Lãi suất huy động của nhiều ngân hàng tăng nhẹ
Theo VOV, trong tháng đầu năm mới 2022, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã có sự điều chỉnh theo hướng đi lên để thu hút tiền nhàn rỗi của người dân nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay cuối năm, trong bối cảnh dòng tiền đang chảy nhiều vào thị trường chứng khoán và bất động sản.
Cụ thể, lãi suất ngân hàng VPBank đã điều chỉnh lãi suất huy động vốn tăng ở các kỳ hạn nhất định. Khung lãi suất tiết kiệm áp dụng cho hình thức gửi tại quầy từ 3,2%/năm đến 6,3%/năm, lần lượt áp dụng cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng.
Với hạn mức từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng, lãi suất từ 3,7%/năm đến 5,7%/năm, tăng từ 0,1 đến 0,6 điểm phần trăm so với tháng trước. Với hạn mức từ 10 tỷ đồng trở lên, lãi suất hiện nằm trong khoảng 3,9%/năm - 6,3%/năm, tăng từ 0,3%/năm đến 0,9%/năm.
Kênh tiền gửi online tại VPBank cũng điều chỉnh tăng so với tháng trước. Phạm vi lãi suất tiền gửi cho khách hàng khi gửi online được triển khai trong khoảng 3,5%/năm - 6,5%/năm, tương ứng cho từng kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng.
Tại Techcombank, lãi suất đầu tư cập nhật ngày 06/01/2022: Kì hạn 3 tháng là 6,5%/năm; kì hạn 6 tháng là 7,06%/năm, và kỳ hạn 12 tháng là 8,19%/năm.
Lãi suất tại ngân hàng OceanBank cũng tăng tại nhiều kỳ hạn trong tháng 1/2022, áp dụng cho cả hai hình thức gửi tiền tại quầy và thông qua kênh online (sẽ nhận cùng lãi suất trong khoảng 3,6 - 6,6%/năm). Lãi suất huy động của OceanBank dành cho hai kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng hiện ở mức 6,55%/năm và 6,4%/năm, lần lượt tăng 0,45 điểm % và 0,3 điểm % so với tháng trước.
Ngân hàng MSB cũng đang huy động với lãi suất cao nhất là 7%/năm với khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng, kỳ hạn 12 và 13 tháng.
Trong khi đó, các ngân hàng Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank cũng đồng loạt áp dụng mức lãi suất cao nhất là 5,5-5,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Lý do lãi suất tăng
Nhận định về vấn đề này, chia sẻ với VTV, ông Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế cho hay: "Tôi cho rằng đây là một động thái thị trường hoàn toàn phù hợp với thị trường cung cầu, không có gì đột biến và đáng quan ngại cả. Chúng tôi dự báo lãi suất tiền gửi còn tăng nhẹ một chút để giúp cho hệ thống tín dụng có thể tiếp tục thu hút tiếp dòng tiền gửi trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư khác rất hấp dẫn".
Các chuyên gia nhận định nhiều khả năng các ngân hàng thương mại sẽ tăng nhẹ lãi suất huy động thêm khoảng 0,25 - 0,5 điểm % nhằm hút nguồn vốn. Tuy nhiên, sẽ không tác động nhiều tới mặt bằng lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ cho sự hồi phục của nền kinh tế.
Bà Phạm Thị Hoàng Anh - Viện trưởng Học Viện Ngân hàng cho hay: "Nếu chúng ta tăng mặt bằng lãi suất huy động dẫn đến mặt bằng lãi suất cho vay cũng sẽ bị chịu tác động. Ở các kỳ hạn xa hơn, các ngân hàng vẫn phải phụ thuộc vào cung cầu, vào vốn đi vay và cho vay. Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới vẫn sẽ duy trì ở mức hiện tại và sẽ hoạt động theo đúng định hướng trần mà Ngân hàng Nhà nước đã quy định".
Giới chuyên gia cũng dự báo nếu xét trong ngắn hạn, lãi suất cho vay có thể có những áp lực tăng nhưng lâu dài xu hướng vẫn sẽ ổn định, nỗ lực thì có thể giảm thêm, nhất là với những lĩnh vực ưu tiên.
Theo VOV, giới phân tích thị trường đánh giá, lãi suất huy động có xu hướng tăng trở lại sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, một phần để thu hút dòng tiền nhàn rỗi trở lại ngân hàng thay vì đổ vào các kênh đầu tư khác, như chứng khoán và bất động sản.
Báo cáo vĩ mô và dự báo thị trường năm 2022 của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) lại cho rằng, mặt bằng lãi suất năm nay khó giảm thêm so với cuối năm 2021 và nhiều khả năng tăng nhẹ trở lại quanh ngưỡng 0,25-0,5%, nhất là trong nửa cuối của năm 2022.
Số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tăng trưởng tiền gửi từ khu vực dân cư có xu hướng giảm mạnh, từ mức 7,5% vào năm 2020 còn khoảng 4% trong năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang được duy trì ở mức nền thấp, chỉ dao động 3% - 4%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7% - 5%/năm đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,2% - 6,5%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng.