Hà Nội, Thứ Năm Ngày 10/10/2024

Điểm báo: Nợ xấu ngân hàng 'phình to' vì bất động sản

DTVN 07:08 04/12/2023

Chuyên gia dự báo tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng lên do thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.

Kết thúc 9 tháng năm 2023, tín dụng kinh doanh bất động sản lại có sự tăng trưởng rất cao, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với thời điểm 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Nguy cơ nợ xấu bất động sản “phình to” đã được các chuyên gia cảnh báo từ lâu khi mà năm 2023 - 2024 là thời kỳ đáo hạn một lượng rất lớn trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó, thị trường bất động sản gặp khó, thanh khoản “tắc” đã khiến cho việc giải quyết bất động sản phát mãi để xử lý nợ xấu của các ngân hàng trong giai đoạn hiện nay cũng gặp nhiều áp lực.

Nợ xấu ngân hàng 'phình to' vì bất dộng sản
Nợ xấu ngân hàng 'phình to' vì bất động sản

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định năm 2023, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình “vượt bão” trong chu kỳ bất động sản đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực, nhưng khả năng chống chịu của từng ngân hàng sẽ tùy thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ thận trọng của ngân hàng trong những năm qua.

Nhóm phân tích cho rằng, sẽ có sự gia tăng nợ xấu và chi phí tín dụng trong vài quý tiếp theo do thị trường bất động sản suy giảm và những rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp còn hiện hữu. Với tỷ trọng dư nợ bất động sản và xây dựng chiếm xấp xỉ 30% tổng dư nợ của ngân hàng, khi lĩnh vực này có vấn đề không chỉ ảnh hưởng tăng trưởng tín dụng mà còn là những khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.

>> Ngân hàng đang “ngấm đòn” nợ xấu trái phiếu bất động sản

Chia sẻ với kênh Đầu tư Tài chính, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, dự báo trong thời gian tới, tỷ lệ nợ xấu sẽ có xu hướng tăng lên do thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, thanh khoản tài sản bất động sản phát mãi khả năng cao sẽ được cải thiện cùng với tiến trình phục hồi tích cực của thị trường.

“Hiện tại đã có nhiều quỹ đầu tư do một số cá nhân thành lập với nguồn vốn khoảng vài trăm tỷ đồng tiến hành mua các bất động sản trước thời điểm bị ngân hàng tịch thu, phát mãi”, ông Đính cho biết.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cũng dự báo nợ xấu sẽ có xu hướng tiếp tục tăng mạnh hơn nữa trong năm 2024. Trong đó, bất động sản đang được cảnh báo là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất khi thị trường suy yếu khiến các khoản nợ có nguy cơ nhảy nhóm thành nợ xấu nhiều nhất. Do đó, ông cho rằng các doanh nghiệp bất động sản buộc phải tái cấu trúc.

Không có cách nào khác, các doanh nghiệp phải tính toán chiến lược đúng đắn mới có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn này để tồn tại. Doanh nghiệp nên lựa chọn những dự án khả thi để tập trung nguồn lực, đầu tư dứt điểm để đưa được sản phẩm ra thị trường. Đây cũng là giai đoạn thanh lọc thị trường bất động sản để có thể bước vào chu kỳ phát triển tích cực hơn.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, nếu trước đây, các doanh nghiệp bất động sản tích lũy được nhiều dự án trong giai đoạn huy động vốn dễ dàng thì đến thời điểm khó khăn, cần phải bán bớt tài sản, phải chấp nhận hoà vốn hoặc lỗ một chút, phải phối hợp với ngân hàng để trả nợ chứ không thể ngồi im chờ ngân hàng hỗ trợ, gia hạn, bởi như thế là không công bằng với ngân hàng.

“Mỗi doanh nghiệp nắm cùng lúc 30 - 40 dự án mà cứ ngồi giữ và mong ngân hàng hỗ trợ thì ngân hàng hỗ trợ sao được”, ông Vinh nhấn mạnh.

Vị tổng giám đốc này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước gia hạn thêm Thông tư 02 về cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản. Cùng với đó, xem xét lại hệ số rủi ro của các khoản vay lĩnh vực bất động sản (hiện đang đều ở mức 200%) và xem xét lại đối tượng áp dụng gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Link gốc : https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/diem-bao-no-xau-ngan-hang-phinh-to-vi-bat-dong-san-213779.html

Bạn đang đọc bài viết Điểm báo: Nợ xấu ngân hàng 'phình to' vì bất động sản tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng