Hà Nội, Thứ Tư Ngày 09/10/2024

ABBank: Trong hai tháng 'chi' 2.500 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn, lãi tiền gửi lên gần 9%/năm

sohuutritue 20:43 22/10/2022

Chỉ trong 2 tháng, ABBank đã mua lại trước hạn 4 lô trái phiếu với tổng giá trị 2.500 tỷ đồng đều phát hành 2021. Đồng thời, miệt mài chào bán trái phiếu mới.

ABBank chi 2.500 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn

Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 9, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là gần 29.000 tỷ đồng, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế trong 9 tháng, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là hơn 142.000 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021.

Thực tế, trong những tháng gần đây, các ngân hàng đã mua lại hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Ở nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ cũng đang ‘miệt mài’ mua lại trái phiếu trước hạn, điển hình trong đó là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, UPCoM: ABB).

Thống kê trên HNX, từ tháng 8 đến tháng 10/2022, ABBank đã mua lại trước hạn 4 lô trái phiếu với tổng giá trị 2.500 tỷ đồng đều phát hành năm 2021.

Cụ thể, trong tháng 8/2022, ABBank mua lại trước hạn toàn bộ 2 lô trái phiếu gồm các mã ABBL2123010 có giá trị 500 tỷ đồng kỳ hạn 2 năm, ngày phát hành vào 30/8/2021, đáo hạn ngày 30/8/2023; lô trái phiếu mã ABBL2123009 phát hành ngày 16/8/2021, đáo hạn ngày 16/8/2023 có giá trị 500 tỷ đồng.

Đến tháng 9/2022, nhà băng này cũng đã mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn mã ABBL2123011 kỳ hạn 2 năm, ngày phát hành là 29/9/2021 và đáo hạn ngày 29/9/2023.

Đầu tháng 10/2022, ABBank tiếp tục mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu mã ABBL2123012 có kỳ hạn 2 năm, ngày phát hành 4/10/2021, ngày đáo hạn 4/10/2023 có tổng giá trị 500 tỷ đồng.

Được biết, 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận sau thuế tại nhà băng này ghi nhận hơn 1.328 tỷ đồng. Trong khi đó, chưa đầy 2 tháng đã chi ra 2.500 tỷ đồng để mua lại trái phiếu trước hạn.

abb
abb-1
Một trong những lô trái phiếu được ABBank mua lại trước hạn (nguồn: HNX)

Có thể thấy, sau sự kiện hủy các lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu đang chứng kiến làn sóng mua lại trước hạn của các doanh nghiệp và ngân hàng. Đáng nói, mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, có hiệu lực từ ngày 16/9. Theo đó, doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.

Trước khi Nghị định được ban hành và có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp và cả ngân hàng đã nhanh tay mua trái phiếu trước hạn.

Cùng với việc mua lại trái phiếu phát hành, ABBank cũng miệt mài chào bán trái phiếu mới. Tính từ đầu năm đến nay, ABBank cũng đã phát hành thành công 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 800 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 17/5/2022, ABBank phát hành thành công lô trái phiếu mã ABBL2225001 có tổng giá trị 500 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm đáo hạn ngày 17/5/2025.

Đến ngày 12/9, nhà băng này tiếp tục chào bán thành công lô trái phiếu mã ABBL2225002 có giá trị 300 tỷ đồng cũng kỳ hạn 3 năm, đáo hạn ngày 12/9/2025.

Lãi suất huy động tại ABBank gần 9%/năm

Động thái mua lại trái phiếu trước hạn tại các ngân hàng nói chung và ABBank nói riêng cũng diễn ra trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống đang trong trạng thái khá căng thẳng.

Mặc dù các ngân hàng đã tìm nhiều cách để hút tiền về nhưng chênh lệch huy động/tín dụng chưa được cải thiện nhiều. Số liệu của Tổng cục thống kê vừa công bố cho thấy, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng tương đối yếu trong 9 tháng đầu năm 2022, khi chỉ tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%), trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt tới 10,54%. Điều này đã khiến cho chênh lệch huy động – tín dụng duy trì ở vùng âm kể từ tháng 7 năm nay.

Chênh lệch huy động – tín dụng âm, cộng thêm với lượng tiền đang bị nhà điều hành tiền tệ hút về, thanh khoản hệ thống ngân hàng có trạng thái căng thẳng. Thể hiện rõ nhất ở việc, lãi suất VND liên ngân hàng tăng vọt ở các kỳ hạn.

Theo đó, để tiếp tục thu hút tiền gửi khách hàng, nhiều ngân hàng không chỉ tăng lãi suất huy động mà còn đẩy mạnh chương trình khuyến mãi cộng thêm lãi suất và ABBank cũng không ngoài cuộc.

Đại diện ABBank ngày 13/10 cho biết: Từ nay tới hết năm 2022, khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm tại ABBank sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi lên tới 8,6%/năm kèm nhiều quà tặng hấp dẫn. Theo đó, trong khuôn khổ Chương trình “Tiết kiệm thu sang - Gửi tiền phát lộc”, khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm với giá trị bất kỳ tại hệ thống quầy giao dịch của ABBank theo kỳ hạn 6 tháng sẽ hưởng lãi suất 7,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng hưởng lãi suất 8,5%/năm và kỳ hạn 15 tháng sẽ hưởng lãi suất lên tới 8,6%/năm.

Ngoài ra, với các khoản tiết kiệm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, tùy vào các kỳ hạn gửi tiền, khách hàng sẽ được tặng thêm một phần quà bằng tiền mặt trị giá tương đương từ 0,3 - 0,8%/năm lãi suất cho tháng gửi tiền đầu tiên và một tài khoản số đẹp có giá trị từ 2 - 10 triệu đồng.

Song song với chính sách ưu đãi tại quầy, khách hàng chọn gửi tiết kiệm trên kênh online thông qua app AB Ditizen cũng sẽ hưởng mức ưu đãi lãi suất hấp dẫn tương đương cho các kỳ hạn từ 6 - 12 tháng tại chương trình mang tên “Lướt APP gửi tiền - nhận liền lãi lớn”. ABBank sẽ dành ra hạn mức 4.500 tỷ đồng cho chương trình ưu đãi tại quầy và 500 tỷ đồng cho các khoản gửi online”, đại diện ABBank cho biết.

Hiện tại, mức lãi suất huy động cao nhất tại ABBank lên tới 8,8%/năm tại kỳ hạn 13 tháng, Mức lãi suất này chỉ áp dụng đối với các trường hợp gửi tiết kiệm từ 1,500 tỷ đồng trở lên trên một khoản tiền gửi tiết kiệm khi có phê duyệt của Tổng Giám đốc ABBank.

lai-suat-ABBank
Nguồn: ABBank

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/abbank-trong-hai-thang-chi-2500-ty-dong-mua-lai-trai-phieu-truoc-han-lai-tien-gui-len-gan-9-nam-d150659.html

Bạn đang đọc bài viết ABBank: Trong hai tháng 'chi' 2.500 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn, lãi tiền gửi lên gần 9%/năm tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng