Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 05/10/2024

Điều gì ẩn sau đợt bán tháo Bitcoin những ngày gần đây?

DTVN 19:56 26/04/2021

Các khoản đặt cược với tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, nhiều lệnh bán tháo tự kích hoạt trên sàn giao dịch tiền mã hoá và tâm lý bớt hào hứng của các nhà đầu tư tổ chức khơi mào cho đà giảm giá Bitcoin.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Cơn sốt tăng giá của bitcoin đã mất đà, ít nhất là ở thời điểm hiện tại

Cuối tuần trước, giá đồng tiền mã hoá lớn nhất thế giới đã giảm xuống dưới mốc 50.000 USD, tương đương mức giảm hơn 20% so từ mốc kỷ lục 64.829 USD vào ngày 14/4.

Bitcoin tăng giá cao kỷ lục trùng với thời điểm sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất nước Mỹ Coinbase thực hiện IPO. Thực tế, giá bitcoin đã trên đà tăng ấn tượng từ hồi năm ngoái. Giá bitcoin tăng 3 lần trong năm 2020 và tăng gấp đôi trong năm 2021 trước khi bắt đầu đi xuống.

Hôm 17/4, giá bitcoin đột ngột giảm 17% xuống còn 52.149 USD, một nửa mức giảm này xảy ra chỉ trong 20 phút. Một tuần sau đó, vào ngày 23/4, giá bitcoin dừng lại ở mức 50.620 USD.

Động lực của bitcoin cho thấy những dấu hiệu giảm sút trong thời gian gần đây, chuyên gia Michael Oliver của công ty nghien cứu Momentum Structural Analysis, nhận định.

Kể từ khi bitcoin vượt mốc 60.000 USD lần đầu tiên hồi tháng 3, đà tăng đã chậm lại và đồng tiền này giao dịch trong phạm vi tương đối hẹp. Theo ông Oliver, đây là dấu hiệu cho thấy đà tăng sẽ chững lại và thực tế nó đã xảy ra vào cuối tuần trước.

Hiện chưa rõ lý do dẫn đến cuộc bán tháo thổi bay 220 tỷ USD giá trị tiền mã hoá ra khỏi thị trường này, Wall Street Journal nhận định.

Một số nhà đầu tư cho rằng tin đồn trôi nổi trên Twitter về việc Bộ Ngân khố đang chuẩn bị phạt một số định chế tài chính lớn vì dùng tiền mã hoá cho hoạt động rửa tiền có thể là lý do.

Những lệnh tự động bán ra cuốn bay hàng tỷ USD

Dù lý do khơi mào cuộc bán tháo là gì, các nhà đầu tư tin rằng cuộc bán tháo leo thang nhanh chóng vì sự bùng nổ của một số lượng lớn các khoản đặt cược sử dụng đòn bẩy tài chính ở các sàn giao dịch phát sinh tiền mã hoá ở nước ngoài. Các sàn giao dịch này vốn được quản lý không quá nghiêm ngặt.

Tổng cộng, các nhà đầu tư đã mất 10,1 tỷ USD vào hôm Chủ nhật vì các cuộc bán tháo trên sàn giao dịch tiền mã hoá, theo công ty cung cấp dữ liệu Bybt. Hơn 90% vốn đầu tư bán tháo vào hôm đó đến từ các khoản đặt cược tăng giá vào bitcoin và nhiều đồng tiền số khác. The Bybt, gần 5 tỷ USD bán tháo diễn ra trên một sàn giao dịch duy nhất, Binance – sàn giao dịch tiền mã hoá có lưu lượng giao dịch lớn nhất thế giới.

Khi giá bitcoin giảm, nhiều khoản đặt cược tự động bán ra. Thực tế này tiếp tục đè nén áp lực giảm xuống giá bitcoin và khiến đồng tiền này sa vào một cuộc bán tháo luẩn quẩn, không hồi kết.

Một số nhà đầu tư thua lỗ mà không nhận được cảnh báo

Jasim, một kỹ sư ở Kuwatt, cho biết thức giấc vì thông báo trên điện thoại vào 5 giờ sáng hôm Chủ nhật và nhận thấy Binance đang bán ra một số món đầu tư của anh. Sau đó, anh chốt thêm một số khoản đầu tư khác ở mức lỗ khá lớn. Tổng cộng, Jasim mất khoảng 9.000 USD.

Đây không phải một trải nghiệm mới mẻ đối với Jasim vì vị thế của anh cũng từng bị bán ra vài lần kể khi anh bắt đầu đầu tư tiền mã hoá vào năm 2017. "Tham lam là một vấn đề", Jasim chia sẻ. Anh vẫn quay trở lại đầu tư vào tiền số và lên kế hoạch sẽ cẩn trọng hơn về quản trị rủi ro trong tương lai.

Các sàn giao dịch như Binance cho phép nhà đầu tư cá nhân đặt cọc một lượng khá nhỏ tiền mặt cho các khoản đặt cược lớn. Ví dụ, một nhà đầu tư có thể mua hợp đồng tương lai thu lợi nếu Bitcoin tăng giá so với USD. Nếu giá tăng trong thực tế, lợi nhuận của nhà đầu tư có thể tăng lên gấp nhiều lần so với việc chỉ mua Bitcoin đơn thuần.

Thế nhưng, nếu giá Bitcoin giảm, các nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với thua lỗ lớn và phải nhanh chóng rót thêm tiền vào quỹ đầu tư. Bằng không, các sàn giao dịch sẽ tự động bán ra các tài sản mà nhà đầu tư nắm giữ.

Không dừng lại ở đây, ở màn giảm giá lịch sử của Bitcoin, một số sàn giao dịch, bao gồm Binance, đã gặp lỗi do lượng giao dịch quá lớn. Các nhà đầu tư nói với WSJ rằng việc không vào được các sàn giao dịch làm ảnh hưởng tiêu cực đến tính thanh khoản.

Các sàn giao dịch phát sinh mã hoá nước ngoài cũng cho phép nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ rất cao.

Ví dụ, nhà đầu tư có thể đặt cược ở tỷ lệ đòn bẩy tới 125 – 1 cho một số hợp đồng tương lai. Điều này có nghĩa là họ có thể đặt cọc 80 cents để nắm giữ lượng Bitcoin tương đương với 100 USD.

Để so sánh, một nhà đầu tư giao dịch hợp đồng Bitcoin tương lai trên CME Group, một sàn giao dịch Mỹ được kiểm soát, cần đặt cọc tối thiểu 38 USD. Thậm chí, các nhà môi giới có thể yêu cầu mức cao hơn con số này.

Về phần mình, người phát ngôn của Binance nói rằng tỷ lệ đòn bẩy tài chính đã giảm xuống với nhiều sản phẩm và chỉ một số ít người dùng được sử dụng tỷ lệ đòn bẩy 125 – 1.

heo WSJ, các nhà đầu tư cho rằng cuộc bán tháo nhanh chóng vào cuối tuần cho thấy vai trò lớn của những khoản đặt cược sử dụng đòn bẩy tài chính trong đà tăng giá của Bitcoin trong năm nay.

Bên cạnh lý do nói trên, nhu cầu các khoản đầu tư mã hoá từ các nhà đầu tư tổ chức giảm và giá cổ phiếu Coinbase giảm sau khi IPO cũng là nguyên nhân khiến sự hào hứng thị trường dành cho Bitcoin giảm sút.

Theo cáo cáo từ sàn giao dịch mã hoá OKEx, số lượng giao dịch Bitcoin lớn, thường đến từ các quỹ chuyên nghiệp , giảm nhẹ trong quý 1 so với quý 4 năm ngoái. Lượng tài sản do các nhà quản lý quỹ nắm giữ cũng giảm 4,5% xuống còn 56 tỷ USD trong tháng 4, theo CryptoCompare.

Theo Kinh tế Chứng khoán

Link gốc : https://kinhtechungkhoan.vn/dieu-gi-an-sau-dot-ban-thao-bitcoin-nhung-ngay-gan-day-92527.html

Bạn đang đọc bài viết Điều gì ẩn sau đợt bán tháo Bitcoin những ngày gần đây? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng