Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Giảm trần lãi suất huy động tác động như thế nào đến nền kinh tế?

DTVN 17:11 20/11/2019

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay ngắn hạn được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Chiều 18/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có các quyết định về việc điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là TCTD), lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với các lĩnh vực, ngành kinh tế.

Chứng khoán sẽ tích cực?

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Ngân hàng cho biết giá chứng khoán, giá cổ phiếu và lãi suất luôn luôn đi ngược chiều với nhau. Thông thường, khi giảm lãi suất giá chứng khoán sẽ được đẩy lên. Do đó, trong những điều kiện không thay đổi thì việc giảm lãi suất cho vay sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.

Theo chuyên gia, trong trường hợp NHNN giảm lãi suất 0,5%/năm thì giá cổ phiếu sẽ tăng lên. Mặc dù vậy, ở bất kỳ thị trường nào giá cổ phiếu cũng dựa vào rất nhiều các yếu tố khác nữa.

Thực tế hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang dựa khá nhiều vào hoạt động của khối ngoại. Nếu hoạt động của khối ngoại chuyển động mạnh, hoạt động rút vốn được thực hiện thì sẽ tác động xấu đến giá chứng khoán.

Rủi ro bùng phát lạm phát?

Cũng theo chuyên gia Hiếu,trước hết phải khẳng định thông tin NHNN giảm lãi suất là một động thái tích cực và hợp lý ở thời điểm này. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp thì việc giảm lãi suất cho vay trên của NHNN như nêu trên là hoàn toàn hợp lý.

Bên cạnh đó, việc cắt giảm lãi suất cũng sẽ tác động đến tỷ giá khi làm giảm giá trị VND một cách tương đối. Vì vậy, việc giảm lãi suất như trên sẽ có tác động hỗ trợ Việt Nam trong hoạt động xuất khẩu.

Trên thực tế, việc giảm lãi suất tại bất kỳ ngân hàng trung ương nào trên thế giới cũng luôn được coi là động thái nới lỏng chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên theo chuyên gia, tại thời điểm hiện nay, Việt Nam đang kiểm soát lạm phát một cách rất hiệu quả. Đến cuối năm nay, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4% như Quốc hội đã đề ra. Như vậy, trong điều kiện NHNN đang kiểm soát lạm phát tốt thì việc giảm lãi suất ở mức độ kiểm soát được có thể không tạo ra nhiều rủi ro về bùng phát lạm phát.

Kết quả kinh doanh nhóm ngân hàng sẽ ra sao?

Liên quan tới hoạt động kinh doanh của nhóm ngân hàng, ông Hoàng Công Tuấn - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô của CTCK MBS cho rằng việc áp trần lãi suất mới sẽ ảnh hưởng phân hóa đối với nhóm ngân hàng. Các ngân hàng lớn vẫn đang có mức lãi suất huy động khá thấp, áp lực từ việc áp mức trần mới không nhiều. Một số ngân hàng nhỏ sẽ chịu áp lực cao hơn do dùng tiền huy động với lãi suất huy động cao trước đây cho vay với lãi suất thấp hơn làm biên lợi nhuận sụt giảm.

Ông Hoàng Công Tuấn - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô của CTCK MBS

Cũng theo báo cáo liên quan của MBKE, các ngân hàng thương mại lớn đều đang có nguồn vốn huy động dồi dào nhưng vẫn cần phải duy trì lãi suất huy động ở mức cao vừa phải để giữ khách hàng gửi tiền trong tình trạng cạnh tranh với các ngân hàng nhỏ hơn (có thể áp dụng lãi tiền gửi trên 8%). Cần lưu ý rằng mức độ cạnh tranh của thị trường ngân hàng vẫn cao và khác hàng gửi tiền vẫn ưu tiên lãi suất tiền gửi cao mà chưa để tâm nhiều tới rủi ro mất tiền. Do đó, mức độ cạnh tranh lãi suất huy động vẫn sẽ cao.

Vì thế, việc NHNN hạ trần lãi suất tiền gửi sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng lớn hạ lãi suất cho vay mà không làm ảnh hưởng biên lợi nhuận.

Lấy ví dụ trường hợp Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) công bố quyết định giảm đồng loạt 0.5%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu bằng VNĐ của doanh nghiệp, cho giai đoạn 01/11/2019 – 31/12/2019.

Việc giảm lãi suất này được sẽ có tác động trực tiếp tới trên 320 nghìn tỷ đồng dư nợ của Vietcombank và lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm 260 - 300 tỷ đồng trong 2 tháng cuối năm. Tuy nhiên, trước đó, lãi suất huy động của VCB cũng đã được điều chỉnh giảm 0.2% theo xu hướng của thị trường. Việc lãi suất huy động điều chỉnh giảm cũng sẽ tác động giúp lợi nhuận của VCB tăng khoảng 160 tỷ đồng. Do vậy tác động của việc giảm lãi suất cho vay đến lợi nhuận của VCB trong quý 4 được đánh giá là không đáng kể.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trước hết sẽ làm giảm doanh thu của các ngân hàng. Tuy nhiên, nếu chi phí vốn của các ngân hàng cũng giảm tương đương thì biên độ lợi nhuận của các ngân hàng vẫn được duy trì, đâu đó khoảng 3%.

Do đó, doanh thu của ngân hàng tuy có giảm nhưng lợi nhuận của các ngân hàng vẫn được duy trì nếu ngân hàng cũng giảm chi phí vốn.

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay hoạt động chủ yếu dựa trên vốn vay của ngân hàng nên chi phí vốn sẽ chiếm tỷ trọng tương đối lớn. Vì vậy, việc giảm thêm lãi suất ở mức 0,5%/năm cũng có những tác động nhất định. Tuy nhiên theo tôi mức ảnh hưởng là không nhiều.

Phương Lê (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn//giam-tran-lai-suat-huy-dong-tac-dong-nhu-the-nao-den-nen-kinh-te-d65428.html

Bạn đang đọc bài viết Giảm trần lãi suất huy động tác động như thế nào đến nền kinh tế? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng