Toàn bộ giá trị khoản nợ tạm tính đến ngày 29/2/2020 là hơn 104,8 tỷ đồng. Trong đó nợ gốc hơn 76,5 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn khoảng 19,1 tỷ đồng, còn lại là nợ lãi quá hạn trị giá 9,16 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo của khoản nợ trên gồm quyền sử dụng 834 m2 đất trong tổng thể mảnh đất 2.832 m2 tại Số 2 - 4 phố Đội Nhân, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội thuộc sở hữu của Công ty CP Tư vấn đầu tư dự án Quốc tế; dây chuyền sản xuất giấy CHM A4-4 và Máy đóng đai tự động.
Giá khởi điểm BIDV đưa ra đấu giá khoản nợ này là 98 tỉ đồng. Trong đó chưa bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản, phí đăng kí và các chi phí khác. Để tham gia đấu giá, các cá nhân, đơn vị phải đặt trước 9,8 tỉ đồng, tương đương 10% giá khởi điểm.
Được biết, đây là lần thứ hai BIDV rao bán khoản nợ của Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Trường Phát. Trước đó, vào đầu tháng 7, khoản nợ này đã được BIDV bán đấu giá với giá khởi điểm hơn 100 tỉ đồng.
Theo vietnamfinance, khu đất số 2-4 phố Đội Nhân (trong đó 834m2 là tài sản đảm bảo của khoản nợ trên) do thành phố giao cho Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư dự án Quốc tế (ICC) để thực hiện dự án xây dựng khu văn phòng và nhà ở.
Nhiều năm trước, khu đất này trở thành bãi giữ xe trái phép và đến cuối năm 2019, phường Vĩnh Phúc đã cưỡng chế, giải tỏa sau phản ánh của báo giới. Tuy nhiên, dự án này từ khi được thành phố giao đất từ năm 2004 đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Trước đó, ngày 21/8 vừa qua, BIDV rao bán nguyên lô tài sản có giá khởi điểm từ 221 tỷ đồng đến 388 tỷ đồng.
Cụ thể, nhà băng này rao bán 25 tài sản tại Sa Đéc, Đồng Tháp với tổng giá khởi điểm gần 283 tỷ đồng.
25 tài sản bao gồm 21 quyền sử dụng đất ở, sản xuất kinh doanh, trồng cây lâu năm, hàng năm khác với tổng diện tích 24.329 m2 tại xã Tân Quy Tây. Cùng với đó là 3 nhà kho có tổng diện tích xây dựng gần 8.142 m2 và toàn bộ máy móc thiết bị dây chuyền xây xát, lau bóng gạo.
Trước đó, ngày 20/8, BIDV rao bán đấu giá tài sản nguyên lô gồm quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất là Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM (diện tích 2.675 m2) cùng với hệ thống máy móc thiết bị gồm 1 bộ máy biến thế, hệ thống đầu nối cho trạm biến áp, tổ hợp máy phát điện và toàn bộ nội thất, công cụ, trang thiết bị, máy móc thuộc toà nhà Crystal Palace.
Giá khởi điểm cho tài sản nguyên lô gần 378 tỷ đồng, chưa bao gồm VAT.
Trước đó, BIDV thông báo đấu giá khoản nợ của CTCP Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam (Agritour ) với giá khởi điểm hơn 388 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm của khoản nợ là quyền sử dụng đất với diện tích gần 8.147 m2 tại phường 2, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đồng thời, khoản nợ gần 246 tỷ đồng bao gồm dư nợ gốc và lãi của CTCP Thương mại và Xây dựng Nam Sơn cũng được rao bán lần thứ hai với giá khởi điểm hơn 221 tỷ đồng.
Thời gian qua, các ngân hàng liên tục phát mãi tài sản thu hồi nợ xấu, song do tác động bởi đại dịch Covid-19 nên việc bán tài sản thu hồi nợ xấu không dễ thành công.
NHNN cho biết, tính đến thời điểm 31/5, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tăng 16,3% so với cuối năm 2019. Trong kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 4%, tỉ lệ nợ xấu nội bảng ước tính đến cuối năm nay sẽ lên mức 2,41%.
Theo NHNN, những tháng đầu năm 2020, trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh COVID-19, mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, nhưng hiện vẫn chưa thể xác định chính xác thời điểm phục hồi kinh tế toàn cầu. Các tổ chức quốc tế tiếp tục điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng này.
BIDV hiện đang là ngân hàng có nợ xấu lớn nhất. Sau soát xét, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) chuyển 432 tỷ đồng nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) sang nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5). Như vậy, nợ nhóm 3 sau soát xét giảm từ hơn 4.238 tỷ đồng xuống còn gần 3.806 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ có khả năng mất vốn tăng thêm 433 tỷ đồng, từ 13.343 tỷ đồng lên 13.776 tỷ đồng.
Với việc dịch chuyển nhóm nợ, tổng nợ xấu và dư nợ cho vay của BIDV không thay đổi nên tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng vẫn ở mức 2% so với trước khi soát xét.
So với đầu năm 2020, tổng nợ xấu của BIDV đã tăng 17% do nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) cùng tăng 21%. Trong khi đó, dư nợ cho vay khách hàng chỉ tăng nhẹ 2% so với đầu năm khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1.75% lên mức 2%.
Về kết quả kinh doanh, do dịch chuyển nhóm nợ từ nợ dưới tiêu chuẩn sang nợ có khả năng mất vốn, BIDV đã tăng thêm hơn 219 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, khiến lãi ròng của Ngân hàng giảm hơn 83 tỷ đồng, tương đương giảm 2% sau soát xét.
So với cùng kỳ năm 2019, lãi ròng của BIDV giảm nhẹ 8%, còn hơn 3,392 tỷ đồng.
Tính đến 30/6/2020, tổng nợ xấu của BIDV tăng gần 17% lên 22.769 tỷ đồng. Được biết, tổng nợ xấu của Vietcombank và VietinBank cộng lại cũng chỉ ở mức hơn 22.400 tỷ đồng, vẫn còn kém một mình BIDV.
Hà Linh (T/H)/Sở hữu trí tuệ