Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Hậu chuyển nhượng vốn, khách vẫn hốt hoảng vì bị giả mạo vay vốn tại FE Credit ?

DOANH NHÂN VIỆT NAM 14:04 13/05/2021

Hoàn tất thương vụ chuyển nhượng vốn cho doanh nghiệp nước ngoài, FE Credit vẫn tiếp tục tái diễn những khoản vay tiền giả mạo

và bị khách hàng phàn nàn về khoản nợ bị rò rỉ cho những đối tượng “xã hội” bên ngoài?

Vừa qua, Tạp chí Doanh Nhân Việt Nam tiếp nhận thông tin phản ánh của anh Lương Ngọc Chung (SN 1992) trú tại Thị trấn Sơn Thịnh, Văn Chấn, Yên Bái về một khoản vay 49 triệu đồng với Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit).

Anh Chung cho biết, trước đó chưa từng liên lạc hay cung cấp thông tin cho Fecredit để làm hồ sơ vay vốn. Nhưng anh Chung lại bị các đối tượng đòi nợ nhắn tin đe dọa khiến gia đình anh hết sức lo sợ.

Cá nhân anh Chung cho rằng không hiểu sao thông tin của anh không hề cung cấp cho ai mà tự FE Credit có thể tạo một khoản vay không có chữ ký, cũng như xác nhận của anh Chung. Việc này đang khiến gia đình anh Chung thấy hoang mang lo sợ, ảnh hưởng đến công việc hiện tại cũng như danh dự, uy tín của anh.

Hiện anh Chung đang yêu cầu phía Fecerdit làm rõ về khoản vay “trên trời rơi xuống” đang làm khổ sở cuộc sống, danh dự của anh. Được biết, xác minh ban đầu thì các thông tin của anh đã bị giả mạo, mặc dù số CMND, số điện thoại trùng khớp nhưng ảnh người vay lại là người khác.

Liên quan đến vụ việc trên, PV đã liên hệ đến FE Credit nhằm làm rõ những thắc mắc của độc giả, cũng như xác định nguyên nhân về thông tin giả mạo xác lập khoản vay của anh Chung.

Theo trả lời của đại diện FE Credit, qua quá trình xác minh các thông tin được ông Chung cung cấp, FE Credit xác định ông Lương Ngọc Chung đã bị kẻ gian sử dụng thông tin cá nhân để làm giả hồ sơ vay tại FE Credit một cách tinh vi. Để bảo đảm quyền lợi của ông Chung, FE Credit đã xóa khoản vay đứng tên ông Chung trong hệ thống ghi nhận dư nợ tín dụng của công ty, đồng thời đang tiến hành thủ tục điều chỉnh báo cáo về thông tin dư nợ tín dụng của ông Chung phát sinh từ vấn đề trên tại Trung Tâm Thông Tin Tín Dụng Quốc Gia Việt Nam (CIC), dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 25/05/2021.

“Phương án xử lý này đã được chúng tôi trao đổi và nhận được sự đồng ý từ ông Lương Ngọc Chung vào ngày 10/05/2021. Đồng thời, công ty cũng sẽ làm đơn tố cáo và chuyển toàn bộ hồ sơ của vụ làm giả hồ sơ vay này sang cơ quan công an để điều tra, làm rõ truy tìm đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” - đại diện FE Credit cho biết.

FE Credit khẳng định mọi hoạt động, sản phẩm dịch vụ của công ty được thực hiện theo đúng quy trình, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý. Qua vụ việc này, công ty cũng khuyến cáo các quý khách hàng và người dân luôn đề cao tinh thần bảo mật đối với thông tin, giấy tờ cá nhân, góp phần đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người.

Điều đáng nói, đây không phải là nạn nhân đầu tiên rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười khi trở thành “khách hàng” bất đắc dĩ của FE Credit. Trước đó, dư luận cũng nhiều lần phản ánh các vụ việc có “kịch bản” tương tự như anh Chung.

Tháng 3/2021, khi làm thủ tục gia hạn thẻ tín dụng, khách hàng Nguyễn Ngọc M. bất ngờ phát hiện có khoản vay 35 triệu đồng tại Công ty tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) từ năm 2019. Khoản vay này chậm trả nên bị xếp vào diện nợ xấu, khiến anh không thể vay mới hay gia hạn cũng như không được mở thẻ tín dụng mới.

Sau thông báo của ngân hàng, anh tự tra cứu trên trang web của FE Credit và phát hiện có hợp đồng vay đứng tên và chứng minh thư nhân dân (CMND) của mình, dù trước đó chưa từng liên hệ hay giao dịch với công ty tài chính này.

Làm việc với công ty tài chính, anh biết hồ sơ vay dựa trên số CMND của anh nhưng người vay lại là nữ. Tài khoản được giải ngân trùng với họ tên nhưng lại được mở tại một ngân hàng khác và không phải tài khoản của anh.

Bình cũ, rượu có mới?

Vừa qua, tập đoàn Sumitomo Mitsui (SMBC) đã chi ra số tiền 1.37 tỷ USD để mua lại 49% vốn của FE Credit. Giao dịch này được thực hiện thông qua pháp nhân là công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF) do SMBC sở hữu 100% vốn.

Tập đoàn SMBC có tổng tài sản trên 2100 tỷ USD theo đánh giá tháng 12/2020, là một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất tại Nhật Bản.

Đối tác đến từ Nhật Bản của VP Bank hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bán lẻ, ngân hàng doanh nghiệp, và ngân hàng đầu tư trên toàn cầu. Tập đoàn này đã mở rộng cơ sở hoạt động trên 40 quốc gia.

Công ty SMBCCF thuộc SMBC đã dẫn đầu thị trường tài chính tiêu dùng tại nội địa Nhật Bản. SMBCCF cũng mở rộng hoạt động tại châu Á, với khá nhiều chi nhánh tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Trung Quốc.

Được biết, khoản tiền đổ vào công ty FE Credit thuộc một phần trong chiến lược trung hạn nhằm củng cố và phát triển thêm nền tảng kinh doanh tại châu Á của SMBC.

Dường như, thương vụ chuyển nhượng trên chưa đủ thời gian để giúp thay đổi thương hiệu và đổi mới chiến lược tiếp cận khách hàng của FE Credit. Tính chuyên nghiệp mà doanh nghiệp này muốn hoàn thiện vẫn chưa ngăn được những rủi ro trong hoạt động cho vay.

Vì đa phần các vụ việc giả mạo khoản vay đều có chung kịch bản là kẻ lừa đảo làm giả hồ sơ mạo danh, đăng ký khoản vay và được duyệt qua ứng dụng vay nhanh $nap của FE Credit. Các đối tượng chỉ việc giữ nguyên thông tin số chứng minh nhân dân, tên tuổi của người bị giả mạo, nhưng thay đổi số điện thoại, địa chỉ liên lạc để tiếp cận khoản vay. Như vậy việc thẩm định thông tin sẽ thực hiện một cách gián tiếp chứ không có chữ ký của chủ thể khoản vay đó.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, vai trò thẩm định của tổ chức tín dụng là vô cùng quan trọng. Nếu thẩm định điều tra thông tin 80% việc đó thì giả mạo sẽ không thế xảy ra. Tại một số công ty tài chính, do tiết kiệm chi phí sử dụng một số tiền nhỏ hoặc không muốn chi phí lớn cho việc điều tra khiến cho việc thẩm định trở nên “qua loa” và tin tưởng theo những thông tin khách hàng cung cấp tạo điều kiện tội phạm lừa đảo sẽ dễ giả mạo hồ sơ vay.

Ngoài ra, không ít các khách hàng từng đặt nghi ngờ về việc Công ty Tài chính “bán nợ” cho các đối tượng xã hội liên hệ doạ nạt yêu cầu trả khoản vay. Bởi lẽ, có những khoản vay mà ngay cả người đứng tên còn không biết, vậy tại sao những cá nhân không liên quan lại biết rõ thông tin. Các đối tượng còn liều lĩnh nhắn tin gây áp lực đến chủ khoản vay “giời ơi” kia.

Năm 2020, FE Credit vẫn giữ ngồi đầu về thị phần tại Việt Nam với quy mô áp đảo so với đối thủ cùng ngành, với hơn 20.000 chi nhánh và đội ngũ nhân sự khủng 13.000 nhân viên. Năm 2020, FE Credit đạt trên 17.200 tỷ đồng là thu nhập lãi thuần. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.700 tỷ đồng. Hiện tại, công ty này được định giá vào khoảng 2.8 tỷ USD - theo VP Bank.

Còn nữa

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/hau-chuyen-nhuong-von-tinh-trang-gia-mao-vay-von-fe-credit--32229.html

Bạn đang đọc bài viết Hậu chuyển nhượng vốn, khách vẫn hốt hoảng vì bị giả mạo vay vốn tại FE Credit ? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng