Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

VietABank cho 14 công ty vay sai quy định như thế nào?

DTVN 15:05 21/07/2023

Kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ cho thấy, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á (VietABank) đã cấp vốn cho 14 công ty sai quy định, trong đó bao gồm các khuyết điểm như:

Phân loại nhóm nợ chưa đúng, thẩm định chi phí dự án không chính xác, cho các dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý vay….


Hàng loạt dự án không đủ pháp lý vẫn được VietABank cho vay

Theo Thanh tra Chính phủ, VietABank phê duyệt cho Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại HSTC vay khi dự án chưa có giấy phép quy hoạch, quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư, quyết định giao đất, giấy chúng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng là chưa đúng theo quy định tại Điều 7 “Điều kiện vay vốn” Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN.

Công ty HSTC không đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (theo báo cáo tài chính năm 2015, doanh nghiệp chưa có doanh thu, vốn tự có là 200 tỷ đồng, nhỏ hơn 15% tổng mức đầu tư dự án).

VietABank chưa thu thập đầy đủ chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay: Chưa có đầy đủ chứng từ hoàn ứng khoản giải ngân ứng trước cho Công ty CP đầu tư đô thị Hồ Tây theo Hợp đồng tổng thầu số 01/2015/HĐTT ký giữa Công ty HSTC và Công ty Hồ Tây, số tiền giải ngân là 400 tỷ đồng.

Đối với Công ty TNHH Hợp tác Thương mại Nam Bình, tại thời điểm thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng, dự án chưa có giấy phép xây dựng.

VietABank cho khách hàng vay góp vốn hợp tác theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh không có hiệu lực pháp lý theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP (dự án chưa có biên bản bàn giao mốc giới, chưa có thông báo đủ điều kiện được huy động vốn của Sở Xây dụng TP. Hà Nội) là chưa thực hiện đúng quy định về điều kiện vay vốn tại Điều 7 Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN.

Còn Công ty TNHH đầu tư đô thị An Phú, dự án chưa có quyết định giao đất, giấy phép xây dựng nhưng VietABank cho khách hàng vay góp vốn hợp tác theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh không có hiệu lực pháp lý theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP (dự án chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa có biên bản bàn giao mốc giới và chưa có thông báo đủ điều kiện được huy động vốn của Sở Xây dựng TP. Hà Nội) là chưa thực hiện đúng quy định về điều kiện vay vốn tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.

VietABank cho Công ty TNHH Xây dựng thương mại và Dịch vụ LT vay vốn dự án khi chưa có quyết định giao đất, giấy phép xây dựng. Việc góp vốn hợp tác theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh không có hiệu lực pháp lý theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP (dự án chưa có biên bản bàn giao mốc giới, chưa có thông báo đủ điều kiện được huy động vốn của Sở Xây dựng TP. Hà Nội) là chưa thực hiện đúng quy định về điều kiện vay vốn tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.

Ngoài ra, VietABank cho Công ty TNHH Thương mại xây dựng và Đầu tư Hà Thủy khi dự án chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý (chưa có quyết định giao đất, giấy phép xây dựng).

VietABank cho Công ty TNHH Địa ốc Phú Gia Green vay góp vốn hợp tác theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh không có hiệu lực pháp lý theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP (dự án chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng theo tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt, chưa có thông báo đủ điều kiện được huy động vốn của Sở Xây dựng TP. Hà Nội), hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh có quy định về phân chia sản phẩm nhà ở nhưng không thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư) là chưa thực hiện đúng quy định về điều kiện vay vốn tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.

Cụ thể, VietABank cho khách hàng vay góp vốn hợp tác theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh không có hiệu lực pháp lý theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP (dự án chưa có biên bản bàn giao mốc giới, chưa có thông báo đủ điều kiện được huy động vốn của Sở Xây dựng TP. Hà Nội) là chưa thực hiện đúng quy định về điều kiện vay vốn tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.

Đối với Công ty CP Dịch vụ Đầu tư nhà đất Nhật Anh, VietABank cho khách hàng vay góp vốn hợp tác theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh không có hiệu lực pháp lý theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP (dự án chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng theo tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt; chưa có thông báo đủ điều kiện được huy động vốn của Sở Xây dựng TP. Hà Nội,) hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh có quy định về phân chia sản phẩm nhà ở nhưng không thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư) là chưa thực hiện đúng quy định về điều kiện vay vốn tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.

VietABank cho 14 công ty vay sai quy định như thế nào?

Kết thúc quý I/2023, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế đạt 244,6 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ.

Phân loại nhóm nợ sai, thẩm định dự án không chính xác

Tại kết luận về trách nhiệm trong thực hiện Đề án cơ cấu lại, xử lý nợ xấu giai đoạn 2013-2017, Thanh tra Chính phủ chỉ ra thêm khuyết điểm như:

VietABank phân loại nợ nhóm 1 đối với khoản nợ của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển Nhà Vicoland là chưa đúng quy định về phân loại nợ theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng quy định về nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro (toàn bộ dư nợ của Công ty Vicoland thời điểm 30/6/2018 phải phân loại nợ nhóm 4).

VietABank cho Công ty CP Đầu tư Phát triển Hưng Thịnh Việt Nam vay góp vốn hợp tác theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh không có hiệu lực pháp lý theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP là chưa thực hiện đúng quy định về điều kiện vay vốn tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN. VietABank thẩm định xác định chi phí dự án không chính xác.

VietABank cho Công ty TNHH Đầu tư Đô thị Gia Phát vay góp vốn hợp tác theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh không có hiệu lực pháp lý theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP (dự án chưa có phê duyệt đồ án quy hoạch 1/500; chưa có phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng; chưa có biên bản bàn giao mốc giới của dự án, chưa có thông báo đủ điều kiện được huy động vốn của Sở Xây dựng TP. Hà Nội; hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh có quy định về phân chia sản phẩm nhà ở nhưng không thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư) là chưa thực hiện đúng quy định về điều kiện vay vốn tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng cho thấy, tại thời điểm thẩm định, dự án Tây Nam Kim Giang I của Công ty CP Đầu tư PHD chưa được phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư cho liên danh thực hiện dự án theo quy hoạch sau điều chỉnh cục bộ, chưa được giao đất thực hiện dự án, chưa được cấp giấy phép xây dựng, chưa được phê duyệt đơn giá sử dụng đất và nộp thuế đất...

Đến thời điểm thanh tra, theo báo cáo của VietABank, các tài liệu trên chưa được cấp có thẩm quyền cấp, phê duyệt cho chủ đầu tư thực hiện dự án. VietABank cho khách hàng vay góp vốn hợp tác theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh không có hiệu lực pháp lý theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, là chưa thực hiện đúng quy định về điều kiện vay vốn tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN. VietABank thẩm định xác định chi phí dự án không chính xác.

VietABank cho Công ty CP Đầu tư Bất Động Sản Vạn Phúc vay góp vốn hợp tác theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh không có hiệu lực pháp lý theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ( dự án chưa có quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết 1/500, chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa có biên bản bàn giao mốc giới của dự án, chưa có thông báo đủ điều kiện được huy động vốn) là chưa thực hiện đúng quy định về điều kiện vay vốn tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT- NHNN.

Hơn nữa, thời điểm 31/8/2018, khoản vay của Công ty CP Điện Bình Thuỷ Lâm Đồng đã quá hạn thanh toán 365 ngày. VietABank phân loại vào nhóm 1 là chưa đúng quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng được quy định tại Thông tư số 02/2013/TT-NHNN và Thông tư số 09/2014/TT-NHNN (VietABank phải phân loại nợ nhóm 5).

Riêng với Công ty CP Đầu tư Toàn Cầu, VietABank cơ cấu lại nợ cho khách hàng chưa đúng với quy định tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN và Thông tư 09/2014/TT-NHNN. Trong đó, hồ sơ cơ cấu nợ của Công ty Toàn Cầu không có phương án trả nợ khả thi, không có căn cứ đánh giá phương án trả nợ. Thực tế, tình hình tài chính của công ty này gặp rất nhiều khó khăn, kể từ năm 2013 liên tục thua lỗ, không có doanh thu bán hàng cung cấp dịch vụ, dự án bị chậm tiến độ không đưa vào khai thác không có doanh thu.

Link gốc : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/vietabank-cho-14-cong-ty-vay-sai-quy-dinh-nhu-the-nao-132454.html?fbclid=IwAR3mTm09FvU_2AK3jPjNYrPPAEf2m8bk-b7dSDe46gK5gX4Bxf5jUIQZYRY_aem_AUlCbIslhG-gIxvZEhUpJl35D6ga26l3AGV22xNsKNVhAvo57PsSV67zR8dg4bpDq3o&mibextid=Zxz2c

Bạn đang đọc bài viết VietABank cho 14 công ty vay sai quy định như thế nào? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng