Hà Nội, Thứ Năm Ngày 18/04/2024

Con các CEO tung tiền gom cổ phiếu: Bình mới rượu cũ!

Hoàng Anh/Sở hữu trí tuệ 17:41 12/04/2020

Một trong những chiêu bài mà các lãnh đạo ngân hàng đưa ra sử dụng là đưa chính con của mình ra để gom mua cổ phiếu.

Mới đây, ông Nguyễn Đức Giang vừa thông báo đăng ký mua 12 triệu cổ phiếu của ngân hàng VPBank theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn hoặc thỏa thuận từ 15/4 đến 14/5 để đầu tư tài chính cá nhân. Ông Giang là con trai của Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh.

Hiện con trai CEO VPBank chưa sở hữu cổ phần tại ngân hàng này. Nếu thực hiện thành công giao dịch, ông Giang sẽ nắm 0,5% vốn VPBank. Cổ phiếu VPBank chốt phiên giao dịch ngày 10/4 ở vùng giá 18.650 đồng. Tạm tính theo mức giá này, số tiền con trai CEO VPBank bỏ ra để sở hữu 12 triệu cổ phần nhà băng này khoảng 224 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Vinh sinh năm 1958, là tổng giám đốc của VPBank từ năm 2012. Trước đó, ông từng làm phó tổng giám đốc Vietnam Airlines và tổng giám đốc ngân hàng Techcombank.

Tại VPBank, ông Vinh đang sở hữu 32,4 triệu cổ phần, tương đương 1,3% vốn ngân hàng. Vợ ông, bà Đỗ Quỳnh Ngân, đồng thời nắm giữ 16,2 triệu cổ phiếu VPBank. Khối cổ phần của vợ chồng ông Vinh ước tính có giá trị hơn 900 tỷ đồng trên sàn chứng khoán. Năm 2019, VPBank đạt lợi nhuận trước thuế 10.334 tỷ đồng, là một trong ba ngân hàng nhóm ngoài quốc doanh cán mốc lợi nhuận 10.000 tỷ.

Với kịch bản dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý II, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế 2020 của ngân hàng có thể đạt 11.472 tỷ đồng, tăng 11%.

Cổ phiếu NCB và VPBank liên tục rớt giá nằm ở mức thấp hiện nay

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VPBank từ vùng giá 20.000 đồng hồi đầu năm đã tăng nóng hơn 40% và vượt mốc 28.000 đồng cuối tháng 2. Tuy nhiên, theo đà giảm chung của thị trường, cổ phiếu VPBank đã rớt giá xuống 16.950 đồng cuối tháng 3 trước khi hồi phục trở lại. Phiên giao dịch gần đây VPB chỉ còn nằm ở mức 18 nghìn đồng.

Trước đó, kịch bản con của các lãnh đạo ngân hàng mua bán giao dịch cổ phiếu cũng được lặp lại rất nhiều lần. Dường như đây là điểm chung của các ngân hàng, khi mà giá cổ phiếu rớt thì chiêu cũ lại được lặp lại trên thị trường.

Ông Nguyễn Trần Trung Sơn, con trai Chủ tịch Ngân hàng Quốc Dân (NCB) đăng ký mua 8,2 triệu cổ phiếu NVB theo phương thức thoả thuận. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 20/2 đến 18/3.

Trên thị trường, NVB đang được giao dịch với vùng giá 9.000 đồng một cổ phiếu. Ước tính, ông Sơn sẽ phải bỏ ra khoảng 70 tỷ đồng để mua vào toàn bộ số cổ phiếu này. Bố đẻ của ông Sơn là Chủ tịch Nguyễn Tiến Dũng, đang nắm giữ 6,5 triệu cổ phiếu NVB, tương đương tỷ lệ sở hữu 1,6%.

Vợ Chủ tịch NCB là bà Trần Hải Anh, Uỷ viên HĐQT cũng đang nắm gần 20,2 triệu cổ phiếu, tương đương 4,96% cổ phần niêm yết. Mới đây, NCB vừa họp đại hội cổ đông bất thường và chốt phương án tăng vốn thêm 3.000 tỷ đồng lên mức 7.100 tỷ. Việc tăng vốn được thực hiện bằng cách chào bán 10 triệu cổ phần cho người lao động và 290 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu (cổ đông sở hữu một cổ phiếu có quyền mua 0,713 cổ phần tăng vốn mới), dự kiến thực hiện ngay trong quý I/2020.

Nguồn vốn mới được sử dụng chủ yếu nhằm bổ sung nguồn vốn tự có để cho vay trung và dài hạn. Năm 2019, lợi nhuận của NCB đạt 55 tỷ, giảm 37% so với năm trước. Hiện giá cổ phiếu giao dịch đang nằm ở vùng 8 nghìn đồng. NCB cũng là mã ngân hàng đang có giá trị cổ phiếu thuộc top thấp nhất trong hệ thống nhà băng hiện nay với tổng tài sản của nhà băng tính đến cuối 2019 là 80.394 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng đạt gần 59.100 tỷ, dư nợ tín dụng gần 37.500 tỷ.

Cũng giống như ngân hàng, trong lĩnh vực xây dựng, sắt thép, thị trường chứng khoán cũng dồn dập đón nhận thông tin các con trai, thiếu gia của các CEO tập đoàn liên tiếp vung tiền gom cổ phiếu.

Ví như, ông Trần Vũ Minh, con trai của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, đăng ký mua 40 triệu cổ phiếu chỉ trong hơn một tháng khi giá tiếp tục giảm sâu. Từ 27/3 đến 24/4, ông Trần Vũ Minh dự kiến tiếp tục mua vào 20 triệu cổ phiếu Hòa Phát, đúng bằng số lượng cổ phiếu vừa mua thành công từ 17/3 đến 23/3.

Ông Minh là con trai của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long. Nếu mua thành công toàn bộ khối cổ phần trên, con trai chủ tịch Hòa Phát sẽ gom 40 triệu cổ phiếu doanh nghiệp trong hơn một tháng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 1,45%. Hiện Chủ tịch Trần Đình Long cùng vợ và con trai đang quản lý tổng cộng 33,5% cổ phần của Hòa Phát. Sau giao dịch tới đây, tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Long tại công ty có thể tăng lên 34,2%.

Chốt phiên giao dịch cách đây ít ngày giá cổ phiếu Hòa Phát giao dịch ở mốc 18 nghìn đồng.

Như vậy, số tiền thiếu gia của chủ tịch Hòa Phát chi ra trong hơn một tháng để gom 40 triệu cổ phiếu trên ước tính trên dưới 700 tỷ đồng. Dù con trai Chủ tịch Trần Đình Long chi số tiền lớn để mua cổ phiếu, giá cổ phiếu của Hòa Phát vẫn chưa cải thiện và liên tục đi xuống trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường chứng khoán.

So với thời điểm ông Minh lần đầu bố mua 20 triệu cổ phiếu, giá cổ phiếu của doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam đã giảm 12%. Nếu so với mức đỉnh 26.300 trong năm nay, cổ phiếu Hòa Phát đã sụt giảm 36% giá trị. Thời gian qua, cổ phiếu Hòa Phát còn thường xuyên nằm trong top 5 mã bị nhà đầu tư ngoại bán ròng nhiều nhất mỗi phiên giao dịch.

Mới đây, Tập đoàn Hòa Phát đã thông qua chủ trương điều chỉnh điều chỉnh dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất - giai đoạn mở rộng tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2019, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 sau gần 3 năm và đang vận hành thử nghiệm lò cao số 1 và 2 cùng các hạng mục liên quan trong chuỗi sản xuất khép kín từ quặng sắt tới thép xây dựng. Đối với giai đoạn 2, trên 80% hạng mục thiết bị chính đã hoàn thành, dự kiến đưa vào hoạt động 2 lò cao còn lại và dây chuyền đúc cán thép dẹt (HRC) vào hoạt động trong quý II/2020.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019, chi phí xây dựng cơ bản dở dang dự án khu liên hợp gang thép Dung Quất của Hòa Phát là gần 33.100 tỷ đồng, tính tới cuối 2019.

Cùng xu thế đó, Phó TGĐ Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), ông Lê Viết Hiếu vừa ra thông báo đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu HBC nhằm mục đích đầu tư. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 2/4 đến 1/5 qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Ông Lê Viết Hiếu là con trai Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình, ông Lê Viết Hải. Nếu giao dịch diễn ra thành công, ông Hiếu sẽ nắm giữ trực tiếp 5,2 triệu cổ phiếu HBC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 2,25%.

Trên thị trường, cổ phiếu HBC đang giao dịch quanh mức 6 nghìn đồng/cổ phiếu. Tạm tính tại mức thị giá hiện tại, ông Hiếu sẽ phải chi ra khoảng 30,9 tỷ đồng cho giao dịch lần này.

Trong bối cảnh cổ phiếu trên thị trường chịu tác động của dịch Covid-19, HBC mới đây đã quyết định mua lại 10 triệu cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ nhằm bình ổn giá cổ phiếu trên thị trường.

Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh trong khoảng thời gian từ ngày 3/4 đến ngày 2/5 với mức giá theo thị trường. Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo cấp cao của Hòa Bình cũng liên tục mua thêm cổ phiếu.

Giữa thời điểm cả thị trường chứng khoán gặp khó khăn, theo các chuyên gia tài chính, các nhà đầu tư hết sức cẩn trọng trong việc đầu tư xuống tiền gom cổ phiếu nhất là lĩnh vực tài chính ngân hàng vốn có nhiều 'chiêu trò' khi mà các thiếu gia tài phiệt được đưa ra để gom mua cổ phiếu của chính nhà băng do bố, mẹ mình sở hữu chi phối.

Được biết, mới đây thiếu gia nhà ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch T&T cũng đã tung hàng trăm tỷ sở hữu cổ phiếu của ngân hàng SHB. Ngay sau đó không lâu, cổ phiếu ì ạch 10 năm nằm ở mức giá 2 ly trà đá ngay lập tức tăng phi mã và chỉ trong chưa đầy 1 tháng thiếu gia nhà bầu Hiển đã kiếm lời hàng trăm tỷ. Điều này khiến cho không ít nhà đầu tư 'đứng ngồi không yên' trước các thông tin khi mà con của các lãnh đạo tập đoàn chi tiền mua cổ phiếu.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/con-cac-ceo-tung-tien-gom-co-phieu-binh-moi-ruou-cu-d73448.html

Bạn đang đọc bài viết Con các CEO tung tiền gom cổ phiếu: Bình mới rượu cũ! tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng