Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Lãi suất huy động tăng, dòng tiền dịch chuyển sang tiết kiệm

NGƯỜI ĐƯA TIN 08:17 05/11/2022

Lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục tăng mạnh trong khi nhiều kênh đầu tư khác đầy rủi ro khiến dòng tiền chuyển hướng "chảy" vào tiết kiệm.

Lãi suất tăng chóng mặt

Thời gian qua, mặt bằng lãi suất đã liên tục tăng mạnh sau 2 lần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành thêm 1% và trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng lên 6%.

Theo biểu lãi suất cập nhật mới nhất ngày 28/10 của VPBank, mức lãi suất cao nhất hiện nay là 8,9%/năm dành cho khách hàng gửi tiền qua kênh online từ 50 tỷ đồng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ, kỳ hạn từ 12-36 tháng. Tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng theo hình thức kể trên có mức lãi suất dao động khoảng 5,6-6%/năm; đối với các kỳ hạn từ 6-12 tháng, lãi suất cao nhất là 8,7%/năm và thấp nhất là 7,9%/năm. Với kỳ hạn từ 1 tháng trở lên, người gửi tiền được cộng thêm 0,1% lãi suất nếu thuộc nhóm khách hàng ưu tiên và lãi suất tối đa lên đến 9,4%/năm.

Cũng bắt đầu điều chỉnh tăng từ ngày 28/10, Nam A Bank áp dụng lãi suất tiền gửi lên đến 11%/năm, nhưng chỉ cho 3 tháng đầu đối với các khoản tiền gửi tại sản phẩm Happy Future kỳ hạn 9 tháng, còn 6 tháng sau chỉ có lãi suất 5,95%/năm; ở kỳ hạn 12 tháng, 6 tháng đầu có lãi suất 9,9%/năm, 6 tháng sau là 5,95%/năm; kỳ hạn 18 tháng thì 12 tháng đầu có lãi suất 8,9%/năm, 6 tháng sau là 5,95%/năm…

Trong khi đó, SCB niêm yết mức lãi suất tiết kiệm cao nhất lên tới 9,3%/năm kể từ ngày 25/10. Ngân hàng Bản Việt điều chỉnh lãi suất tiền gửi từ ngày 26/10, tăng 0,5 - 1,2%/năm theo từng kỳ hạn gửi, trong đó mức lãi suất cao nhất lên tới 8,9%. Tại CBBank, mức lãi suất tiền gửi cao nhất hiện là 8,9%/năm, dành cho tiền gửi thuộc gói sản phẩm Vạn Phát Lộc, kỳ hạn từ 13 tháng cho đến dưới 24 tháng.

Theo thông tin trên Kinh tế và Đô thị, không chỉ khối ngân hàng tư nhân, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm: Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV cũng đã cập nhật biểu lãi suất huy động mới từ ngày 27/10 và tăng mạnh ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất cao nhất tại quầy ở các nhà băng này là 7,4%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, cao hơn trước 1%/năm.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng này còn có chính sách cộng lãi suất tiền gửi theo hình thức trực tuyến thêm 0,5 - 0,6%/năm so với gửi tại quầy. Theo đó, lãi suất cao nhất tại nhóm Big4 có thể lên xấp xỉ 8%/năm, tương đương với nhiều ngân hàng tư nhân khác như VPBank (số tiền dưới 300 triệu), Techcombank, Sacombank.

Tính đến hiện tại, lãi suất huy động niêm yết dành cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tại nhiều ngân hàng đã tăng 1,5 - 1,8 điểm % so với hồi đầu năm. Cuộc đua lãi suất của các ngân hàng vẫn đang nóng lên, chủ yếu để giữ chân khách hàng không chạy sang nhà băng khác.

Chia sẻ với báo Đầu tư, các nhà phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, tỷ giá - lãi suất đang là một vòng xoáy. NHNN có thể điều chỉnh tăng thêm 0,5-1% lãi suất điều hành trong 2 tháng cuối năm vì đây là công cụ khả dĩ nhất để giảm bớt áp lực tỷ giá.

Mang tiền gửi ngân hàng là thượng sách?

Theo nhận định của các chuyên gia, lãi suất tiết kiệm tăng mạnh đã khiến dòng tiền nhàn rỗi quay trở ngân hàng trước việc thanh khoản thị trường chứng khoán, bất động sản giảm mạnh và nhiều biến động.

Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank, ông Phan Dũng Khánh cho rằng, gửi tiết kiệm hưởng lãi suất cao hiện nay là kênh đầu tư tốt nhất.

Theo ông Khánh, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp nhiều khả năng còn “bất động” từ nay đến cuối năm. Thị trường chứng khoán hiện khá hấp dẫn, song vẫn còn nhiều rủi ro. Vì vậy, nhà đầu tư ít am hiểu về thị trường tài chính không nên vội vã “bắt đáy” mà nên để tỷ trọng tiền mặt lớn trong danh mục của mình.

Còn theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, giai đoạn vừa qua, tâm lý nhà đầu tư chịu nhiều bất ổn do các tin tức tiêu cực. Bên cạnh đó, lãi suất, tỷ giá tăng mạnh tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và thị trường chứng khoán. Mặc dù vậy, làn sóng bán tháo lần này chủ yếu là ở nhóm nhà đầu tư mới tham gia thị trường, nhóm nhà đầu tư kỳ cựu vẫn đang nắm giữ cổ phiếu chờ tín hiệu hồi phục.

Ông Ngọc đưa ra lời khuyên, nhà đầu tư không nên bán tháo cổ phiếu trong giai đoạn này, trừ cổ phiếu xấu thì có thể cân nhắc cơ cấu danh mục. Với nhà đầu tư đang cầm tiền muốn giải ngân, dù vùng giá hiện tại của thị trường rất hấp dẫn, song chỉ phù hợp với nhà đầu tư mua tích lũy trung và dài hạn, không phù hợp với nhà đầu tư muốn “bắt đáy” lướt sóng ngắn hạn.

Với bất động sản, theo các chuyên gia, thanh khoản thị trường thời gian tới vẫn sẽ thấp do doanh nghiệp bất động sản khát vốn, nhà đầu tư thận trọng. Thị trường bất động sản cũng có sự phân hóa rõ nét: phân khúc bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực (nhất là căn hộ) vẫn tăng giá do khan hiếm nguồn cung, trong khi bất động sản đầu cơ đang giảm giá khá mạnh. Nhiều nhà đầu tư vay vốn ngân hàng đã phải giảm giá cắt lỗ bất động sản bởi không chịu nổi gánh nặng lãi vay.

Với các phân tích trên, nhiều chuyên gia cho rằng, kênh tiết kiệm chính là kênh an toàn và là thời điểm tốt cho người gửi tiết kiệm khi lãi suất vẫn có xu hướng nhích lên. Bởi trần huy động đã được nâng lên, cho phép các ngân hàng đang cần vốn trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền.

Bạn đang đọc bài viết Lãi suất huy động tăng, dòng tiền dịch chuyển sang tiết kiệm tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng