Sáng 19/12/2019, Ngân hàng Quốc tế (VIB) tổ chức lễ công bố hoàn thành triển khai 3 trụ cột của Basel II.
VIB là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II, trước cả các tên tuổi lớn như Vietcombank.
Đặt việc hoàn thành 3 trụ cột Basel II là việc quan trọng nằm trong tầm nhìn dài hạn
Ngân hàng cho biết, trụ cột 1 và 3 của Basel II được VIB hoàn thành vào tháng 10/2018 - thời điểm NHNN phê duyệt cho áp dụng từ 01/01/2019 tức trước hạn 1 năm. Trụ cột thứ 2 hoàn thành từ tháng 12/2019, cũng trước 1 năm.
Theo trình bày chi tiết của ông Hà Hoàng Dũng, Giám đốc Quản trị rủi ro của VIB, từ năm 2018 VIB đã triển khai thành công trụ cột 1 và 3 của Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, đảm bảo hệ số an toàn vốn được tính tự động hoá theo quy định của Thông tư 41/2016 với mức CAR luôn đạt trên 9%. Ngân hàng đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về cơ sở hạ tầng thông tin, hệ thống chính sách quản trị rủi ro, cơ sở dữ liệu, bộ máy nhân sự và kế hoạch vốn nhằm đảm bảo ngân hàng quản trị và tính toán hệ số an toàn vốn theo đúng quy định. Ngày 28/11/2018, VIB và Vietcombank là 2 ngân hàng đầu tiên được NHNN trao quyết định chấp thuận cho áp dụng Thông tư 41 sớm hơn 1 năm.
Năm 2019, VIB tiếp tục triển khai trụ cột 2 - nội dung quan trọng của Basel II, đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn (ICAAP). Để triển khai ICAAP, VIB đã phối hợp với công ty tư vấn PwC để học hỏi kinh nghiệm và tiếp cận phương pháp tính toán ICCAP đã triển khai tại các ngân hàng có quy mô trương đương ở Đông Nam Á, từ đó xây dựng quy trình và phương pháp đánh giá nội bộ về mức độ vốn phù hợp với ngân hàng.
Tại thời điểm 30/9/2019, VIB đã hoàn thiện toàn bộ quy trình đánh giá nội bộ về mức độ đầy đủ vốn và đảm bảo điều kiện thuân thủ trụ cột 2 từ 01/01/2020 - sớm hơn 1 năm so với yêu cầu của NHNN tại Thông tư số 13/2018.
VIB hoàn thành ba tru cột của Base II trước thời hạn. |
Theo ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB, việc đặt ra một lộ trình rõ ràng khi triển khai Basel II sớm hơn thời hạn do NHNN quy định cho thấy VIB đã có cách tiếp cận không chỉ dừng lại ở mục đích tuân thủ. Sự khác biệt nằm ở yếu tố ngân hàng này luôn coi việc hoàn thành 3 trụ cột Basel II là một trong các đầu việc quan trọng nằm trong tầm nhìn dài hạn về quản trị rủi ro.
Lãnh đạo VIB cũng cho biết, ngân hàng dự kiến tiếp tục đầu tư phát triển Basel II theo phương pháp nâng cao và hướng tới áp dụng các chuẩn mực của Basel III vào công tác quản trị rủi ro của ngân hàng. Thực tế triển khai cho thấy Basel II thực sự đã mang đến cho ngân hàng nhiều lợi ích thiết thực, giúp VIB có những điều chỉnh phù hợp về mặt chiến lược, giúp quản trị kế hoạch vốn phù hợp với mục tiêu tăng trưởng bền vững và nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh một cách toàn diện. Việc VIB hoàn thành và áp dụng sớm cả 3 trụ cột của Basel II cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực, góp phần nâng cao uy tín của VIB nói riêng và ngành ngân hàng Việt Nam nói chung.
Ngân hàng sạch nợ sớm nhất tại VAMC
Tại lễ công bố hoàn thành 3 trụ cột của Basel II ngày 19/12 tại Hà Nội, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2019 của ngân hàng này ước tính đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 5,6 lần so với năm 2016 và tăng gần gấp rưỡi so với năm 2018.
Theo ông Vũ, VIB đã mua lại nợ xấu bán cho VAMC từ năm 2017 và trích lập dự phòng đầy đủ, là 1 trong những ngân hàng sạch nợ sớm nhất tại VAMC. Nhờ quản trị rủi ro tốt, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm nhanh từ 2,2% năm 2018 xuống còn 1,78% hiện nay.
Hiện hệ số sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ngân hàng đạt 27%; tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 9,66% tăng so với quy định của Ngân hàng Nhà nước 8%.
Ngân hàng Quốc tế (VIB) |
VIB là một trong những ngân hàng đầu tiên mời xếp hạng tín nhiệm Moody's xếp hạng và có thứ hạng ở nhóm ngân hàng dẫn đầu nhiều năm liền. VIB cũng là đối tác hàng đầu ở Việt Nam của các định chế quốc tế như IFC ADB, CBA... Riêng ADB và IFC đã cấp hạn mức tín dụng cho VIB trên 250 triệu USD.
Năm 2018, VIB đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 2.741 tỷ đồng, tăng 95% so với năm 2017. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng 22,5%, ở nhóm cao nhất của thị trường.
Năm 2019, ngân hàng này đã cho vay ôtô chiếm thị phần trên 25% và con số này duy trì từ năm 2017 đến nay; số dư cho vay bán lẻ vượt 100.000 tỷ đồng, nằm ở tốp 3 ngân hàng tư nhân cho vay tại Việt Nam; dẫn đầu về chỉ tiêu thẻ tín dụng Master Card tại Việt Nam với tốc độ tăng chi tiêu 300% trong năm 2019.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ