Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 27/04/2024

Cuối năm 2019, 21 triệu thẻ ATM sẽ chuyển đổi sang thẻ chip hứa hẹn thanh toán an toàn

DTVN 07:57 04/11/2019

Trong năm 2019, khoảng 30% số lượng thẻ ATM trên thị trường sẽ được chuyển đổi sang thẻ chip và đến năm 2021, toàn bộ 75 triệu thẻ ATM được đổi sang thẻ chip.

Hoàn tất chuyển đổi 21 triệu thẻ ATM trong năm 2019

Theo kế hoạch của ngành Ngân hàng đến cuối năm 2019 sẽ có khoảng hơn 21 triệu thẻ thanh toán (ATM) được chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến hết ngày 31/12/2019, ít nhất 30% số thẻ đang lưu hành trên thị trường phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, tương đương khoảng 21 triệu thẻ ATM phải chuyển đổi từ công nghệ thẻ từ sang thẻ chip. Hạn chót cho việc chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM trên thị trường sang thẻ chip là cuối năm 2021.

Theo lộ trình chuyển đổi, đến hết năm 2019, ít nhất 35% máy ATM, 50% thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.

Thẻ chip giúp gia tăng tính an toàn, tích hợp thanh toán đa dịch vụ

Việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa là mục tiêu chiến lược của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo hướng tiết kiệm chi phí cho xã hội, tiện lợi cho người dân trong thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là nhiệm vụ mà ngành Ngân hàng đã bắt tay triển khai từ năm 2016 tới nay.

Ưu điểm của thẻ chip là thông tin nằm trong chip được mã hóa và chỉ có ngân hàng phát hành mới đọc được dữ liệu trong thẻ và thẻ chip cũng không thể làm thẻ giả được. Do đó, các ngân hàng sẽ khắc phục được tình trạng tội phạm thẻ đánh cắp dữ liệu thẻ, hạn chế được rủi ro các giao dịch giả mạo, đảm bảo an ninh an toàn thanh toán cho khách hàng, chống gian lận trong giao dịch thanh toán.

Việc này còn mở rộng khả năng tích hợp các tiện ích thanh toán với các ngành kinh tế khác, hướng tới chiếc thẻ thanh toán đa năng, như thẻ chip có thể tích hợp các ứng dụng y tế, trường học, hay thanh toán phí giao thông, có thể thanh toán nhiều dịch vụ công ngay trên thẻ…

Về phía người dùng khi chuyển sang dùng thẻ chip nội địa sẽ có lợi hơn dùng thẻ từ, vì tính an toàn, bảo mật thẻ cao hơn. Do không cần nhập mã PIN nên giảm được các thao tác khi thanh toán, cũng không lo lộ mã PIN..., góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Tỉ lệ giao dịch bị giả mạo tại một số thị trường đã giảm mạnh khi chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip.

Ảnh minh họa

Với các thẻ chip không tiếp xúc (contactless) sẽ tiện dụng hơn so với thanh toán tiền mặt ở tốc độ giao dịch nhanh chỉ 0,2 -0,3 giây là xử lý xong giao dịch, khách hàng khi đưa thẻ thanh toán chạm vào máy POS cũng không cần nhập mã PIN hay ký xác nhận với các giao dịch giá trị nhỏ.

Theo ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas): Đến nay có rất nhiều ngân hàng đã đăng ký với Napas để thực hiện chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip. Hiện tại, 7 ngân hàng đầu tiên đã sẵn sàng thực hiện triển khai chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa vào cuối tháng 5/2019 gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Sacombank, TPBank và ABBank. Việc chuyển đổi bao gồm triển khai hệ thống phát hành thẻ, hệ thống chấp nhận thẻ, hệ thống xử lý giao dịch để kết nối với Napas. Số lượng thẻ của 7 ngân hàng này chiếm khoảng 70% thị phần thẻ nội địa.

Cũng theo ông Minh, chuẩn bị cho lộ trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip, NHNN cũng đã ban hành bộ tiêu chuẩn chung để các đơn vị cùng tham gia vào hệ sinh thái ngân hàng thực hiện. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có tiêu chuẩn thẻ riêng cho thị trương, tương thích với chuẩn quốc tế EMV.

Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc: https://sohuutritue.net.vn/cuoi-nam-2019-21-trieu-the-atm-se-chuyen-doi-sang-the-chip-hua-hen-thanh-toan-an-toan-d63136.html

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/cuoi-nam-2019-21-trieu-the-atm-se-chuyen-doi-sang-the-chip-hua-hen-thanh-toan-an-toan-d63136.html

Bạn đang đọc bài viết Cuối năm 2019, 21 triệu thẻ ATM sẽ chuyển đổi sang thẻ chip hứa hẹn thanh toán an toàn tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng