tăng do dòng đầu tư và ngân hàng trung ương mua vào.
Theo Fitch, giá nhiều mặt hàng sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn từ việc nhu cầu quay trở lại trong khi nguồn cung vẫn chậm và hàng tồn kho ở mức thấp. Do đó, giá kim loại quý sẽ giảm xuống 1.200 USD/ounce vào năm 2023.
T.Anh (TH)/SHTT