Dự án tiền ảo OCB – khi “Hụi” khoác áo Bitcoin
Vụ sập sàn Bitconnect cuối năm 2017 nhưng vẫn không cảnh tỉnh được nhiều nhà đầu tư mờ mắt trước mức lãi suất khổng lồ, tiếp tục lao vào đầu tư mô hình Lending, MLM, Ponzi để rồi tiền lại mất, tật tiếp tục mang, nhận lãnh những hậu quả thê thảm.
Khoảng 1 năm trở lại đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm, câu lạc bộ (CLB), cá nhân đăng status khoe tiền, công khai mời chào tham gia loại hình đầu tư vào dự án đồng tiền ảo. Thủ đoạn chính của các đối tượng là lợi dụng việc đầu tư tiền ảo Bitcoin lợi nhuận "khủng" rồi tạo ra một loại đồng tiền mới, và nói rằng đồng tiền này cũng sẽ có lợi nhuận cao. Sau đó, các đối tượng kêu gọi hàng trăm, hàng ngàn người tham gia đầu tư vào loại hình được cho là “siêu lợi nhuận” này. Đây là hình thức lừa đảo đầu tư tài chính, huy động vốn dưới hình thức đa cấp”.
Các đối tượng tập trung đánh vào lòng tham của người dân với lợi nhuận cao từ 90%, 120% có khi lên đến 250% so với vốn bỏ ra. Cuối năm 2019, thị trường Bitcoin phục hồi thì đã bắt đầu xuất hiện các dự án Lending trở lai cùng với những lời quảng cáo trả lãi suất cao ngất ngưởng khi tham gia đầu tư vào dự án tiền ảo như Câu lạc bộ Hành trình triệu đô - ADA, của Câu lạc bộ kiếm tiền online – OCB. Hàng triệu USD “tiền tươi thóc thật” của nhiều nhà đầu tư có nguy cơ sẽ trở thành ảo ảnh.
Đối tượng chào mời trên mạng và bảng lending mức lợi nhuận khủng của OCB. |
Tòa soạn Thương hiệu và Pháp luật nhận được phản ánh của nhiều bạn đọc về một kênh “Kiếm Tiền online Club” giới thiệu về dự án đầu tư đồng tiền ảo OCB cùng với dự án Lending với lợi nhuận lên đến 10, 100, thậm chí lên đến 1000 lần.
Một số đối tượng đã lên mạng giới thiệu về một đồng tiền ảo có tên OCB và dự án Lending đồng Coin này. Trên Youtube, đối tượng HĐ giới thiệu về dự án Lending OCB với lời khẳng định: Chỉ có Lending mới làm coin tăng giá đúng kỳ vọng. Xét cho cùng các nhà đầu tư khi mua coin đều kỳ vọng chúng tăng giá gấp 10, 100 thậm chí gấp 1000 lần (giống Bitcoin trước kia).
Cùng với lời giới thiệu của đối tượng HĐ, thì ông chủ của OCB hiện tại là ông chủ của Bitconnect- dự án lừa đảo đã sập từ năm 2017 khiến hàng vạn nhà đầu tư lao đao. Sau khi Bitconnect sập, ông chủ của nó và e kíp đã ấp ủ đồng OCB và khai sinh dự án này vào tháng 10/2019. Hiện tại, đồng tiền ảo OCB không có trong hệ thống các đồng tiền ảo quốc tế mà do các đối tượng này tự lập ra.
Dự án “Câu lạc bộ hành trình triệu đô” biến mất cùng tiền tỷ của nhà đầu tư
Trước câu lạc bộ OCB này, nhiều cơ quan truyền thông báo chí đã có những điều tra và đăng tải hàng loạt phóng sự về các thương vụ lừa đảo các nhà đầu tư vào tiền ảo theo phương thức “gọi vốn đa cấp thời 4.0 kênh đầu tư, đang có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc dụ dỗ nhà đầu tư tham gia vào dự án tiền ảo dự án Hành trình triệu đô giới thiệu về dự án đầu tư đồng tiền Cardano (ADA).
Theo đó, thời điểm tháng 5/2020, theo những lời quảng cáo đầy hấp dẫn về đồng ADA đang là đồng tiền có tiềm năng bậc nhất trên sàn tiền ảo quốc tế, đầu tư vào đây được cam kết sẽ trả lợi nhuận 5%/ngày cho đến khi nhà đầu tư thu được mức lợi nhuận 150%. Tất cả lợi nhuận, nhà đầu tư sẽ được nhận đủ trong vòng 300 ngày và được trả bằng đồng ADA.
Mờ mắt, nhiều nhà đầu tư đã bỏ ra hàng nghìn USD để đầu tư vào tiền ảo. Để mua được đồng tiền này, nhà đầu tư phải lập một tài khoản trên trang web có địa chỉ https://cryptostake.org do CLB Hành trình triệu đô lập ra. Sau đó, mua đồng USDT (một đồng tiền điện tử khá phổ biến nhưng chưa được pháp luật Việt Nam cho phép giao dịch) trên các sàn tiền ảo để chuyển sang đồng ADA. Cũng có người chuyển tiền trực tiếp cho thành viên của CLB để mua hộ.
Tuy nhiên, khi hàng loạt nhà đầu tư xuống tiền, sau gần 1 tháng CLB Hành trình triệu đô đánh sập hệ thống và có dấu hiệu chiếm đoạt số tiền đầu tư, nhiều nhà đầu tư rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan", nạn nhân không dám chia sẻ với gia đình, cũng như phản ánh đến cơ quan chức năng do lo ngại đầu tư sai quy định.
“Hàng trăm tỷ đồng của nhà đầu tư bỏ tiền vào trang web này để mua đồng ADA đều không rút ra được. gọi điện cho ban lãnh đạo CLB thì không bắt máy, một số thành viên trong CLB trước đây làm môi giới giờ phủi trách nhiệm nói không biết, không liên quan. Đến ngày 21/7, trang web https://cryptostake.org không còn truy cập được nữa”, một nhà đầu tư bức xúc nói.
Tính cả hệ thống mà CLB Hành trình triệu đô đã thu hút, có tới hàng nghìn người tham gia với số tiền đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Hiện tại, nhiều thành viên câu lạc bộ bắt đầu làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng.
Dự án ADA đóng cửa, các thành viên của CLB Hành trình triệu đô đã lên kế hoạch xây dựng một dự án đồng tiền điện tử khác có tên Bithera (BHC) và lập ra các trang web có địa chỉ https://bithera.com, https://bithera.vn, https://cryptoworldwide.io do một cá nhân trong nhóm là Trần Văn T. đứng tên. Ngoài ra, một số thành viên khác lập nên CLB Triệu phú tự thân với hình thức hoạt động tương tự.
Theo Thương hiệu & Pháp luật