Giá vàng thế giới hôm nay 14/4
Giá vàng thế giới giảm nhẹ do áp lực chốt lời và thị trường tài chính vẫn thận trọng với tình hình dịch Covid-19. Tuy nhiên, vàng được dự báo còn tăng tiếp do Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố “làm tất cả” để giải cứu kinh tế.
Vàng giảm nhẹ sau khi lên mức 1.700 USD/ounce do áp lực điều chỉnh thông thường khi mà lực bán chốt lời tăng lên. Trong tuần trước, vàng đã lên mức cao nhất trong 7 năm rưỡi.
Đêm 13/4 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.698 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.736 USD/ounce.
Giá vàng hôm nay cao hơn 31,6% (405 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 46,8 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 1,3 triệu đồng so với vàng trong nước.
Trên thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống còn 1.682,65 USD/ounce sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 9/3 trong phiên thứ Sáu tuần trước (10/4). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn giảm 1,1% xuống còn 1.732,90 USD/ounce.
Theo nhà phân tích Kyle Rodda của công ty môi giới tài chính IG Markets cho rằng, sự suy giảm của thị trường phiên này là do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư. Chuyên gia này cũng lưu ý giá vàng đang phải đối mặt với ngưỡng kháng cự kỹ thuật quanh mức 1.690 USD/ounce, song nhìn chung, giá vàng vẫn được hỗ trợ rất tốt từ thông tin về các biện pháp hỗ trợ kinh tế của Fed.
Hiện tại các nước bắc Mỹ và châu Âu đang theo dõi xem đà lây nhiễm virus corona có tiếp tục giảm hay không để chính phủ các nước khởi động lại các nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian vừa qua.
Mốc thời gian được đề cập nhiều nhất là vào mùng 1 tháng 5 tới. Tuy nhiên, đây vẫn được xem là kịch bản tốt nhất. Ngược lại, các nền kinh tế sẽ tiếp tục ngưng trệ và ảnh hưởng sẽ ngày càng to lớn.
Mặc dù vàng giảm nhẹ do đồng USD tăng trở lại và nhiều nhà đầu tư vẫn thận trọng giữ tiền mặt giữa lúc dịch bệnh lên cao, mặt hàng kim loại này vẫn được dự báo sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới, nhất là sau khi Fed tuyên bố “làm tất cả” để giải cứu kinh tế.
Ngân hàng UBS gần đây dự báo vàng sẽ lên 1.800 USD/ounce vào cuối quý 2 và quý 3 tới do lãi suất thực của Mỹ giảm mạnh và được dự báo sẽ còn giảm sâu hơn nữa trong thời gian tới. Hơn thế, dịch Covid-19 được dự báo sẽ giảm trong nửa cuối 2020. Các thị trường sẽ ổn định trở lại và dòng tiền sẽ tìm đến vàng.
Trên thực tế, vàng đã tăng mạnh và vượt trội các loại tài sản khác trong thời gian qua. Từ đầu năm 2020, vàng đã tăng hơn 15%, trong khi chứng khoán Mỹ giảm khoảng 14%. Các biểu đồ phân tích kỹ thuật đều cho thấy giá vàng còn đi lên. Giá vàng tiếp tục vượt xa tất cả các đường trung bình động.
Giá vàng trong nước
Trên thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 13/4 đa số các cửa hàng vàng tăng giá vàng 9999 thêm khoảng 300 ngàn đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên áp cuối tuần trước.
Kết thúc phiên giao dịch 13/4, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 47,30 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,10 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 47,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,42 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mở cửa phiên giao dịch ngày 14/4, giá vàng hôm nay được Công ty vàng bạc đá quý SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức 47,55 triệu đồng/lượng mua vào - 48,42 triệu đồng/lượng bán ra, tăng đồng thời 150.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần.
Tại TP.HCM, giá vàng SJC cũng có mức tăng tương tự, niêm yết ở mức 47,55 triệu đồng/lượng mua vào - 48,40 triệu đồng/lượng bán ra.
Trong khi đó, Phú Qúy SJC lại giảm 200.000 đồng/lượng tại chiều mua, niêm yết ở mức 47,10 triệu đồng/lượng, chiều bán ra giữ nguyên mức giá so với phiên liền trước, niêm yết ở mức 48,00 triệu đồng/lượng.
Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng không có sự có sự điều chỉnh về giá, vẫn giữ nguyên mức niêm yết giá vàng PNJ tại Hà Nội và TP.HCM ở mức 47,00 triệu đồng/lượng mua vào - 48,20 triệu đồng/lượng bán ra.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ