Hà Nội, Thứ Tư Ngày 09/10/2024

Vì sao hàng loạt ngân hàng “ồ ạt” rao bán công ty tài chính?

DOANH NHÂN VN 14:34 27/08/2021

Thời gian qua, hàng loạt các ngân hàng đang tìm đối tác chiến lược nước ngoài để bán bớt vốn, thậm chí thoái vốn tại các công ty tài chính.

Cuộc đua rút vốn của hàng loạt ngân hàng

Mới đây, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa có cập nhật liên quan tới việc thoái vốn sở hữu của ngân hàng tại công ty con – Công ty TNHH Quản lý nợ và khai thác tài sản MSB (MSB AMC).

Theo đó, HĐQT nhà băng này đã quyết định hủy kế hoạch tìm đối tác chuyển nhượng toàn bộ giá trị phần vốn góp của ngân hàng tại MSB AMC. Thay vào đó, ngân hàng này sẽ thực hiện bán đấu giá công khai toàn bộ giá trị phần vốn góp này để thoái vốn, tái cơ cấu danh mục đầu tư.Không chỉ MSB, hiện không ít ngân hàng cũng đã bán vốn tại các công ty tài chính. Đơn cử như VPBank, đầu quý II vừa qua cũng đã bán thành công 49% vốn FE Credit cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF) – công ty con do SMBC sở hữu 100% vốn. Trong thương vụ này, FE Credit được định giá 2,8 tỷ USD.

Thật ra xu hướng bán công ty tài chính đã dần phổ biến trong những năm gần đây. Trước đó vào năm 2018, Techcombank cũng đã hoàn tất chuyển nhượng TechcomFinance cho Tập đoàn Lotte Hàn Quốc, dù công ty này chỉ mới có giấy phép kinh doanh và chưa đi vào hoạt động. Được biết Techcombank đã mua lại Công ty Tài chính cổ phần Hóa chất Việt Nam (VCFC) và đổi tên thành Techcom Finance vào tháng 6/2015.

Hay như Ngân hàng HDBank và Ngân hàng MB cũng đã bán 49% vốn ở công ty tài chính tiêu dùng cho đối tác Nhật Bản. Ở chiều ngược lại, các thương vụ thoái vốn của các nhà băng ngoại như ANZ hay Commonwealth khỏi mảng bán lẻ, tài chính tiêu dùng cũng đều nhanh chóng có các đối tác mua lại.

Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại Công ty Tài Chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance) cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG – Nhật Bản.

Theo đó, khi hai bên đáp ứng các yêu cầu theo quy định pháp luật và đạt được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam cũng như cơ quan quản lý có liên quan của Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản; SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm.

SHB cho biết, thỏa thuận chuyển nhượng SHB Finance sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông của SHB cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của SHB. Tuy nhiên, giá trị thương vụ chưa được công bố.

Trong khi đó, chia sẻ với tờ Nikkei Asia, đại diện của Krungsri cho biết ngân hàng này sẽ chi 5,1 tỷ Baht Thái, tương đương 156 triệu USD cho thương vụ, tức tương đương hơn 3.500 tỷ đồng.

Đến hiện tại, thương vụ của VPBank có giá trị cao nhất, với định giá công ty tài chính FE Credit đạt 2,8 tỷ USD, tương đương với số tiền mà VPBank có thể thu về là gần 32.000 tỷ đồng.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện có 16 công ty tài chính được cấp phép và đang hoạt động. Trong đó, có 6 công ty là thành viên của ngân hàng thương mại, bao gồm: Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) của VPBank; Công ty tài chính TNHH HD Saison của HDBank; Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB Finance); Công ty tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) của MB; Công ty tài chính bưu điện của SeABank và Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) của MSB.

Thông tư 18/2019 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng có thể khiến lợi nhuận của các công ty này gặp khó khăn. Theo đó, mức trần của các khoản vay bằng tiền mặt bị khống chế. Cụ thể, tỷ lệ cho vay giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt tại các công ty tài chính sẽ giảm từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021 là 70%; từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 là 60%; từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023 là 50%, còn từ 1/1/2024 là 30%.

Hết thời “gà đẻ trứng vàng”?

Dưới những tác động của dịch Covid-19, tình hình kinh doanh của các công ty tài chính bị ảnh hưởng đáng kể. Trong quý II/2021, FE Credit gặp khó khăn với tốc độ tăng trưởng cho vay trì trệ, trích lập dự phòng cao và biên lãi ròng (NIM) thu hẹp hơn. Điều này khiến lợi nhuận ròng của FE Credit giảm mạnh 80% so với cùng kỳ, chỉ đạt 247 tỷ đồng.

Theo SSI Research, tất cả các chỉ tiêu và hệ số của FE Credit đều tiêu cực trong quý II/2021 với dư nợ sụt giảm 7,2% so với đầu năm. Tổng thu nhập hoạt động cũng giảm 9% so với cùng kỳ, trong khi biên lãi ròng (NIM) thu hẹp 143 điểm cơ bản, tỷ lệ nợ xấu tăng vọt lên 9,1%. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thu Hà, chuyên gia SSI Reseaech, dư nợ giảm là do công ty chủ động ưu tiên thu hồi nợ hơn giải ngân mới và đẩy mạnh xóa nợ xấu.

Trước đó, trong năm 2020, lợi nhuận của FE Credit cũng đã bị sụt giảm, dẫn tới tỷ trọng đóng góp trong lợi nhuận hợp nhất của VPBank giảm xuống chỉ còn khoảng 28%, thấp hơn nhiều so với mức 45-50% trước đây.

Tương tự, cho vay khách hàng tại HDSaison – thuộc HDBank cũng tăng trưởng kém trong quý II/2021, chỉ tăng 1,15% so với đầu năm và giảm 3,1% so với quý I/2021, chi đóng góp 7,5% vào dư nợ cho vay hợp nhất của HDBank.

Mức cho vay tăng thấp kéo theo kết quả kinh doanh của HDSaison bị chững lại. Theo số liệu của Công ty chứng khoán HSC, lợi nhuận trước thuế quý II/2021 chỉ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 299 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 590 tỷ đồng, tăng 5,7%.

Tại FCCOM, hiện chưa có thông tin về kết quả kinh doanh quý II/2021, nhưng số liệu của Guotai Junan Việt Nam cho thấy, tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của FCCOM đạt hơn 621 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 606,8 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng của công ty đạt 322 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2,3 tỷ đồng, giảm 64% so với năm 2019.

TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá, tiềm năng của tài chính tiêu dùng Việt Nam là khá lớn khi mà so với các nước trong khu vực ASEAN tỷ trọng cho vay tiêu dùng tại Việt Nam còn khá thấp. Có thể giai đoạn này kinh tế khó khăn nhu cầu vay vốn tiêu dùng giảm, nhưng khi kinh tế hồi phục sau thời kỳ hậu Covid-19, thu nhập của người dân Việt Nam được cải thiện, nhu cầu vay tiêu dùng tiếp tục tăng.

Vì thế theo ông, mảng kinh doanh này vẫn khá hấp dẫn, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thế nhưng các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào thị trường tài chính của một quốc gia dưới hình thức công ty con 100% vốn cũng không phải việc dễ dàng do cần phải đáp ứng rất nhiều điều kiện, tiêu chuẩn. Do vậy, họ thường tìm các công ty tài chính kinh doanh bài bản, nền tảng khách hàng tốt, mạng lưới hoạt động rộng để mua, thay vì phải bắt tay tự làm từ đầu, vừa mất nhiều thời gian, vừa khó khăn trong khâu vận hành, thích nghi văn hoá bản địa.

Đồng quan điểm, một chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, mua lại các công ty tài chính trong nước là cách để các nhà đầu tư ngoại thâm nhập thị trường tài chính của các nước nhanh nhất. Hơn thế, thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam cũng khá phát triển, một số công ty tài chính cũng đang hoạt động khá tốt.

“Nếu hoạt động của các công ty tài chính được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp thì đây là mảng hứa hẹn nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư ngoại”, vị chuyên gia trên nhận định.

Lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, bán một phần vốn của “gà đẻ trứng vàng” là quyết định đúng nếu ngân hàng muốn tiến xa hơn trong lĩnh vực này. Còn trong trường hợp khi hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính tạo gánh nặng chi phí hoạt động cho ngân hàng việc quyết định thoái toàn bộ vốn cũng là điều nên làm.

SMBC của Nhật Bản mua lại Fecredit trong khi đang sở hữu 15% cổ phần của Eximbank là điều trái với quy định của luật

Bàn về thương vụ của VPBank khi bán Fecredit cho SMBC, TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: Trên thị trường tài chính có nhiều tin đồn, nhưng theo quan điểm của tôi là chắc chắn SMBC sẽ thoái vốn khỏi Eximbank sau khi thực hiện xong thương vụ FE Credit của VPBank. Thêm nữa là theo Luật các TCTD thì 1 tổ chức nước ngoài không đc sở hữu quá 15% ở 2 ngân hàng khác nhau, được quy định tại Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (được sửa đổi bởi Khoản 14 Điều 1 Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017).

Theo quy định thì cổ đông và người liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó cổ đông của một tổ chức tín dụng và người liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của tổ chức tín dụng khác. Tôi cũng được biết hiện SMBC đã rút nhân sự trong HĐQT của Eximbank. Nên nếu có thoái vốn thì đây cũng là hoạt động M&A bình thường của SMBC.

Trong khi đó, điều 55 Luật các Tổ chức tín dụng 2010 (được sửa đổi bởi Khoản 14 Điều 1 Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017) quy định:
1. Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
2. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ các trường hợp sau đây:
a) Sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng tại công ty con, công ty liên kết quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 103, khoản 3 Điều 110 của Luật này;
b) Sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa;
c) Sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này.
3. Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác.

Bán vốn để tăng “sức mạnh”

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đánh giá, tiềm năng phát triển thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn rất lớn, bởi triển vọng phục hồi, tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập của người dân tương đối khả quan. Khả năng sinh lời (ROE) của các công ty tài chính tiêu dùng hiện khá tốt, năm 2019 là 15-25%, cao hơn nhiều so với ngân hàng thương mại.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, hiện nay Chính phủ có chính sách kích cầu phát triển kinh tế, các tổ chức tín dụng có định hướng đẩy mạnh cho vay cá nhân. Bên cạnh đó, văn hóa cho vay của người dân cũng đang thay đổi. Vì vậy, thời gian tới, mảng cho vay tiêu dùng sẽ rất phát triển.

Dù thị trường tài chính tiêu dùng rất cạnh tranh, song dư địa thị trường còn rất lớn, miếng bánh thị phần vẫn hấp dẫn, nên nhiều nhà đầu tư ngoại muốn nhảy vào, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc.

Chuyên gia đánh giá việc thoái vốn tại các công ty tài chính của các ngân hàng thực ra là chỉ bán bớt vốn nhằm tăng “sức mạnh” về tài chính và mở rộng quy mô, nhà băng vẫn nắm giữ phần lớn cổ phiếu để chi phối hoạt động.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/vi-sao-hang-loat-ngan-hang-o-at-rao-ban-cong-ty-tai-chinh-d108773.html

Bạn đang đọc bài viết Vì sao hàng loạt ngân hàng “ồ ạt” rao bán công ty tài chính? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng