Gần đây nhất là vụ việc ông Đặng Nghĩa Toàn và bà Tạ Thị Thu Trang gửi đơn thư khiếu nại về việc PVcomBank chưa giải tỏa sổ tiết kiệm gửi tại Ngân hàng.
Thực ra đây không phải là vấn đề mới, những hiện tượng này đã xảy ra từ lâu, tuỳ từng nhận thức và hành động của người gửi, sẽ xảy ra những hậu quả khác nhau. Những cuộc đụng đột với những nhà tài phiệt tài chính sẽ có nhiều thách thức hơn cả sự đấu tranh, giữa người mua BĐS với những ông trùm địa ốc.
Hai năm trước, nhân vụ 245 tỉ ở Eximbank, tôi đã có loạt bài phân tích, trong đó có nêu ra nhận thức cũng như giải pháp đối phó trước tình huống này, cụ thể:
Trước tiên, khách hàng cần bình tĩnh tập hợp đầy đủ các hồ sơ chứng từ, tài liệu giao dịch với ngân hàng và tìm đến một đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín để tiến hành thủ tục mời luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Vụ 245 tỉ ở Eximbank cũng đã từng làm xôn xao dư luận. |
Khách hàng tuyệt đối không tham gia vào vụ án hình sự liên quan đến cá nhân cán bộ ngân hàng có hành vi sai phạm làm thất thoát tiền của mình.
Bởi lẽ, những vụ việc cán bộ ngân hàng có vi phạm làm thất thoát tiền thì thường là những hành vi có dấu hiệu của tội “Trộm cắp tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hoặc là “Tham ô tài sản” (Đối với những Ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước) mà nạn nhân ở đây là ngân hàng, khách gửi tiền “nằm ngoài” vòng xoáy tố tụng này bởi khách gửi tiền có quan hệ với ngân hàng trong một quan hệ pháp luật khác.
Tiếp theo, khách hàng thu thập tài liệu để tiến hành khởi kiện vụ án dân sự đòi lại tiền mà đối tượng kiện là ngân hàng. Bởi mối quan hệ giữa khách gửi tiền và ngân hàng là giao dịch dân sự nhận tiền gửi.
Khi tiền gửi của khách bị thất thoát, ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường và khách gửi tiền hoàn toàn có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu ngân hàng thanh toán số tiền thất thoát cho mình.
Bởi, dưới góc độ kinh tế, việc gửi tiền vào các tổ chức tín dụng được coi là hành vi cất giữ tiền của mình.
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo. |
Còn dưới góc độ luật dân sự, việc gửi tiền vào ngân hàng, tổ chức tín dụng phải luôn được hiểu là hợp đồng cho vay tài sản. Theo đó, sau khi gửi tiền vào ngân hàng thì chính ngân hàng sẽ trở thành chủ sở hữu khoản tiền đó và phải chịu toàn bộ rủi ro đối với nó. Khi đó Người gửi chấm dứt quyền sở hữu đối với số tiền vừa gửi, trở thành bên cho vay, có quyền yêu cầu ngân hàng thanh toán khoản tiền khác tương đương theo thời hạn thỏa thuận.
Trong pháp luật dân sự, tiền có tính năng đặc biệt là khi chuyển giao tiền thì bao giờ cũng kèm theo chuyển giao quyền sở hữu.
Nếu rơi vào tình huống này, khách hàng cùng luật sư của mình phải đấu tranh quyết liệt để tòa án không được từ chối thụ lý vụ án dân sự với lập luận: Tranh chấp giữa khách gửi tiền và ngân hàng là quan hệ tranh chấp về hợp đồng cho vay tài sản.
Hơn nữa, theo quy định tại Điều 87 BLDS 2015: “Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân”. Tóm lại là “con dại cái mang”, nhân viên làm sai thì tổ chức phải chịu trách nhiệm, thế thôi!
Ở đây cần phải tách bạch hai quan hệ pháp luật: Vụ việc nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật của cán bộ ngân hàng là trách nhiệm hình sự của cá nhân cán bộ ngân hàng phải chịu với Nhà nước, quan hệ này độc lập và nằm ngoài quan hệ giữa ngân hàng và khách gửi tiền.
Bản thân Tòa án trong trường hợp này cũng cần mạnh dạn và kiên quyết thụ lý vụ án, vì đây là quan hệ pháp luật độc lập, không phụ thuộc vào vụ án hình sự.
Quý vị đừng đi vào vết xe đổ vụ Huyền Như!
Bài viết thể hiện Góc Nhìn của Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo.
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo